Hai nhân vật thám tử nổi tiếng Hercule Poirot và bà Marple (Miss Marple) gắn liền với các tác phẩm của Christie, khiến bà được mệnh danh là “nữ hoàng trình thám”.
Sáng tác chỉ là thú chơi
Ngay cả khi đã xuất bản hàng chục cuốn sách nổi tiếng, trong các tờ khai lý lịch ở mục “nghề nghiệp”, Agatha vẫn ghi “nội trợ”. Mặc dù các cuốn tiểu thuyết của bà được cả thế giới đọc, nữ văn sĩ không có phòng làm việc lẫn bàn viết riêng.
Chính Christie gọi công việc sáng tác của mình là thú chơi, coi viết văn là một cái gì đó không nghiêm túc. Bà làm việc thất thường, tranh thủ lúc nghỉ ngơi giữa các việc nhà. Nhiều khi bà ngồi viết bên bàn bếp, trong phòng ngủ.
Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng tới niềm đam mê sáng tạo của nhà văn. Mỗi lúc có điều kiện sống một mình, bà có thể ngồi viết và “quên hết mọi thứ trên đời”.
Bị cấm đọc sách hồi nhỏ
Thông thường, các bậc cha mẹ đều mong muốn con cái mình, thay cho việc đi lang thang ở ngoài đường nên dành nhiều thời gian đọc sách.
Thế nhưng, mẹ của Agatha là bà Klarissa lại có quan điểm khác. Theo bà, người phụ nữ đích thực thời đó bắt buộc phải chơi một hoặc vài nhạc cụ, thường xuyên học hát và biết khiêu vũ, còn đọc sách hoàn toàn không cần thiết.
Thậm chí, bà Klarissa còn cho rằng thói quen đó độc hại nếu con gái đọc sách văn học trước 8 tuổi. Tuy nhiên, “nữ hoàng truyện trình thám” tương lại có niềm đam mê khác người, bà bắt đầu đọc sách khi lên bốn tuổi.
Bị rối loạn tâm thần bất thường
Nếu như việc đọc sách diễn ra rất suôn sẻ đối với nữ văn sĩ tương lai, thì việc viết của bà gặp rất nhiều khó khăn. Suốt đời, Christie mắc chứng viết khó (một kiểu rối loạn chức năng tâm thần), nên bà không thể sắp xếp các chữ cái trong từ theo đúng thứ tự.
Nhưng điều đó không ngăn cản bà nghĩ ra những cốt truyện tuyệt vời và gõ chúng trên máy chữ. Những khi không mang theo máy chữ, Agatha đã đọc cho ai đó bên cạnh viết giúp.
Các chuyên gia trong lĩnh vực y học cho rằng chứng viết khó là căn bệnh của những người đã trải qua một cú sốc nghiêm trọng nào đó về tình cảm trong thời thơ ấu. Và có thể do cách dạy bảo nghiêm khắc của mẹ và cái chết đột ngột của người bố yêu quý đã khiến Christie mắc căn bệnh này chăng?
Những dự cảm kỳ lạ
Xét về sự nổi tiếng, nữ thám tử già Marple không thua kém gì thám tử Hercule Poirot. Tuy nhiên, cả hai nhân vật này của Christie khác nhau đến mức so sánh họ là hoàn toàn vô nghĩa.
Nhiều nữ diễn viên đã thủ vai trong các bộ phim chuyển thể từ truyện trinh thám của Agatha Christie, nơi nữ thám tử hồi hưu khám phá những tội ác khủng khiếp nhất. Tất cả các diễn viên đều tài năng, nhưng chỉ một người trong họ, Joan Hickson, nhận được lời khen của Agatha Christie… từ trước.
Năm 1946, một lần nữ văn sĩ tình cờ đến xem một vở kịch tại nhà hát Broadway và bị mê hoặc bởi tài năng của nữ diễn viên trẻ Joan Hickson.
Sau vở kịch, Christie chờ gặp ngôi sao màn bạc tương lai và nói rằng chỉ có Joan mới có thể đóng vai nữ thám tử già Marple trong tương lai. Tuy nhiên, lời khen ấy đã làm nữ diễn viên phật ý, bởi lúc bấy giờ Joan Hickson còn trẻ, xinh đẹp và hoàn toàn không có ý định đóng vài bà già.
Có ai ngờ được sau 38 năm, với hơn 100 vai diễn trong hành trang nghề nghiệp của mình, nữ diễn viên hài kịch Joan Hickson đã tham gia nhiều bộ phim chuyển thể từ tác phẩm của Agatha Christie và được công nhận là người thể hiện hình tượng nữ thám tử Marple xuất sắc nhất thế kỷ XX.
Dàn dựng vụ bắt cóc chính mình
Cuối năm 1926, Agatha Christie biến mất không để lại dấu vết. Sự mất tích của nữ văn sĩ trùng hợp một cách kỳ lạ với yêu cầu ly hôn của chồng bà Archibald Christie.
Vào ngày “X”, Agatha sau khi cho con gái nhỏ đi ngủ đã lên ô tô và phóng đi đâu không ai biết. Mấy hôm sau, chiếc ô tô cùng với đồ đạc cá nhân của bà được tìm thấy bên bờ sông.
Cả nước Anh đổ xô đi tìm nữ văn sĩ. Báo chí Anh tràn ngập những dòng tít về một vụ bắt cóc hoặc thậm chí là giết người. Cảnh sát triệu tập chồng bà và tình nhân đến thẩm vấn.
Tuy nhiên, mười một ngày sau, người ta tìm thấy Agatha vẫn sống và hoàn toàn khỏe mạnh. Không ai biết được điều gì thực sự đã xảy ra, và nữ văn sĩ làm điều đó vì mục đích gì.
Am hiểu về độc dược
Sở thích khác thường đối với các loại chất độc xuất hiện khi bà làm nữ y tá tình nguyện thời Thế chiến thứ nhất. “Thay vì một món đồ chơi hãy cho tôi một lọ thuốc độc, tôi sẽ rất vui” – Agatha Christie nói.
Đây không phải là một câu nói đùa, quả thật, bà hiểu biết về các chất độc giỏi hơn nhiều chuyên gia. Bằng chứng là trong các cuốn tiểu thuyết của bà, các nhân vật bị đầu độc 83 lần, và chất độc được sử dụng không lần nào giống nhau.
Ngoài ra, hồi trẻ Agatha Christie muốn trở thành dược sĩ nhưng dự định không thành hiện thực. Agatha đã phạm sai lầm trong khi pha chế một loại thuốc, kết quả là bà thu được một chất độc chết người. Dù vậy, những kiến thức tuyệt vời về các loại chất độc về sau trở nên rất hữu ích trong sự nghiệp viết văn của bà.
Nguyên mẫu của Hercule Poirot
Hercule Poirot, nhân vật nổi tiếng nhất của “nữ hoàng trinh thám” là một người thật. Giữa năm 1910, Christie tình cờ gặp ở bến xe buýt một chàng trai người Bỉ vui nhộn với bộ ria mép sang trọng.
Anh chàng này có những đặc điểm khá kỳ lạ trong cử chỉ, nét mặt nhưng cách nói rất hài hước. Hình ảnh một người qua đường tình cờ đã truyền cảm hứng cho tiểu thuyết gia để biến anh ta thành nhân vật chính trong nhiều tác phẩm của mình.
Tuy nhiên, ít lâu sau nhân vật Hercule Poirot khiến bà thấy khó chịu. Nhà văn, không ngần ngại gọi nhân vật của mình là “kẻ tiểu nhân đáng kinh tởm, khoa trương, ích kỷ, giả dối” và “quái vật béo”.
Nhiều lần Christie tiết lộ, mặc dù không ưa gì Poirot, bà không thể chia tay với nhân vật thám tử lập dị, kém cỏi này. Bởi thám tử Poirot đã trở nên quá nổi tiếng đối với độc giả.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/su-that-bat-ngo-ve-nu-hoang-truyen-trinh-tham-agatha-christie-20200329175207406.html