Gần đây, tôi có gặp một người bạn. Nhìn chị có vẻ lo lắng và mệt mỏi. Chị cho biết suốt cả một tuần, mỗi ngày chị chỉ chợp mắt không quá một tiếng đồng hồ vì đang quá lo lắng về việc chi tiêu trong gia đình và học phí cho cô con gái.

Biết rõ hoàn cảnh gia đình chị hoàn toàn đủ điều kiện làm những việc đó nên tôi không khỏi ngạc nhiên. Tôi đề nghị chị ngồi xuống, tập trung vào hơi thở, lắng dịu tâm trí và nghĩ đến các khoản chi và thu trong tháng. Chị bỗng mỉm cười và nói: “Thực ra, tôi chẳng túng thiếu đến mức phải lo lắng thái quá như thế”.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến chị phải hao tâm tổn trí đến mức không ngủ được cả tuần?

Sự tình là bạn tôi đang làm việc cho một công ty chứng khoán lớn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự đi xuống của thị trường. Các cổ phiếu lao dốc từng ngày khiến các nhân viên môi giới trong công ty ai cũng lo lắng, đứng ngồi không yên và bạn tôi đã bị “lây nhiễm” sự lo lắng ấy. Nhưng chỉ trong tích tắc, khi bạn tách suy nghĩ và cảm xúc của mình khỏi những xáo trộn bên ngoài, tách khỏi công việc, trách nhiệm và tập trung chú ý vào nội tâm – cách được chúng tôi gọi là sử dụng “sức mạnh rút lui”, chị ấy đã có thể lấy lại bình tĩnh và nhìn nhận tình huống rõ ràng hơn. Nếu không có khoảng tạm dừng này, hẳn chị đã bị ngập chìm trong nỗi lo và về lâu dài, hệ quả đương nhiên sẽ là trạng thái trầm cảm.

Một khi chúng ta học cách “rút lui” từ trong tinh thần trước những thách thức và căng thẳng, ta có thể đưa vào cuộc sống nhiều quyền lựa chọn và có những quyết định sáng suốt hơn.

Tương tự tình trạng của bạn tôi, trạng thái hoang mang, lo lắng thường không liên quan tới bản thân mỗi chúng ta mà hầu hết là vì cách chúng ta nhìn nhận tình huống và để mình bị lây nhiễm từ người và sự việc quanh ta. Vấn đề xảy ra bên ngoài không phải lúc nào cũng quá nghiêm trọng hay quá tệ hại, nhưng ta lại để chúng làm hỏng trạng thái và ảnh hưởng tới việc ra quyết định của mình, khiến ta khó có thể ứng xử đúng mực hay theo cách tích cực khi xảy ra tình huống.

f96dc_ktsg_suc_manh_rut_lui_200Ảnh hưởng từ bên ngoài đôi lúc không đáng kể, ví dụ như trong trường hợp bạn đang không cảm thấy cần thiết phải sắm một đôi giày mới chẳng hạn, nhưng khi những người xung quanh bạn liên tục nói về điều đó, bỗng một lúc bạn cảm thấy cần phải có đôi giày mới và phải mua ngay lập tức. Tuy nhiên, có nhiều ảnh hưởng gây hậu quả nghiêm trọng làm tiêu tan cả một đời người như trường hợp bị cám dỗ sử dụng ma túy. Nhiều thanh niên sợ bạn bè tẩy chay mà vướng vào con đường nghiện ngập. Trong thời gian làm việc với các thanh niên ở trung tâm cai nghiện ma túy, tôi được hầu hết các em cho biết nguyên nhân bị vướng vào con đường nghiện ngập là “do bạn bè rủ rê”. Rõ ràng những người rủ rê các em vào con đường nghiện ngập thì không thể được coi là “bạn”. Chúng ta đã dễ dàng bị lôi kéo vì không nhận ra năng lực to lớn trong sức mạnh rút lui của mình. Tất cả những gì ta cần phải làm vào những lúc như thế là “rút” vào bên trong tựa như con rùa thụt đầu vào cái mai cứng cáp của nó trước một tình huống không rõ ràng, do vậy nó luôn được bảo vệ.

Một khi chúng ta học cách “rút lui” từ trong tinh thần trước những thách thức và căng thẳng, ta có thể đưa vào cuộc sống nhiều quyền lựa chọn và có những quyết định sáng suốt hơn. Một cách tuyệt vời để bạn bắt đầu kích hoạt sức mạnh này là hãy tập trung vào những suy nghĩ của bạn và làm dịu chúng bằng những suy nghĩ bình tĩnh, tích cực. Một khi đã bắt đầu kiểm soát quá trình suy nghĩ, bạn có thể tách mình khỏi bị lún vào dòng xoáy của những suy nghĩ tiêu cực từ môi trường bên ngoài. Sau đó, bạn sẽ thực sự có ý thức phân biệt đâu là ý nghĩ của riêng mình và đâu là điều mình đã thu nhặt từ môi trường xung quanh bằng sự hiểu biết thấu đáo.

Có một lần, tôi tập huấn với các nhà quản lý của Chính phủ New Zealand. Trong giờ giải lao, một nhà quản lý đã chia sẻ: “Sáng nay khi nhìn vào trong gương, tôi chẳng thấy có cảm giác gì. Đầu óc tôi trống rỗng như người vô hồn vậy!”. Qua tìm hiểu, tôi được biết người này đã phải trải qua một khoảng thời gian khá dài trong căng thẳng vì công việc, đến độ trở nên hoàn toàn bị công việc và sự căng thẳng chi phối. Tôi đề nghị anh dành chút ít thời gian mỗi ngày, vào buổi sáng và buổi tối, tập hít thở sâu và sử dụng sức mạnh rút lui. Sau đó, tự ngẫm nghĩ xem điều gì là quan trọng đối với anh ấy, chẳng hạn như gia đình và mục đích sống. Đến buổi học ở tuần sau, anh ấy đã vui vẻ chia sẻ rằng anh đã có thể khơi nguồn cảm hứng cho những cảm nhận và những suy nghĩ mới về bản thân.

Trish Summerfield (*)/Phạm Thị Sen dịch

(*) Cố vấn chương trình Innerspace và giá trị sống

Thực hành sức mạnh rút lui

• Như một chú rùa có thể dễ dàng rút vào cái mai cứng cáp của mình, hãy thường xuyên tập nhìn vào bên trong của mình, rồi bạn sẽ trở nên bình tĩnh và sáng suốt.

• Ở những tình huống căng thẳng hay giận dữ, hãy tập trung vào việc hít thở đều và sâu, sau đó từ từ rút ý thức vào trong và kiểm tra suy nghĩ của bạn, tách bạn khỏi những suy nghĩ tiêu cực liên quan đến môi trường xung quanh.

• Khi rời văn phòng làm việc, phần lớn chúng ta vẫn “tha” công việc về nhà trong tâm tưởng. Do đó, thời gian mà ta dành cho gia đình thường không trọn vẹn. Sức mạnh rút lui sẽ rất có ích để bạn “đóng gói” công việc và để chúng ở lại văn phòng, cho phép tâm trí rời bỏ vai trò “người của công sở” để rảnh rang cho một vai trò mới là người cha, người mẹ thân thương trong gia đình.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn online

Bệnh viện Hạnh Phúc