Cuốn sách Tâm Thành và Lộc Đời – hãy cho đi từ cõi này có thể xem là một mảnh “tự truyện”, phần nào hé lộ những nét phác về “tâm” và “đời” của Thành Lộc. Sách do nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc chấp bút, Phương Nam books và NXB Văn hóa Văn nghệ TPHCM vừa mới ấn hành.

c821b_bia_tam_thanh_va_loc_doi___3d_200

Tâm

Cái tâm có thể là điều mà phần lớn độc giả đã cảm nhận qua con đường nghệ thuật của Thành Lộc. Vậy cuốn sách này đem đến điều gì chưa biết?

Trước hết, chữ Tâm, với người nghệ sĩ này, ngoài cái tâm làm nghề, thì điều đáng chú ý còn là một đời sống tâm linh. Một đời sống tâm linh lành mạnh được kể lại (điều tưởng chừng không ăn nhập gì với chuyện làm nghề!) nhưng người nghệ sĩ nghiệm thấy những thứ “phần số tâm linh” đã hình thành (hay lập trình) nên diện mạo nghệ thuật của mình.

Những ai nói Thành Lộc là phù thủy sân khấu có thể tìm thấy ở những chương đầu cuốn sách một cái “mã” khá thú vị. Thành Lộc bắt đầu cuốn sách bằng một chú giải tử vi, Thành Lộc kể về “lai lịch” ấu thơ của mình bằng cuộc sống trong đình Cầu Quan, từng “thấy” các vị thần về diễn cho mình xem, Thành Lộc tin mình từng được tái sanh nơi cửa Phật, “tôi sống lạc quan và tin vào tôn giáo, tin vào nhân quả, tin vào các đấng thiêng liêng”… Một đời sống tâm linh lành mạnh như là thứ tài sản hướng đạo người nghệ sĩ “chơn chính” trên hành trình nghệ thuật của mình, trong cái thế giới sân khấu nhiều nghĩa tình nhưng cũng không ít những đố kỵ, mưu mô.

Thành Lộc tư biện, hay ngẫm nghĩ về sự nhập vai của mình cũng có phảng phất màu sắc tâm linh: “Vậy tôi là ai? Thử làm một nét phác họa về mình. Đầu tiên, chắc chắn đó là một người không tỉnh táo cho lắm, nói thẳng ra là một người điên, không phải loại điên không biết họ là ai, mà điên có lý trí và kiểm soát được, để lao vô nỗi cám dỗ khi đóng vai chết thì cũng không thể chết được. Tên điên nầy làm một nghề gọi là nghệ thuật, là một nghề không thể sản xuất hàng loạt như bánh trung thu, có thể một thời gian dài ngủ đông đến độ bị coi là tiêu rồi, hết hành nghề nổi hay lụt mất tiêu nghề rồi, có thời kỳ chui vào cuộc đời một người khác, với kiểu diễn mà nhiều người nghi là diễn xong sẽ chết. Mỗi người có một số phận riêng của mình, khi vơ hết vào mình, diễn xong rồi, hồn xác trả lại nhau, làm sao sống, rồi làm sao làm sạch mình để rồi lại chui vào một đời khác nữa” (trang 102).

Đời

Câu chuyện đời Thành Lộc được kể đầy hấp dẫn. Lớn lên trong gia đình làm nghề diễn, với ông ngoại là bầu Thắng nổi tiếng Sài Gòn, ông nội là bầu Nở, nức tiếng đất Vĩnh Long, cha là kép chính Thành Tôn, mẹ là diễn viên Huỳnh Mai, các cậu dì là những người nổi tiếng một thời: Minh Tơ, Đức Phú, Khánh Hồng, Bảy Sự…, Thành Lộc vào nghề sớm, trải nghề sớm. Tám tuổi, anh vào nghề diễn với nghệ danh Thành Tâm, với anh, điều may mắn sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ đó là, ngoài gia pháp để kìm giữ một đứa trẻ không bị sa vào hư hỏng, thì cái việc đi diễn sớm cũng đem lại một hiệu quả tích cực: “Đứa trẻ con là tôi được thưởng thức món ăn dành đúng cho lứa tuổi của mình”.

Những thăng trầm trong nghề diễn trải qua những giai đoạn đời sống sân khấu phản ánh một cuộc hí trường xã hội đã cho người nghệ sĩ này những góc nhìn độc đáo.

Cũng là chuyện đời, nhiều người quan tâm đến đời sống tình cảm riêng tư của Thành Lộc sẽ gặp trong cuốn sách những “thê thảm” trong tình yêu với người thành công trong sự nghiệp nghệ thuật nhưng cũng phải chịu nhiều đồn đoán sai lệch trong đời tư này.

Bên ngoài những câu chuyện riêng tư, người đọc có thể tìm thấy một đời sống sân khấu Sài Gòn qua chân dung và cách nhìn Thành Lộc, trong cái cách anh “thần tượng” những nghệ sĩ “chơn chính” nhưng không hẳn ai cũng gặp may trong đường đời, qua cái cách anh nghĩ về những vở chính luận không phải bao giờ cũng gặp may trên sân khấu, qua cái cách anh chia sẻ tình yêu với tuổi thơ và day dứt vì đời sống tinh thần thiếu nhi chúng ta hãy còn thiếu thốn, nghèo nàn… Nhưng trên tất cả, người đọc có thể nhận ra cái tâm tình nhỏ nhẹ, nhất quán của người nghệ sĩ trong cuốn sách khi thuật lại câu chuyện đời mình: “… không phải là hồi ký thì cái gì cũng được kể lại, có những chuyện mà người trong cuộc cũng chỉ muốn giữ lại cho riêng mình, huống chi đây không hoàn toàn là một cuốn hồi ký, chỉ là những câu chuyện được kể lại, kể cho nhau nghe để còn nhìn nhau mà cười, gửi đến nhau những nụ cười viên mãn. Đời vậy là đủ đẹp, cau mày với nhau làm gì!” (trang 5).

Nguyễn Vĩnh Nguyên 

Theo Thời báo Kinh Tế Sài Gòn online 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc