Sau gần 01 năm triển khai dự án Mô hình CLB Teenyeeu 24h, tháng 5/2024 Trung tâm Trẻ em và Phát triển (CCD) đồng phối hợp Viện Dân số, gia đình và trẻ em đồng tổ chức Toạ đàm trực tuyến trẻ em góp ý Luật Bình đẳng giới.
Chương trình có gần 100 người tham dự gồm các khách mời là đại diện Cục trẻ em, đại diện Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, các thành viên mạng lưới GBVNet (mạng lưới ngăn ngừa và ứng phó bạo lực giới tại Việt Nam), đại diện các đơn vị đồng hành cùng dự án Viện Phát triển Sức khoẻ cộng đồng Ánh sáng Light, Trung tâm Tư vấn pháp luật & Nghiên cứu chính sách (CLAP) cùng học sinh, giáo viên các đơn vị là nhà trường, cơ sở giáo dục tại hai địa bàn tỉnh Hà Nội và Quảng Bình: Trường Tiểu học & THCS Xanh Tuệ Đức, Trường Hermann Gmeiner Hà Nội, Trường THCS, THPT Chu Văn An (Quảng Bình), Nhà thiếu nhi tỉnh Quảng Bình, Làng trẻ em SOS Quảng Bình.
Tại toạ đàm, đại diện học sinh các CLB đã chia sẻ góp ý về 4 điều khoản Luật của Luật Bình đẳng giới bao gồm:
Điều 14 “Bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo”
Điều 18 “Bình đẳng giới trong gia đình”
Điều 23 “Thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới”
Điều 24 “Nguồn tài chính cho hoạt động bình đẳng giới”
Góp ý của trẻ em về Điều 18 Luật Bình đẳng giới – “Bình đẳng giới trong gia đình”
Phát biểu tại Toạ đàm bà Nguyễn Kim Hoa Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em, Cục trẻ em – Bộ Lao động thương binh Xã hội nhận định: “Với kiến thức và sự hiểu biết của các em, khi tìm hiểu 4 điều Luật, các em đã có cách tiếp cận gần gũi và những góp ý rất sát với quyền và lợi ích của các em. Chúng tôi những người nghiên cứu và xây dựng chính sách có cơ hội được lắng nghe & tôi hy vọng có thể áp dụng cách truyền tải thông tin về Luật pháp gần gũi với ngôn ngữ và đời sống của các em dưới góc nhìn trẻ em như thế này và không chỉ áp dụng cho Luật Bình đẳng giới mà còn áp dụng cho nhiều điều luật khác”.
Bà Nguyễn Kim Hoa Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em,Cục trẻ em – Bộ Lao động thương binh Xã hội chia sẻ tại Toạ đàm
Bà Đoàn Minh Hiền, Ủy viên BCH Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam chia sẻ:
“Chúng tôi rất ghi nhận nỗ lực của CCD trong việc tham vấn ý kiến của trẻ em đặc biệt là liên quan tới các quy định pháp luật. Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam là một tổ chức xã hội có trách nhiệm trong việc kết nối, thu thập thông tin, kiến nghị của trẻ em để gửi tới các cơ quan Nhà nước để góp ý, tư vấn cho việc xây dựng chính sách Pháp luật về Quyền trẻ em. Tham gia toạ đàm, tôi rất ấn tượng với nội dung mà các em chia sẻ, thảo luận. Tôi mong muốn bản góp ý này có thể gửi tới Hội Bảo vệ Quyền trẻ em để Hội có thể chuyển gửi tới các cơ quan Nhà nước có liên quan”.
Kết thúc buổi toạ đàm, với sự đồng hành của chuyên gia dự án là các chuyên gia về giới, Quyền trẻ em và Luật sư cùng sự chia sẻ của khách mời, đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các em học sinh đã được cung cấp thêm thông tin và hoàn thiện các nội dung góp ý của mình để các ý kiến được Viện Dân số & Trung tâm trẻ em và phát triển CCD tổng hợp gửi tới các cơ quan quản lý, nhà làm chính sách để góp ý cho Luật Bình đẳng giới”
Toạ đàm trực tuyến đã khép lại 1 năm triển khai dự án Mô hình CLB Teenyeeu 24h & đã đóng góp cho mục tiêu “Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong xây dựng quy tắc ứng xử tại tổ chức giáo dục dưới góc nhìn giới và nâng cao năng lực truyền thông, góp ý xây dựng pháp luật về giới và tình dục”
Hình ảnh các em học sinh tại Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h với phần tham quan triển lãm CLB với chủ đề về giới và Pháp luật.
Dự án “Mô hình CLB Teenyeeu 24h” Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong xây dựng quy tắc ứng xử tại tổ chức giáo dục dưới góc nhìn giới và nâng cao năng lực truyền thông, góp ý xây dựng pháp luật về giới và tình dục” là sáng kiến do Trung tâm Trẻ em và Phát triển (CCD) cùng Viện Dân số, Gia đình và Trẻ em (IPFCS) phối hợp triển khai. Chương trình có sự đồng hành và hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh sáng (LIGHT) và Trung Tâm tư vấn pháp Luật (CLAP).
Dự án đã tổ chức đào tạo cho gần 100 học sinh 4 Câu lạc bộ của trường học, cơ sở giáo dục tại Hà Nội, Quảng Bình đồng thời đào tạo và kết nối mạng lưới cộng tác viên tư vấn viên pháp luật giới và tính dục cho người chưa thành niên, hỗ trợ hơn 60 ca tư vấn trực tiếp truyền thông giáo dục pháp luật cho học sinh, cha, mẹ và hỗ trợ gần 40 trường hợp hỏi ẩn danh trên các nền tảng trực tuyến.
Hơn 6000 Học sinh, cha, mẹ và giáo viên đã được tiếp cận thông tin, nâng cao nhận thức về quyền trẻ em, giới & pháp luật thông qua các hoạt động và kênh truyền thông, báo đài đưa tin về dự án.
Dự án được triển khai tại Hà Nội, Quảng Bình từ tháng 06 năm 2023 đến tháng 05 năm 2024 tại Trường Hermann Gmeineir Hà Nội, Trường Tiểu học & Trung học cơ sở Xanh Tuệ Đức, Trường Trung học cơ sở, Trung học Phổ thông Chu Văn An, Nhà thiếu nhi và Làng trẻ em SOS Quảng Bình. Dự án tiếp cận trẻ em đặc biệt làng SOS, đảm bảo trẻ em có đa dạng điều kiện sống được tham gia, để không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau
Bà Lê Thị Thu Hà – Giám đốc dự án Mô hình CLB Teenyeeu 24h tại Buổi tổng kết dự án tại Quảng Bình cùng các đơn vị đối tác và Nhà tài trợ. (người cầm hastag Dự án giáo dục giới tính Teenyeeu)
Dự án được Quỹ thúc đẩy sáng kiến tư pháp (viết tắt là Quỹ JIFF), do Oxfam Việt Nam quản lý, là một trong hai hợp phần của Dự án “Tăng cường pháp luật và Tư pháp tại Việt Nam – EU JULE” do Liên minh Châu Âu tài trợ dưới hình thức ODA không hoàn lại cho Chính phủ Việt Nam, nhằm góp phần tăng cường xây dựng pháp quyền ở Việt Nam thông qua hệ thống tư pháp tin cậy và dễ tiếp cận.
C.C.D