Thời này cũng thật lạ, nhiều người lớn tuổi lại phải đi tìm cách sử dụng mạng xã hội như Facebook hay Zalo,… còn người trẻ tuổi thì lại có xu hướng tìm kiếm về những nơi cổ điển, những quán cà phê mang phong cách hoài niệm và lắng nghe những bản nhạc xưa. Điều này tưởng như nghịch lí nhưng thực tế lại dễ hiểu nếu chúng ta nghe ý kiến của những người trong cuộc.

Trôi theo dòng chảy của công nghệ
Mạng xã hội hay điện thoại thông minh hiện nay không còn là điều quá xa lạ trong cuộc sống hiện đại, đặc biệt là giới trẻ nhưng lại là một thách thức lớn đối với các thế hệ đi trước. Không ít người trung niên thậm chí là lớn tuổi hiện nay đang cố gắng học cách sử dụng điện thoại thông minh, hay tiếp cận với các trang mạng xã hội.
Mỗi thời có mỗi sự phát triển khác nhau. Thế hệ thời nào thì thích ứng với thời ấy nhanh hơn và tất nhiên, khoảng cách thế hệ cũng sẽ được tạo ra từ đó. Nếu như những chiếc radio, những loa phát thanh, hay những kênh ti vi truyền hình là những thứ quen thuộc đối với người lớn thì nay với công nghệ ngày càng hiện đại, một chiếc điện thoại thông minh có thể thực hiện nhiều tính năng tiện lợi trong cùng một lúc.

Ảnh minh họa – Nguồn: Internet

Mạng xã hội còn giúp cho việc kết nối giữa người với người gần lại với nhau một cách dễ dàng hơn. Cô Bích Trâm (54 tuổi, Bình Thạnh, TPHCM) được cháu nội chỉ cho cách sử dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội. Cô cho hay: “Thật ra cô không biết mấy cái Facebook, Zalo là cái gì đâu. Nhưng con cô nó đi làm ở nước ngoài nên hồi xưa hai má con khó liên lạc lắm. Giờ có đứa cháu nó mới chỉ mấy cái mạng xã hội này, lâu lâu gọi điện nhìn mặt nhau vừa tiện vừa làm cô đỡ nhớ con”.
Hơn nữa, vấn đề không tiếp cận được theo dòng chảy của xã hội hiện đại cũng gây ra nhiều phiền toái, đặc biệt đối với các bậc phụ huynh giáo dục con cái mình. “Lâu lâu chú cũng tò mò sao con bé nhà chú nó cứ hay lướt điện thoại di dộng. Hỏi ra mới biết nó dùng mạng xã hội. Chú dùng Facebook cũng chỉ để xem tụi trẻ nó thích chơi cái gì để dễ quản lý, gần gũi hơn với con cái thôi” – chú Hùng (43 tuổi, Quảng Nam) cho biết.
Bạn Nhã Trân (19 tuổi, Trà Vinh) thì cảm thấy thú vị khi mẹ bạn bắt đầu tìm hiểu và dùng mạng xã hội. Bạn chia sẻ rằng: “Mẹ mình mới dùng Facebook gần đây nên chỉ mới biết cách xem video hay livestream bán hàng thôi. Hình như mẹ chưa biết đăng trạng thái. Lâu lâu lại điện thoại hỏi mình”.
Thật ra, không khó để nhận thấy sự lúng túng của những người lớn tuổi về những biến đổi của xã hội hiện đại, nhất là trong thời kì công nghệ 4.0 đang phát triển mạnh mẽ. Nhưng chính dòng chảy của cuộc sống ngày nay khiến họ phải thay đổi quan điểm và cách nhìn để tiệm cận hơn với hiện đại.
Tìm về những nơi xưa cũ
Ngược lại với những sự lúng túng của người lớn đối với công nghệ hiện đại, giới trẻ ngày nay có xu hướng tìm về những nơi mang tính chất cổ xưa, hoài niệm. Bạn Mỹ Dung (19 tuổi, ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM) chia sẻ: “Với mình, giới trẻ họ quá quen với công nghệ và họ sử dụng hằng ngày với công nghệ. Đôi lúc áp lực học tập, công việc khiến họ có xu hướng tìm về những nơi bình yên để giảm stress. Và đến những nơi có phong cách cổ điển, xưa xưa là một trong những cách mình hay chọn khi mệt mỏi”.
Những quán cà phê, những góc phố, con đường có phảng phất nét cổ xưa luôn được nhiều bạn trẻ ghé đến. Thực chất, có nhiều lí do để người trẻ có xu hướng đi đến những nơi này. Đến để chụp ảnh “sống ảo” đưa lên mạng xã hội, hay đến để học bài, làm bài tập hoặc là đến để thư giãn, để xua tan những mệt mỏi, căng thẳng của cuộc sống bận rộn hằng ngày. Nói chung, dù tìm đến những nơi bình yên, tĩnh lặng, nhẹ nhàng bằng lí do gì đi nữa cũng là một cách sống hay đối với người trẻ hiện đại.

Ảnh minh họa – Nguồn: Huỳnh Thảo

Thế nhưng, không phải người trẻ nào cũng mong muốn được sống ở cái thời của thế hệ trước đó mà là muốn tìm thấy một cảm giác yên bình, dễ chịu hơn cuộc sống bộn bề ngoài kia. Xảo Nhi (19 tuổi, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) cho biết rằng: “Ai cũng muốn thử những điều mà mình chưa được thử, và luôn tò mò muốn biết những điều chưa biết. Bản thân mình thích những thứ xưa cũ không có nghĩa là mình muốn gắn bó với cuộc sống của những điều đó. Đơn giản là những điều xưa cũ kia khiến mình cảm thấy thoải mái, sống chậm hơn trong cái cuộc sống quá nhanh của mình mà thôi”.
Điều không thể phủ nhận là dù cố đến mấy thì khoảng cách thế hệ vẫn là một rào cản rất lớn đối với nhân sinh quan giữa người lớn tuổi với người trẻ tuổi. Nhưng cách mỗi thế hệ dần thay đổi cách sống cũng thể hiện sự gắn kết, kết nối đối với thế hệ khác trong xã hội bằng nhiều phương thức khác nhau như cách người lớn tuổi đang “trẻ” lại, và người trẻ lại sống “già” hơn đi.

Nguồn: KIM UYÊN/ Mực Tím Online

http://muctim.com.vn/view/Thay_doi_cach_song_de_gan_ket_the_he_-56158.html

 

Bệnh viện Hạnh Phúc