Hiện nay, tại nhiều khu công nghiệp hay trên các trang thông tin tuyển dụng lao động, đa số các doanh nghiệp đều thông báo chỉ tuyển dụng lao động có tuổi từ 18-35. Do đó, lao động ở tuổi trung niên rất khó tìm được việc làm ổn định.

Trung niên thất nghiệp

Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện cả nước có gần 300 khu công nghiệp (KCN) và khu chế xuất (KCX) với hơn 2,8 triệu lao động. Tuy nhiên, tại nhiều KCN, số lao động làm việc cho các doanh nghiệp (DN) phần lớn là lao động có độ tuổi rất trẻ, trong đó nữ giới chiếm số đông. Bởi đây là lực lượng có sức khỏe dồi dào, lao động chăm chỉ, hăng say, kỹ năng cho đào tạo học nghề tốt. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng lao động từ 35 tuổi trở lên rất ít, mặc dù nhiều doanh nghiệp luôn trong tình trạng thiếu nhân lực. Điều này đã và đang gây nên sự lãng phí nguồn lao động, đồng thời làm gia tăng nguy cơ thất nghiệp.

sau tuoi 35 kho kiem viec lam
Người lao động sau tuổi 35 khó tìm việc làm (ảnh minh họa)

Anh Trần Văn Hùng (37 tuổi, ở Nam Định) làm nghề chở hàng thuê tại đường Minh Khai (Hà Nội) cho biết: “Trước đây tôi làm công nhân mỏ than ở Quảng Ninh, ít việc lại nguy hiểm tôi đã xin nghỉ việc và về Hà Nội đi nhận chở hàng thuê. Công việc này bấp bênh và xa gia đình nên cuối năm 2016 tôi nộp hồ sơ xin việc vào một công ty điện tử ở gần nhà. Nhưng hồ sơ của tôi bị loại vì lý do tuổi đã cao”.

Không chỉ bỏ mặc số lao động trong độ tuổi trung niên, nhiều công nhân lớn tuổi ở nhiều doanh nghiệp cũng thường xuyên đối diện với nguy cơ bị sa thải. Theo kết quả kiểm tra của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Vĩnh Phúc, từ năm 2013 đến 2016, mỗi năm Honda Việt Nam sử dụng 8.000-10.000 lao động. Cùng với việc tuyển mới 1.000 đến 3.000 lao động (đa phần chưa qua đào tạo), mỗi năm đơn vị này cũng chấm dứt hợp đồng từ 1.000 tới gần 3.000 lao động. Đơn cử, năm 2014, Honda Việt Nam tuyển mới hơn 3.500 lao động, đồng thời chấm dứt hợp đồng với hơn 1.600 người; năm 2015 tuyển mới hơn 3.000 người, đồng thời chấm dứt hợp đồng với hơn 2.600 người; nửa đầu năm 2016 tuyển mới hơn 1.400 lao động, chấm dứt hợp đồng với hơn 1.200 người.

Không chỉ riêng với Honda Việt Nam, đây cũng là hoạt động thường xuyên của nhiều DN. Hầu hết các DN tại các KCN, KCX chỉ muốn sử dụng lao động trẻ và né tránh những lao động trung tuổi. Lý do thì có nhiều, nhưng chủ yếu là việc sử dụng lao động trẻ, ít thâm niên sẽ không phải trả lương cao, lại có thể tận dụng được sức lao động với cường độ cao.

Ngoài ra, khá nhiều DN không đáp ứng được điều kiện lao động, yêu cầu, quyền lợi của người lao động (NLĐ) cũng khiến cho NLĐ muốn nghỉ việc để tìm công việc khác phù hợp. Do đó, tình trạng thất nghiệp luôn ở mức báo động.

Cần biện pháp cụ thể

sau tuoi 35 kho kiem viec lam
Ông Nguyễn Tiến Tùng – Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH

Liên quan đến vấn đề lao động tuổi trung niên khó tìm được việc làm, ông Nguyễn Tiến Tùng – Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, cho hay: Hiện nay, các DN có tình trạng lợi dụng một số quy định của luật pháp trong việc ký hợp đồng theo thời hạn xác định để “né” lao động tuổi trên 35. Ví dụ, DN ký hợp đồng lao động theo thời hạn 12 tháng, 36 tháng, rồi ký tiếp. Cho nên họ chỉ sử dụng tới khi người lao động tới 35 tuổi là có thể không ký tiếp hợp đồng.

Theo các chủ DN, từ 35 tuổi trở lên NLĐ bắt đầu giảm hiệu quả lao động. Ngoài lý do sức khỏe, một phần nguyên nhân là do một số lao động trung niên, sau thời gian dài làm việc, thường xuất hiện tư tưởng ỉ lại khi cho rằng mình có nhiều kinh nghiệm hơn so với lao động mới. Từ đó, họ không còn chủ động trau dồi kỹ năng làm việc, dẫn tới tình trạng năng suất lao động xuống thấp, khiến người sử dụng lao động không đánh giá cao chất lượng làm việc.

Ở một diễn biến khác, trong buổi gặp gỡ với hơn 2.000 công nhân vùng kinh tế trọng điểm miền Trung vào cuối tháng 4-2017 vừa qua, khi được nghe ý kiến về tình trạng các DN hạn chế sử dụng lao động lớn tuổi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Chính phủ sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến của người lao động để hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo thị trường lao động bình đẳng, khung pháp lý phù hợp, yêu cầu các chủ doanh nghiệp thực hiện đúng Luật Lao động đã quy định”.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị, bản thân NLĐ cũng cần có biện pháp khắc phục vấn đề này bằng cách nâng cao tay nghề để chứng tỏ rằng tuổi 35-40 tuổi vẫn có thể làm việc tốt và không thua kém lao động trẻ.

Về lâu dài, để giảm tình trạng sa thải NLĐ ngoài tuổi 35, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách về lao động, việc làm và bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động và NLĐ, nhất là các chính sách hỗ trợ NLĐ bị mất việc làm. Đồng thời theo dõi, giám sát việc thực hiện chính sách theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, NLĐ cần chủ động tham gia đào tạo nghề cơ bản để chuẩn bị cho việc chuyển đổi nghề khi gặp rủi ro. Thực tế, độ tuổi 35 vẫn còn nhiều sức khỏe, vẫn có thể chuyển đổi nghề khi không may rơi vào cảnh thất nghiệp. Các chương trình hỗ trợ về học nghề, nâng cao tay nghề và các hoạt động giải quyết việc làm cần phải được triển khai phù hợp với từng vùng, từng địa phương, đào tạo cần gắn với nhu cầu việc làm của NLĐ và của ngành kinh tế.

Đối với các cơ quan, tổ chức liên quan đến lợi ích của NLĐ, nhất là công đoàn, cần phát huy chức năng của mình, đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật hoặc lạm dụng trong quan hệ lao động của chủ DN với NLĐ. Qua đó, bảo vệ lợi ích hợp pháp của NLĐ khi phải chấm dứt quan hệ lao động với chủ sử dụng lao động. Đồng thời, giám sát các thỏa thuận, các cam kết theo quy định pháp luật nhằm đảm bảo cho NLĐ sau khi bị sa thải được hỗ trợ việc làm tốt nhất. Đối với những trường hợp bị ép nghỉ việc, nếu phát hiện được cần có những chế tài xử phạt phù hợp, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho NLĐ.

Cùng với đó, cộng đồng DN cũng cần quan tâm, hỗ trợ mọi mặt cho công nhân, giúp họ “an cư, lạc nghiệp”, từ đó NLĐ sẽ có điều kiện gắn bó lâu dài tại doanh nghiệp, chung tay xây dựng đất nước.

Thiên Minh – Đông Nghi

Nguồn: Petrotimes.vn 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc