Đây là chủ đề và nội dung chính được thảo luận tại Tọa đàm do Báo Pháp Luật TPHCM tổ chức ngày 18/4/2023 tại TPHCM.
Được biết, các sản phẩm TLTHM gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng đã xuất hiện gần 10 năm qua và trở nên quen thuộc tại Việt Nam. Hiện nay, dù TLTHM vẫn chưa chính thức được phép nhập khẩu và lưu hành tại nước ta, nhưng trên thực tế, các sản phẩm này vẫn đang được nhập lậu, xách tay và bày bán tràn lan trên thị trường một cách phi pháp, từ các trang mạng xã hội, sàn thương mai điện tử, đến các cửa hàng công khai trên phố.
Những sản phẩm TLTHM trôi nổi không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, thành phần nêu trên hiện đang gây ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng. Kẻ gian còn lợi dụng lỗ hổng về luật pháp để bán trái phép cho học sinh, sinh viên; lợi dụng cơ chế mở của một số loại thuốc lá điện tử để trộn lẫn ma túy, cần sa, chất cấm vào trong thiết bị nhằm tạo thêm những con nghiện mới. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều ca ngộ độc, gây xôn xao xã hội trong thời gian qua.
Thậm chí, một số đối tượng còn dùng tiền dụ dỗ học sinh sử dụng và trở thành “kênh phân phối” hàng cấm… Thực trạng này cũng tạo thêm gánh nặng cho các cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn tội phạm buôn lậu lẫn tội phạm ma túy. Không chỉ vậy, TLTHM nhập lậu vào tiêu thụ tại thị trường Việt Nam thiếu kiểm soát, với số lượng ngày càng gia tăng khiến ngân sách Nhà nước bị thất thu rất lớn.
Toạ đàm có ba vấn đề được bàn luận: Thứ nhất, hiện nay đã đủ điều kiện về pháp lý để kiểm soát TLTHM, trong đó có thuốc lá làm nóng.
Hiện nay TLTHM đã được cấp mã số quốc tế, đã có đầy đủ các tiêu chí về việc quản lý thuốc lá. Với trải nghiệm của một người cũng sử dụng cả thuốc lá truyền thống và TLTHM, tôi nhận thấy TLTHM đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người sử dụng thuốc lá.
Như phân tích, thuốc lá làm nóng được sản xuất với thành phần nicotine, sản phẩm với nguyên liệu từ lá, cây… của cây thuốc lá. Như vậy về tiêu chí hàng hóa thì thuốc lá làm nóng đã đáp ứng, về tiêu chí pháp luật cũng đã đáp ứng, và Chính phủ cũng đã giao các bộ ngành chức năng soạn thảo xem xét thay thế Nghị định 67 để quản lý. Đây là điều kiện pháp lý để quản lý TLTHM nói chung, thuốc lá làm nóng nói riêng.
Thứ hai, từ phân tích của các chuyên gia, việc không quản lý TLTHM sẽ gây ra hậu quả lớn cho xã hội như Nhà nước không thu được thuế, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng cũng thiếu đi pháp lý để tuyên truyền vận động giáo dục, cũng như kiểm định TLTHM. Điều này cũng ảnh hưởng xấu đến trật tự quản lý thị trường, gây bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh, khó khăn khi xử phạt trong xử lý hình sự….
Thứ ba, về sự cấp bách trong quản lý TLTHM, từ nhiều năm trước, Chính phủ đã yêu cầu phải hoàn thiện khung pháp lý để quản lý TLTHM. Cho tới bây giờ, chúng ta vẫn chưa có văn bản pháp lý, gây lúng túng cho các cơ quan như Hải quan, Quản lý thị trường… trong công tác quản lý.
Mặt khác, việc này gây ảnh hưởng đến vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam trong công tác kiểm soát mọi sản phẩm thuốc lá hiện diện trên thị trường.
Các ý kiến đóng góp của các đại biểu đại diện các cơ quan, ban ngành… đều thống nhất về tầm quan trọng và tính cấp bách của việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 67/2013 về kinh doanh thuốc lá, nhằm tạo điều kiện cho việc luật hóa TLTHM, hướng đến việc tìm ra giải pháp giảm tác hại cho thuốc lá điếu. Đặc biệt, việc sớm có khung pháp lý phù hợp cho mặt hàng này sẽ giúp các cơ quan chức năng thực thi nghiêm minh các mức hình phạt cụ thể, xác đáng đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan.
Các ý kiến trong tọa đàm cũng nhằm mục đích góp phần hoàn thiện khung pháp lý nhằm nâng cao năng lực kiểm soát mọi loại sản phẩm thuốc lá của quốc gia, cũng như chấm dứt tình trạng thả lỏng cho thị trường chợ đen hoành hành, gây khó khăn cho công tác kiểm soát buôn lậu và thiệt hại cho ngân sách Nhà nước lẫn sức khỏe người dùng.
Nguồn ; https://tphcm.chinhphu.vn/thuoc-la-the-he-moi-du-dieu-kien-de-quan-ly-ngay-theo-luat-hien-hanh-10123041820253903.htm