“Cách đây một năm, sáng ngủ dậy tỉnh giấc, tự nhiên mình bị cứng đơ cổ bên trái, không thể nào xoay ngang hay cúi đầu được, mình lấy tay day và dầu xoa, khoảng một tuần thì tình trạng bệnh có thuyên giảm, tuy nhiên 2 – 3 tháng sau, hiện tượng này lại xuất hiện, không biết mình đã bị bệnh gì?” 
Trúc Lam – Bình Dương

Thoái hóa đốt sống cổ

Theo như bạn kể thì mình cũng mắc phải bệnh giống y như bạn. Mình không chỉ đau và cứng đơ cổ, khi vận động cổ, mình cảm thấy rất đau, cơn đau kéo dài từ gáy lan ra tai, cổ, đau lan lên đầu, đau từ gáy lan xuống bả vai, cánh tay. Khi bị bệnh, mình cũng nghĩ mình đã bị trúng gió, tuy nhiên hiện tượng này cứ lặp đi lặp lại vài tháng một lần. Và rồi, khi không chịu đựng nổi nữa mình đã đi thăm khám, được bác sĩ chẩn đoán rồi cho chụp X quang, kết quả là mình đã bị thoái hóa đốt sống cổ. Mình thấy lạ, thắc mắc hỏi bác sĩ rằng mình mới hơn 30 tuổi, làm sao có thể thoái hóa đốt sống cổ được. Bác sĩ giải thích rằng bệnh này không chỉ có ở những người già, mà những người trẻ thường làm việc trong văn phòng, ít vận động cũng rất dễ bị thoái hóa đốt sống cổ. Thường gặp nhất là ở những người làm các công việc luôn đòi hỏi cúi hay ngửa nhiều, mang vác nặng trên đầu hay ngồi trước màn hình vi tính quá lâu khiến cho bị sai lệch cấu trúc bình thường của cổ, dẫn tới biến đổi mô xương, dây chằng, cơ và dễ dẫn đến thoái hóa các mô cột sống hoặc hình thành các gai xương đốt sống.
Thu Hoài – Lâm Đồng

Chú ý tư thế ngủ

Mình cũng bị thoái hóa đốt sống cổ, nguyên nhân gây ra do có thói quen kê gối rất cao khi ngủ. Hôm đi khám, sau khi kể bệnh, bác sĩ nói tư thế ngủ cũng là nguyên nhân dẫn đến thoái hóa đốt sống cổ. Khi ngủ nếu chúng ta chỉ nằm trong 1 – 2 tư thế, rồi lựa chọn gối kê không phù hợp, gối quá cao hay gối quá mềm cũng rất dễ vẹo cổ. Để phòng bệnh khi ngủ hãy thường xuyên chuyển mình, tránh nằm chỉ một hoặc 2 tư thế. Đặc biệt không nên nằm sấp, bởi tư thế này sẽ khiến cho cổ bị gập xuống rất dễ gây nên chứng thoái hóa đốt sống cổ.
Tú Anh – Hà Nội

woman-with-neck-pain-560x691Khi bị bệnh, bạn có thể thực hiện một vài thao tác massage nhẹ nhàng cho vùng cổ.

“Mình làm việc ở văn phòng, thường xuyên thấy mỏi cổ, không biết đây có phải là hiện tượng của thoái hóa đốt sống cổ không? Khi bị bệnh nên chăm sóc và điều trị như thế nào?”
Thu Uyên – Thủ Đức, TP.HCM

Điều chỉnh tư thế ngồi

Đối với người làm công tác văn phòng, thường xuyên làm việc với máy vi tính, cần tạo lập thói quen bảo vệ sức khỏe ngay tại nơi làm việc, với những động tác luyện tập hay vươn vai đơn giản, không ngồi ỳ bên máy tính trong thời gian quá dài. Khi ngồi làm việc cần chú ý điều chỉnh ghế ngồi sao cho có độ cao thích hợp so với bàn làm việc và máy tính. Không để ghế ngồi quá cao hay quá thấp. Giữ khoảng cách hợp lý từ tay đến bàn làm việc hay máy tính. Khi ngồi nên giữ thẳng lưng và 2 vai giữ ngang bằng trong suốt quá trình ngồi làm việc.
Thanh Vân – TP.HCM

Massage trị liệu tại nhà

Dù bạn có bị hoặc chưa bị thoái hóa đốt sống cũng không bao giờ được vặn bẻ cổ đột ngột khi thấy mỏi, bởi tất cả các động tác này sẽ làm tăng thoái hóa đốt sống cổ. Khi bị bệnh, bạn có thể thực hiện một vài thao tác massage nhẹ nhàng cho vùng cổ. Hãy dùng tay phải tìm đốt sống cổ thứ 7 (to hơn các đốt sống khác) và day xung quanh đốt sống đó. Ngoài ra, cũng có thể chườm nóng hay xoa bóp nhẹ nhàng.
Thu Dung – Hải Phòng

Các thao tác vận động cổ

Để phòng và tránh bệnh, bạn hãy thường xuyên thể dục cho cổ bằng cách: nghiêng cổ sang phải rồi sang trái; cúi cổ về phía trước, ngửa cổ về phía sau; quay cổ về phía vai trái, trở xoay và quay ngược lại về phía bên phải; lần lượt nhấc vai trái rồi đến vai phải, sau đó nhấc cả hai vai cùng lúc; sau đó lấy tay phải xát cổ trái từ trên xuống và ngược lại; cuối cùng là xát gáy, lấy các ngón tay của hai bàn tay đan với nhau ôm vào sau gáy kéo qua kéo lại. Cố gắng thực hiện từ 10 – 15 lần cho mỗi động tác.
Quỳnh Như – Đà Nẵng

Địa chỉ tham khảo: http://thoaihoacotsong.vn

Nguồn: Tạp chí Thời Trang Trẻ

Bệnh viện Hạnh Phúc