Từ ngôi nhà trong hẻm nhỏ, nhiều thế hệ học trò của TS Trần Nam Dũng đã bay cao, bay xa đến những vùng đất mới, chân trời khoa học mới. Ở lại ngôi nhà nơi hẻm nhỏ, người thầy vẫn theo dõi các học trò của mình với niềm vui, sự tự hào.
Tên tuổi của TS Trần Nam Dũng đã trở nên quen thuộc với cộng đồng chuyên toán Việt Nam, đặc biệt là ở thành phố Hồ Chí Minh. Ông đạt huy chương bạc toán quốc tế năm 1983 trong màu áo trường THPT Phan Châu Trinh – Đà Nẵng, sau đó sang Nga du học và làm nghiên cứu sinh tại đại học Lomonosov. Về nước năm 1995, TS Trần Nam Dũng chọn thành phố Hồ Chí Minh làm nơi “khởi nghiệp” với vai trò giảng viên khoa toán – tin trường đại học Khoa học Tự nhiên, trực tiếp dạy đội tuyển toán trường phổ thông Năng khiếu – đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đồng thời giữ một số chức trách của tập đoàn FPT.
Chỗ trú chân năm 1995 của TS Trần Nam Dũng khi mới về thành phố Hồ Chí Minh là một căn nhà nhỏ ở Hóc Môn. Ngay ở thời gian đó, những thành tích ban đầu về dạy toán đã xuất hiện như giải nhì toán quốc gia năm 1996 với Lê Long Triều, huy chương vàng toán châu Á – Thái Bình Dương năm 1997 với Lê Quang Nẫm…
Năm 1999, TS Trần Nam Dũng lập gia đình với TS Nguyễn Thị Kim Loan – trường đại học Khoa học Xã hội Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh. Đám cưới đón dâu về Hóc Môn. Khi vợ có bầu, vì đi làm quá xa, vợ chồng TS Trần Nam Dũng phải đi ở nhờ nhà bà con ở quận 5. Lúc đó TS Trần Nam Dũng mới đi tìm nhà ở nội thành và ngôi nhà cấp 4 kích thước 3,3 x 12,3 mét trong hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Đình Chính, Phú Nhuận được chọn làm tổ ấm.
Năm 2002, TS Trần Nam Dũng xây nhà mới 1 trệt 1 lửng 2 lầu trên nền ngôi nhà cấp 4 cũ. Căn nhà do KTS Trần Nam Tiến (em ruột TS Trần Nam Dũng) thiết kế. Và ở căn nhà đó đã xuất hiện “gác lửng thần thánh” diện tích chừng hơn 10m2 là nơi mà TS Trần Nam Dũng tổ chức lớp cho các học sinh có năng khiếu và say mê toán.
Cũng cần phải nói thêm, với học sinh có năng khiếu toán thì việc học thêm, giải thêm bài tập nâng cao ngoài chương trình ở trường là nhu cầu tự thân. Có thể so sánh điều này với những em có năng khiếu âm nhạc, ngoại ngữ: đa số học sinh rất ngại học nhạc nhưng những học sinh mê nhạc thì có thể tự giác, vui vẻ tập đàn nhiều giờ trong một ngày; có nhiều học sinh sợ học ngoại ngữ nhưng lại có những học sinh coi việc luyện nghe và nói tiếng Anh là niềm vui…
Như vậy, học sinh mê toán mà được theo học với TS Trần Nam Dũng là có cơ hội “tầm sư học đạo”, thỏa mãn sự đam mê. Với những học sinh theo đuổi toán chuyên phổ thông, ngoài tố chất và năng khiếu như điều kiện cần thì sự giảng dạy của người thầy là điều kiện đủ, có yêu tố quyết định theo đúng nghĩa của câu “không thầy đố mày làm nên”.
Và cũng từ lớp toán ở “gác lửng thần thánh” đó, một loạt giải thưởng quốc gia, quốc tế về toán – tin đã đến với thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2003, trường Phổ thông Năng khiếu có thành tích đầu tiên là huy chương bạc toán quốc tế của Nguyễn Đăng Khoa; sau đó lần lượt là huy chương đồng tin học quốc tế năm 2004 của Phạm Hữu Thành; huy chương bạc toán năm 2005 của Trần Chiêu Minh, huy chương đồng toán năm 2008 của Đặng Trần Tiến Vinh, huy chương đồng tin học năm 2008 của Nguyễn Phạm Khánh Nhân, huy chương bạc toán năm 2009 của Phạm Hy Hiếu, huy chương bạc toán năm 2010 của Trần Thái Hưng, huy chương đồng toán năm 2012 của Trần Hoàng Bảo Linh, huy chương vàng toán năm 2013 của Cấn Trần Thành Trung, huy chương bạc toán năm 2014 của Hồ Quốc Đăng Hưng; huy chương bạc toán năm 2015 của Nguyễn Huy Hoàng, huy chương bạc toán năm 2016 của Phạm Nguyễn Mạnh. Nếu tính cả lớp ở trung tâm Titan thì còn có thêm 2 huy chương vàng liên tiếp của Phạm Tuấn Huy năm 2013 và 2014, huy chương vàng của Hoàng Hữu Quốc Huy năm 2017… Có hai học sinh ở ngoài thành phố Hồ Chí Minh cũng từng học ở căn “gác lửng thần thánh” này do là họ hàng với TS Trần Nam Dũng: huy chương bạc toán quốc tế 2006 Lê Nam Trường và Võ Anh Đức. Đó là chưa kể hàng chục học trò của TS Trần Nam Dũng có giải thưởng quốc gia cũng bước chân vào những đại học hàng đầu ở khu vực và thế giới.
Ngôi nhà trong hẻm ở Phú Nhuận có cả thuận lợi và khó khăn. Điểm thuận lợi là hẻm không bị ngập, đi về thuận tiện, ít bị kẹt xe. Điểm hạn chế là ngôi nhà hơi nhỏ. Chính vì vậy, một ngày đầu năm 2017, khi đang công tác ở Hà Nội, nghe điện thoại của vợ thông báo nhà bên cạnh muốn bán, TS Trần Nam Dũng đề nghị mua ngay. TS Trần Nam Dũng giải thích thêm, từ khi dọn đến hẻm này, gia đình ông đã gắn bó, thân quen với những người hàng xóm ở đây. Tại căn nhà này, hai con trai của TS Trần Nam Dũng là K’si và Pi đã lần lượt chào đời vào năm 2000 và năm 2003. Cũng trong thời gian ở căn nhà này, vợ của TS Trần Nam Dũng hoàn thành chương trình học, nghiên cứu và đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ. “Đêm nằm năm ở”, vì những kỷ niệm thân quen của nhiều năm mà cả gia đình đều muốn gắn bó với căn nhà này.
Sau khi mua thêm được căn nhà bên cạnh, giữa năm 2017, ngôi nhà mới với kích thước 6,65 x 12,25m được xây lại từ hai ngôi nhà cũ. Người thiết kế vẫn là KTS Trần Nam Tiến. TS Trần Nam Dũng cho biết, khi diện tích mặt bằng tăng lên, ông muốn đưa hết không gian sinh hoạt bao gồm phòng khách, phòng ăn – bếp, đặc biệt góc học tập “thần thánh” cũ được đưa vào tầng trệt, các phòng ngủ đưa chung vào một tầng, ngoài ra còn có phòng thờ, thư viện.
KTS Trần Nam Tiến giải quyết nhu cầu của chủ nhà bằng giải pháp bố trí mặt bằng tầng trệt như một căn hộ chung cư, gồm một không gian sinh hoạt chung có thể tiếp khách, ăn uống. Bếp bố trí riêng biệt có cửa để khi cần thì đóng lại và lúc đó toàn bộ tầng trệt trở thành một phòng làm việc, có thể dùng để dạy học. Lầu 1 có 3 phòng ngủ bao quanh khu vực cầu thang, có khoảng trống thông với tầng thượng lấy gió và ánh sáng. Tầng thượng là phòng thờ và thư viện vì chủ nhà có rất nhiều sách.
KTS Trần Nam Tiến giải thích thêm, chủ nhà yêu cầu kiến trúc đơn giản, làm sao để thuận tiện chăm sóc, bảo quản. Mặt ngoài được ốp gạch đáp ứng yêu cầu này đồng thời cũng là giải pháp chống nóng vì nhà có mặt tiền hướng tây.
Khi phóng viên KT&ĐS ghé thăm ngôi nhà mới hoàn thành của TS Trần Nam Dũng, ông đang có lớp học. TS Trần Nam Dũng mở tủ sách ở tầng trệt lấy ra cuốn tập của một học sinh từng đạt huy chương toán quốc tế trước đây như một kỷ niệm và cũng là nguồn bài tập tham khảo cho những đàn em kế tiếp. Ông giải thích thêm, tủ sách dưới nhà đa số là những cuốn thường xuyên được sử dụng còn tủ sách trên lầu là những tư liệu nền, sách văn học.
Câu chuyện rồi cũng dẫn đến việc cập nhật thông tin về một số học trò của ông trực tiếp và gián tiếp xuất phát từ “gác lửng thần thánh” ngày xưa. Có thể nói, mỗi thành công từ các học trò của ông như đạt huy chương toán quốc tế, giành các suất học bổng đại học, tiến sĩ ở các trường đại học hàng đầu như Stanford, MIT, CMU, Princeton, Berkeley, Chicago, Duke, Cornell… hoặc có bài báo khoa học được công bố ở các tạp chí, hội nghị danh tiếng hoặc có hợp đồng làm việc ở những tập đoàn lớn đều trở thành những sự kiện nổi bật trên nhiều tờ báo mạng, báo in. Những lúc đó, từ ngôi nhà trong hẻm nhỏ, người thầy vẫn theo dõi học trò của mình.
Như mới đây, khi chứng kiến học trò cũ là Lương Minh Thắng, tiến sĩ đại học Stanford, hiện làm tại Google Brain được đưa vào danh sách các nhà khoa học trẻ dưới 30 tuổi của Forbes Việt Nam, TS Trần Nam Dũng dẫn đường link trên facebook của mình, nhắc lại kỷ niệm về khóa học của Lương Minh Thắng “có nhiều học sinh giỏi như Kha Tuấn Minh, Trần Chiêu Minh…”. Ở cuối status, ông viết, “Rất tự hào về các em”.
Hoặc đôi khi chỉ là dòng thông báo ngắn gọn như, “Buổi sáng một học trò cũ báo tin đã nhận được học bổng tiến sĩ của hai trường Caltech và Rutgers…”. Ở cuối status, ông viết, “Nghề thầy giáo có nhiều niềm vui thật”.
Từ ngôi nhà trong hẻm nhỏ, nhiều thế hệ học trò của TS Trần Nam Dũng đã bay cao, bay xa đến những vùng đất mới, chân trời khoa học mới. Ở lại ngôi nhà nơi hẻm nhỏ, người thầy vẫn dõi theo các học trò của mình với niềm vui và sự tự hào.
Những góc nhìn khác nhau của tầng trệt, có thể tổ chức thành phòng làm việc chung
Phòng học nhỏ ở tầng trệt, có tủ sách được dùng thường xuyên trong các buổi học
Không gian chung ở tầng trệt, có thể vừa là phòng ăn, phòng khách và khi cần sử dụng làm phòng làm việc thoáng mát, nhiều ánh sáng
Bếp có cửa biệt lập tách rời với phòng khách
Hành lang lấy sáng và thoáng cho phòng khách
Phòng sách ở lầu 2 và hệ thống cầu thang kết hợp lấy sáng và thông thoáng cho căn nhà
Phối cảnh căn nhà
Thiết kế và thi công: KTS Trần Nam Tiến
Công ty cổ phần thiết kế kiến trúc An Thái, 37A Phan Xích Long, Q. Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh, ĐT: 028.73051693;
Fax: 028.73020869; email: vanphong263@gmail.com
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số143