Mặc dù đã có rất nhiều thông tin về nhiễm giun cũng như các phương pháp phòng ngừa và điều trị thích hợp, tuy nhiên cũng có không ít những quan điểm sai lầm. TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương chia sẻ với độc giả để giải thích rõ hơn về vấn đề này.

TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương  tại họp báo chương trình tẩy giun
TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương tại họp báo chương trình Tẩy giun cộng đồng 6116

Ý kiến 1: Tẩy giun bằng phương pháp dân gian như sử dụng hạt bí, rau sam, hạt trâm bầu… sẽ an toàn cho trẻ hơn sử dụng thuốc tây.

Trả lời: Hiện nay, có nhiều người truyền tai nhau về việc tẩy giun bằng các phương pháp dân gian trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, chúng ta phải tìm hiểu và cần sự tư vấn, hướng dẫn của các thầy thuốc có chuyên môn khi sử dụng các bài thuốc dân gian để tẩy giun sán có hiệu quả hơn. Một điều lưu ý với trẻ em, việc sử dụng các phương pháp dân gian sẽ rất khó khuyến khích trẻ em hợp tác, bởi vì không phải trẻ nào cũng chịu được mùi của các vị thuốc hoặc trẻ không muốn uống thuốc với số lượng lớn. Hiện nay, chúng ta đã có nhiều loại thuốc tẩy giun đơn giản, liều duy nhất, an toàn, hiệu quả cho người dùng, và đặc biệt là có loại có mùi thơm cho trẻ dễ sử dụng.

Ý kiến 2: Khi tẩy giun, chỉ cần tẩy giun cho người bị nhiễm là đủ.

Trả lời: Sai. Về cơ chế lây nhiễm giun, ngoài đường ăn uống, giun còn có thể lây nhiễm qua da khi tiếp xúc với đất bị ô nhiễm mầm bệnh giun sán và có thể cả đường không khí trong môi trường sinh hoạt chung. Những người nhiễm giun có thể làm phát tán trứng giun ra ngoài môi trường và chúng là nguồn lây nhiễm cho những người khác qua các thói quen không hợp vệ sinh. Do đó, nếu chỉ tẩy giun đơn lẻ cho một người bị nhiễm giun trong gia đình là chưa đủ, chúng ta cần tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần vì nguy cơ nhiễm giun từ môi trường, từ thức ăn bị ô nhiễm và từ các thói quen không hợp vệ sinh rất cao, đã tẩy giun thì nên tẩy cho cả gia đình.

Ý kiến 3: Không riêng gì trẻ em, người lớn cũng cần phải tẩy giun định kỳ.

Trả lời: Đúng. Tất cả mọi người đều có thể nhiễm giun và tác hại do giun gây ra là như nhau. Giun sống trong ruột, tiết ra chất độc, chiếm lấy thức ăn, hút chất dinh dưỡng, vitamin, protein, chất sắt… làm cơ thể người bị khánh kiệt, gây nên tình trạng choáng váng, mệt mỏi, kém ăn, suy dinh dưỡng,…

Đối với loại giun đũa có thể gây nên tắc ruột, lồng ruột, thủng ruột và có thể di chuyển bất thường như chui ống mật, gây viêm nhiễm, giun có thể chui lên miệng, mũi. Giun móc có thể gây thiếu máu, suy tim, phù nề, gầy mòn, suy kiệt. Hoặc giun tóc thường gây tổn thương niêm mạc ruột, rối loạn tiêu hóa, thiếu hụt vitamin, sa trực tràng, nhiễm trùng thứ phát, thiếu máu… Phụ nữ mang thai mà nhiễm giun nặng có thể bị thiếu máu, thiếu chất, dẫn đến nguy cơ sẩy thai. Trẻ em nhiễm giun nặng thường gầy ốm, suy dinh dưỡng, rối loạn thần kinh; chậm phát triển trí tuệ. Do đó, không chỉ trẻ em mà người lớn cũng cần phải tẩy giun định kỳ để bảo vệ sức khỏe.

Ý kiến 4: Sau 6 tháng thì chúng ta nên tẩy giun trở lại.

Trả lời: Đúng. Thuốc tẩy giun có tác dụng làm tê liệt hoặc làm giảm sự hấp thu năng lượng của giun dẫn tới tiêu diệt số giun đang ẩn náu trong cơ thể chứ không phải là một loại vắc-xin phòng chống bệnh suốt đời. Theo các nghiên cứu chuyên ngành, sau 6 tháng thì cơ thể của chúng ta đã có thể bị tái nhiễm giun trở lại, do đó, người dân nên tập thói quen tẩy giun định kỳ cho cả gia đình ít nhất 6 tháng/lần vào cùng một thời điểm để đạt hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, đối với các vùng dịch tễ cao có thể tẩy giun 3 lần trong năm.

Ý kiến 5: Trẻ em từ 1-2 tuổi trở lên có thể tẩy giun.

Trả lời: Đúng. Trẻ em từ 1-2 tuổi trở lên là đã có thể tẩy giun. Phụ huynh nên chọn các loại thuốc tẩy giun có mùi vị thơm dành cho trẻ em để bé dễ uống. Đối với các loại giun thông thường như: giun kim, giun đũa, giun móc…có thể sử dụng các thuốc ngoài thuốc tây theo sự hướng dẫn sử dụng trong liều dùng. Nếu thấy dấu hiệu nhiễm giun nặng, cần đưa đi khám và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường cũng có một số loại thuốc có thể dành cho trẻ trên 1 tuổi (24 tháng) với nhiều mùi vị đã được Bộ Y tế kiểm duyệt và rất an toàn cho trẻ.

 Chương trình “Tẩy giun cộng đồng 6116” do Viện sốt rét – Kí sinh trùng – Côn trùng Trung ương (NIMPE) phát động dưới sự tài trợ của Janssen Cilag, thuộc tập đoàn Johnson&Johnson, nhãn hàng Fugacar. Để giúp người dân duy trì thói quen tẩy giun định kì cho cả gia đình, Viện đã đề nghị 2 ngày tẩy giun trong năm là 6 tháng 1 và 1 tháng 6 với khẩu hiệu “Tẩy giun cho bé là chưa đủ bảo vệ bé, hãy tẩy giun cho cả gia đình ít nhất 6 tháng một lần để bảo vệ sức khỏe”.

phunuhiendai.vn-Fugacar

 

Nguồn: NIMPE

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc