“Một đường cong cong, nối bao đường vòng”, xin mượn lời bài Sắc màu, một tác phẩm nổi tiếng của Trần Tiến để mô tả bản phác thảo bằng tay một tác phẩm khác: căn hộ của nhạc sĩ! Hẳn nhiên, căn hộ không phải do nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác. Căn hộ được sáng tác bởi một kiến trúc sư mới tốt nghiệp Đại học Kiến trúc năm 2006: Ca Hoàng Vĩnh Phúc.

Vợ chồng nhạc sĩ Trần Tiến trong căn nhà mới ở Vũng Tàu, tháng 6.2016 
1. Nhạc sĩ Trần Tiến cùng vợ mới dọn về căn hộ được hơn 4 tuần. Một cách tình cờ, phóng viên KT&ÐS biết đến căn hộ này qua facebook của một người quen và từ đó, tiếp cận với KTS trước khi đặt chân đến tham quan căn hộ.
Ðiểm khác lạ đầu tiên so với những căn hộ khác là khi được hỏi về bản vẽ mặt bằng, phối cảnh, KTS đã trả lời: “Căn hộ của nhạc sĩ Trần Tiến hoàn toàn không có bản vẽ nào cả, chính xác là chỉ có phác thảo bằng tay”. Khi đặt hàng, nhạc sĩ đã nói với anh kiến trúc sư đáng tuổi con cháu mình: “Chú và con đều là những người sáng tác. Chú hiểu công việc của người sáng tạo. Con cứ tự do với “tác phẩm” của mình”.
Ðược tin tưởng giao cho việc thiết kế, thi công tạo lập không gian sống của người nhạc sĩ nổi tiếng, kiến trúc sư đã thấy hào hứng. Khi bắt tay vào việc lại được nhạc sĩ khuyến khích và tôn trọng tự do sáng tạo, Ca Hoàng Vĩnh Phúc càng thấy phấn chấn. KTS đã dành nhiều thời gian để nghe và “thấm” các ca khúc của Trần Tiến. Các ý tưởng được phác thảo bằng tay trên giấy, sau đó được trao đổi với chủ nhà và duyệt dựa trên phác thảo đó. Bước tiếp theo, kiến trúc sư kiêm “nhà thầu” đã trực tiếp ”vẽ” lại trên sàn mặt bằng công trình. Theo KTS Vĩnh Phúc, anh chỉ áp dụng cách này với một số công trình đặt hàng thiết kế riêng, được sự đồng thuận của chủ nhà.

 

Toàn cảnh khán phòng cũng là nơi tiếp khách được nhạc sĩ gọi vui là “nhà Rông”. Phòng làm việc, thế giới riêng của nhạc sĩ
2. Căn hộ của nhạc sĩ Trần Tiến thực tế là 3 căn hộ nằm ở hai tầng lầu riêng biệt ghép lại với nhau. Tầng dưới gồm hai căn hộ và sân vườn kết nối với tầng trên qua một cầu thang lộ thiên. Không gian chức năng tầng dưới gồm hai phòng ngủ, bếp – phòng ăn, phòng làm việc và phòng sinh hoạt chung. Tầng trên là một phòng ngủ và phòng thờ. Vì là các căn hộ đã hoàn thành phần thô trong một cao ốc nên thiết kế và thi công cũng có những rằng buộc nhất định.
Cách tổ chức toàn bộ không gian chức năng chính của căn hộ ở tầng dưới có thể được mô tả ngắn gọn là “hai thế giới kết nối bằng một khán phòng”. “Hai thế giới” ở đây là hai khu không gian có chức năng riêng biệt. Thế giới của nhạc sĩ là không gian phục vụ cho việc sáng tác- nơi làm việc và một phòng nghỉ. Thế giới còn lại là một phòng ngủ, phòng ăn và bếp- không gian yêu thích của bà Trần Thị Bích Ngà- vợ nhạc sĩ.  Hai thế giới rất riêng tư- theo yêu cầu của chủ nhà – và kết nối ấm áp bởi một không gian sinh hoạt chung, cũng là nơi tiếp khách. Sảnh sinh hoạt chung được thiết kế hình vòng cung mô phỏng một khán phòng. Khán phòng chung nối “hai thế giới riêng” – được hiểu như tình yêu dành cho nhạc Trần Tiến. Ngoài tình yêu bếp núc, bà Ngà là một khán thính giả đặc biệt yêu nhạc Trần Tiến.
 
Góc ngồi ưa thích của nhạc sĩ, mỗi ô cửa như một bức tranh khác nhau có phong cảnh thay đổi liên tục. Hành lang vòng cung ngăn cách khán phòng và phòng ngủ
3. Khi chúng tôi đến, nhạc sĩ đang ngồi trầm ngâm bên bàn làm việc ở phía bên phải “khán phòng”. Ông gật đầu chào rồi bảo: ”Các em cứ làm việc tự nhiên nhé!”. Một lúc sau, ông đứng dậy và bước sang bộ sofa ở giữa nhà. Thấy nhóm phóng viên vừa chọn góc chụp hình vừa bàn về ngôi nhà, ông bảo: ”Các em có thấy cái ô kính ngay cầu thang kia không? Ðó là “nụ hoa bé bỏng” của Tạm biệt chim én nhé. Còn ngoài vườn kia là nhưng mảng đá mang  phong cảnh cao nguyên. Anh chàng kiến trúc sư này cũng biết cảm nhạc Trần Tiến đấy nhỉ”!
Cảm giác đầu tiên là mọi góc trong ngôi nhà đều mở để nhìn ra “sân khấu” là mảnh vườn bên ngoài. Thực tế đó là sân vườn trên lầu 3 nên quang cảnh “sân khấu” thay đổi tùy theo từng vị trí góc nhìn là không gian gồm cảnh núi rừng, đường phố, cây xanh và xa hơn là biển, trời với những dải mây và cả những con tàu.
Bà Bích Ngà nói: “Từ trong nhà nhìn ra, mỗi ô cửa là một bức tranh phong cảnh thay đổi liên tục. Phong cảnh phía bên ngoài bàn ăn là vườn và thảm cỏ. Còn từ phía cây đàn piano nhìn ra biển, buổi sáng như bức tranh biển lặng, trời xanh, góc bức tranh là một con tàu. Lúc sau nhìn ra đã thấy sóng biển đổi màu, con tàu đã di chuyển. Thích nhất là khác với nhiều nơi khác ở  Vũng Tàu, quan sát từ vị trí của cao ốc này, hoàng hôn lại thấy mặt trời lặn trên biển. Trời tối dần, biển đẹp lắm”!
Tiếp lời vợ, nhạc sĩ Trần Tiến chia sẻ: “Ngày biển động, ngồi trong phòng nhìn ra thấy sóng bạc đầu, thấy tàu thuyền tròng trành nhấp nhô tìm nơi trú, cây cối nghiêng ngả lướt thướt trong gió, mưa. Sự tàn phá của thiên nhiên mang những nét dữ dội, hoang dại”.
Đó là cảm nhận của người sống trong ngôi nhà. Còn kiến trúc sư cảm nhận điều gì khi vẽ ra những góc nhìn đó? Trong câu chuyện với người viết bài này, KTS Ca Hoàng Vĩnh Phúc nhắc đến những câu trong bài “Mẹ tôi” của Trần Tiến: “Mẹ ơi con đã già rồi con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con/ Mẹ ơi con đã già rồi con ngồi ngơ ngẩn nhớ ngôi nhà xưa… Biển sóng thét gào, một ngày nhớ mẹ sóng trào khơi xa”.
Nhạc sĩ bỗng đứng lên bước lại bên cây đàn piano rồi ngồi xuống, đặt tay lên bàn phím. Âm thanh lan tỏa khắp khán phòng. Rồi bản nhạc kết thúc. Im lặng.
Sau một lúc trầm ngâm, ông trở lại câu chuyện sôi nổi với các phóng viên: “Tôi chỉ nói yêu cầu của mình như ra đề bài, còn lại, kiến trúc sư chủ động, có thể nói là muốn làm gì thì làm”.
KTS Ca Hoàng Vĩnh Phúc cho biết, điểm mà anh hài lòng ở công trình này là: giải được bài toán chủ nhà đưa ra, phần còn lại sẽ là cảm nhận riêng của mỗi người có mặt ở đó. Đặc biệt, nếu là người yêu nhạc Trần Tiến, sẽ nhận ra đâu đó những quen thuộc từ lời ca vốn vô cùng giàu hình ảnh – trong âm nhạc của ông. Anh cũng không cảm thấy bị áp lực khi nhận lời làm nhà cho nhạc sĩ Trần Tiến. “Mỗi công trình, mỗi khách hàng với tính cách, đời sống riêng… đều khơi gợi cho tôi một cảm xúc tươi mới để nảy ra những ý tưởng hầu như không bao giờ cạn”, anh nói.
Với công trình này, cơ duyên đến khi tình cờ nhạc sĩ Trần Tiến biết đến căn hộ lấy cảm hứng từ đề tài “Hà Nội phố” của những tên tuổi trong làng văn, làng báo. Căn hộ “Hà Nội phố” có gì đặc biệt mà nhạc sĩ quyết định “chọn mặt gửi vàng” với Ca Hoàng Vĩnh Phúc? Xin hẹn trả lời bạn đọc KT&ÐS ở những số kế tiếp.
KTS Ca Hoàng Vĩnh Phúc
Công ty TNHH Ðầu tư Thương mại Xây dựng Phúc Long
Ðịa chỉ: 29 đường số 1 (Thống Nhất), P 11, Gò Vấp, TP.HCM
Ðiện thoại: 0902902702

 

Không gian bếp và bàn ăn, thế giới riêng của phụ nữ trong nhà. Ô kính che cầu thang như một bức tranh tĩnh vật với những “nụ hoa bé bỏng”. Cầu thang lộ thiên tạo thành đường cong hài hòa với mặt tiền tòa nhà 
Phác thảo tay “Một đường cong cong, nối bao đường vòng”…
Nguồn: ktds.vn
https://ktds.vn/tham-nha-cua-nhac-si-tran-tien

 

 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc