Tháng 4/2016, đứng trước hiện trạng ngành sản xuất cà phê ở Việt Nam chịu rủi ro do tình trạng khan hiếm nước và biến đổi khí hậu, đặc biệt trong mùa khô năm nay, tập đoàn Nestlé phối hợp với nhiều đơn vị nghiên cứu và quản lý có đưa ra các khuyến nghị nhằm giảm thiểu tác động xấu và đảm bảo năng suất cà phê. Theo đó, có thể giảm tới ít nhất 30% lượng nước tưới và vẫn đảm bảo năng suất cà phê.
Theo kết quả nghiên cứu do Tập đoàn Nestlé và Cơ quan Hợp tác Phát triển Thụy Sỹ đồng tài trợ trong khuôn khổ dự án Hợp tác công tư “Sử dụng nước tưới hợp lý để nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành sản xuất cà phê tại Việt Nam” tháng 3 vừa qua, nước tưới là điều kiện tiên quyết trong hoạt động sản xuất cà phê. Tuy nhiên nước tưới dư thừa trong canh tác cà phê Robusta gây ra tình trạng suy giảm mực nước ngầm theo mùa.
Sự suy giảm mực nước ngầm do hoạt động tưới nước dư thừa đối với cây cà phê trong mùa khô gây ra tình trạng khô cạn nguồn nước tưới ở nhiều địa điểm ở khu vực 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên gồm Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng. Lượng nước tưới dư thừa đối với cà phê Robusta bị giữ lại tạm thời trong đất và không thể sử dụng trong mùa khô được nữa.
Tình trạng này đang tăng một cách đáng báo động và gây hại không chỉ đến sản xuất cà phê mà còn đến nhiều hoạt động khác của người dân khu vực. Tập tính tưới tiêu hiện tại của nông dân Việt Nam không bền vững được cho là một trong những nguyên nhân chính.
Ước tính trung bình nông dân sử dụng nhiều hơn 60% lượng nước cần để tưới cây trong mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4.
Nông dân trồng cà phê dùng trung bình 700 đến 1.000 lít nước để bơm tưới cho cây, trong khi lượng nước cần để cho ra sản lượng cà phê tương đương chỉ là một nửa con số trên, tương đương 300 đến 400 lít.
Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu, có thể giảm đến 30% lượng nước tưới mà vẫn đảm bảo năng suất cà phê, tác động tích cực đến thu nhập của người nông dân.
Tiến sỹ Dave D’Haeze đại diện công ty Embden, Drishaus & Epping Consulting (EDE Consulting), đơn vị thực hiện nghiên cứu, cho biết thêm rằng cần được xem xét trong bối cảnh kinh tế xã hội rộng hơn của toàn tỉnh Đắk Lắk và khu vực Tây Nguyên. Thực trạng nước bị thất thoát đi trong mùa khô do lượng nước tưới cà phê dư thừa không chỉ liên quan đến hoạt động sản xuất và thu nhập của nông dân trồng cà phê mà còn gây nguy hiểm đối với nguồn nước cho hộ gia đình sử dụng cũng như hoạt động tưới cho các cây trồng khác và vấn đề cung cấp năng lượng.
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới. Lĩnh vực này hiện đang thu hút 2,6 triệu người làm việc. Phần lớn diện tích trồng cà phê tập trung trên Tây Nguyên, nơi ngành nông nghiệp nói chung tiêu thụ đến 96% lượng nước cung cấp cho toàn khu vực.
Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khai thác và sử dụng nước quá mức đang diễn biến mạnh mẽ, tình trạng khan hiếm nước đang dần trở nên một vấn đề bức thiết đối với nông dân, hộ gia đình và ngành sản xuất cà phê nói chung.
Bên cạnh dự án nước, công ty Nestlé tiếp tục triển khai dự án NESCAFÉ Plan tại các tỉnh Tây Nguyên, góp phần thúc đẩy việc tái canh cà phê thông qua việc hỗ trợ cây giống cà phê sạch bệnh và tập huấn khoa học kỹ thuật cho nông dân trồng cà phê.
Sau 05 năm triển khai dự án NESCAFÉ Plan tính đến nay Nestle đã hỗ trợ nông dân trồng cà phê hơn 11 triệu cây giống, giúp tăng sản lượng cà phê lên 14% /hecta và qua đó, thu nhập của người nông dân cũng tăng lên 14% /hecta, tương đương 16 triệu đồng/hecta/năm. Đây là kết quả của một chuỗi các nỗ lực nhằm đưa Việt Nam trở thành tham chiếu cho cà phê Robusta thế giới.
Áp dụng những kỹ thuật canh tác của NESCAFÉ Plan, người nông dân không chỉ đạt được hiệu quả kinh tế cao từ cây cà phê mà còn góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguồn nước. Tiêu biểu như việc giới thiệu phương pháp tưới tiết kiệm nước, giúp nông dân tiết kiệm nước tưới từ 700 lít/cây xuống còn 400 lít/cây.