[Phụ Nữ Hiện Đại] – Standard Chartered hợp tác với Microsoft để trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ thông qua Chương trình “Code; Without Barriers”.

Standard Chartered gần đây đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với Microsoft nhằm thúc đẩy phụ nữ tham gia và giữ vị trí lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam và Châu Á thông qua chương trình “Code; Without Barriers” (Tạm dịch là Code; Không rào cản) vào ngày 6 tháng 3 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sự kiện có sự tham dự của Chủ tịch Microsoft ASEAN Andrea Della Mattea, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam Nguyễn Quỳnh Trâm và Giám đốc Công nghệ & Vận hành Standard Chartered Việt Nam Nguyễn Ngọc Lan Anh. Ngoài ra, sự kiện còn có sự tham gia đông đảo các lãnh đạo trong ngành và phụ nữ trẻ trong lĩnh vực công nghệ.

Đại diện Standard Chartered và Microsoft cùng ký kết hợp tác chương trình “Code; Without Barriers”

Với chương trình kéo dài 12 tháng, tất cả nhân viên Standard Chartered, đặc biệt là nhân viên nữ, sẽ được tiếp cận các khóa học nâng cao tập trung vào AI và công nghệ, cơ hội tham gia chương trình hackathons hoặc thử thách kỹ năng cũng như tham gia cố vấn và huấn luyện cho phụ nữ trẻ trong lĩnh vực công nghệ. Microsoft sẽ cung cấp các buổi đào tạo trực tuyến miễn phí và cấp chứng chỉ Cơ bản về AI cho nhân viên nữ trong Ngân hàng, các hoạt động kết nối và chia sẻ kinh nghiệm tại các sự kiện quan trọng của Microsoft, các buổi tọa đàm, và podcast cũng như tận dụng nền tảng công nghệ của Microsoft cho các cuộc thi hackathons.

Bà Michele Wee, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, chia sẻ “Tại Standard Chartered, chúng tôi hướng tới một lực lượng lao động cân bằng về giới, trong đó hiện có 70% nhân viên là nữ. Sự hợp tác với Microsoft là một bước quan trọng trong việc trao quyền cho các nhân viên nữ của Ngân hàng để giúp họ có những bước tiến vượt trội khi lựa chọn phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và trong việc cố vấn cho thế hệ nữ lãnh đạo công nghệ trong tương lai. Hợp tác này phù hợp với cam kết của chúng tôi trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện, đặc biệt là ở các thị trường cận biên nơi Standard Chartered hoạt động.”

Bà Nguyễn Quỳnh Trâm, Tổng Giám đốc của Microsoft Việt Nam, chia sẻ: “Tại Microsoft, chúng tôi cam kết tạo điều kiện phát triển cho mọi người, không phân biệt giới tính, dân tộc hay nguồn gốc, để họ đạt được thành công trong thời đại số. Đó là lý do tại sao chúng tôi triển khai chương trình “Code; Không rào cản” trên toàn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Chúng tôi rất tự hào khi Standard Chartered Việt Nam sẽ đồng hành cùng chúng tôi trao quyền cho thế hệ phụ nữ mới trong lĩnh vực công nghệ và góp phần thúc đẩy sự đa dạng và bình đằng giới trong nền kinh tế số Việt Nam.”

Bà Nguyễn Ngọc Lan Anh – Giám đốc Công nghệ & Vận hành Standard Chartered Việt Nam- chia sẻ tại buổi tọa đàm

Tại lễ ký kết, bà Lan Anh đã tham gia tọa đàm với chủ đề “Đa dạng, Trách nhiệm và Đổi mới với AI tại nơi làm việc” và chia sẻ những hiểu biết quý giá của mình. “Bằng cách nâng cao sự tham gia của nữ giới trong công nghệ, chúng ta có thể mở ra những quan điểm mới và khai thác toàn bộ tiềm năng của lĩnh vực này. Là nữ ở vị trí lãnh đạo trong ngành công nghệ, tôi hiểu những thách thức và cơ hội đang tồn tại. Thông qua chương trình này, tôi mong muốn cố vấn và hỗ trợ những phụ nữ trẻ, trang bị cho họ những kỹ năng và sự tự tin để phát triển sự nghiệp.”, Bà chia sẻ.

Sự hợp tác giữa Standard Chartered và Microsoft thể hiện một bước tiến đáng kể trong việc trao quyền cho phụ nữ trong ngành công nghệ và thúc đẩy một tương lai toàn diện và sáng tạo hơn.

Mục tiêu chính của MoU:

  • Nâng cao nhận thức, thúc đẩy, tạo ảnh hưởng, chia sẻ hiểu biết và kiến thức chuyên môn cho nữ giới yêu thích công nghệ
  • Cung cấp cơ hội tiếp cận công nghệ thông qua truyền tải các kỹ năng về kỹ thuật số và kết nối trong cộng đồng
  • Tạo ra một hệ sinh thái và cộng đồng mạnh mẽ bao gồm các nhà lãnh đạo nữ trong lĩnh vực AI và công nghệ, nhằm đóng góp và thúc đẩy chuyển đổi và đổi mới kỹ thuật số quốc gia.
  • Nâng cao khả năng có việc làm cho nữ giới, thúc đẩy lực lượng lao động công bằng hơn.

(Standard Chartered)

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc