Sài Gòn nhiều cạm bẫy, nhớ  để mà giữ mình, để mà tiến thân một cách trong sạch, để đừng phụ công cha mẹ và vững vàng lập thân, ngõ hầu có thể giúp các em khôn lớn, đỡ cho tấm lưng cha mẹ đỡ còng thêm.

Cô Dạ Hương kính mến!

Cháu đang học cao đẳng năm cuối. Từ miền quê xa xôi, ra thị trấn học PTTH, cố gắng lắm cháu mới vô được cao đẳng ở Sài Gòn. Năm cháu thi cũng là năm ba má cháu làm ăn thất bại, nợ nần chồng chất.

Cháu vào đời cùng với nước mắt, bởi dưới cháu còn hai em trai nữa tuổi ăn tuổi học. Năm đầu, cháu ở trong nhà trọ tồi tàn, chia tiền trọ với một chị làm giúp việc. Mùa nắng thì ngủ với mồ hôi, mùa mưa thì ban đêm phải dậy che đậy khắp nơi. Má cháu gởi tiền lên hàng tuần, vì đâu có tiền mà gởi trọn tháng đâu cô.

Sau sáu tháng năm thứ nhất, cháu đã đi làm. Cô biết cháu làm gì không? Cháu đi làm lau dọn qua sự giúp đỡ của chị chung phòng. Ba má cháu không biết gì về chuyện này, cháu nói cháu đi bưng bê cho nhà hàng.

Ba chỉ nhắc đừng có làm tiếp thị bia, bởi ba nghe bà con ở thị xã nói làm việc này phải mặc váy ngắn. Má cháu thì chỉ khóc, bà rất hay khóc tủi khóc thương.

Năm thứ hai cháu đã chuyển sang một phòng khác, khá hơn, ở gần trường, chia tiền phòng với một cô bạn cùng lớp. Cháu cũng không còn đi làm lau dọn nữa mà thực sự đã đi bưng bê cho quán ăn. Cháu đã tự túc được tiền ăn ở, ba má chỉ phải cho tiền học phí mà thôi.

Cũng năm thứ hai đó, ba má cháu bỏ quê chạy lên miền đông làm cao su đó cô. Làm nông đã cực, làm mủ cao su còn cực gấp mấy. Không có nhà, hai người phải cất một cái chòi trong rừng cao su, còn khổ hơn cháu ở trong phòng trọ của năm thứ nhất.

Sao làm nông dân thời nào cũng cơ cực quá vậy cô? Lúc đó tâm trạng cháu luôn tiến thoái lưỡng nan, về nghỉ để giúp ba má thì liệu có giúp được, nghề cạo mủ lấy đêm làm ngày, mà có cứu được mình không nữa?

Cháu quyết định buổi trưa, trở lại việc lau dọn, buổi tối đi bưng bê, cháu tự túc luôn tiền học phí. Má cháu khóc nhiều hơn nhưng không có thời gian để xuống Sài Gòn thăm cháu nữa.

Năm nay cháu sẽ đi thực tập, làm tốt nghiệp, đủ thứ mà mủ cao su đang rớt giá thê thảm đó cô. Má cháu tính trở lại quê với ruộng, chỉ mình ba cháu ở lại làm mướn thôi. Vậy là hai em cháu phải về theo má, học hành bị xáo trộn quá chừng. Nhưng cũng hết đường rồi cô.

Việc cháu muốn xin ý kiến cô là cháu nên xác định là ở lại Sài Gòn kiếm việc hay là về thị trấn quê nhà như má cháu mong muốn. Gia đình cháu không quen biết ai nhiều để xin việc mà không mất tiền nhưng ba má nói, gần gia đình, gần ruộng vườn vẫn có hậu phương.

Nếu chưa xin việc được thì bưng bê, ở đâu chẳng có quán xá, lo gì.

Nhưng cháu không nghĩ vậy. Thành phố có cơ hội lớn, cháu sẽ tự tìn ra mối quen biết và may mắn sẽ đến. Cùng lắm là cứ đi làm cho nhà hàng, cùng nữa, đi làm lau dọn mỗi tháng cũng kiếm năm ba triệu, cũng đâu có sao. Vấn đề là công lao học hành ba năm nếu không có việc thì đổ sông đổ biển sao cô?

Cháu chưa dám yêu ai vì không có thời gian. Cháu phải giúp được ba má mình để nuôi em cháu ăn học. Cháu có qúa tham vọng, hay là phiêu lưu không cô?

Cô giữ kín email cho cháu.

———————

Cháu thân mến!

Trước hết cô muốn bày tỏ sự khâm phục của mình với một cô gái quê đã vượt qua hai năm gian khổ nhất khi vào đời ở thành phố.

Như cháu thấy, Sài Gòn dung nạp tất cả, trong đó có nhiều người phụ nữ chỉ làm nghề lau dọn thôi. Cô biết những căn phòng trọ tồi tệ mà cháu trải qua năm thứ nhất, đó là địa ngục chứ đâu phải nhà cho con người. Không sao kể hết được cảnh ngộ của những người phải rời quê ấy.

Cũng vì vậy mà Sài Gòn cho cháu cái nhìn lạc quan, đúng không? Những khi vừa lau dọn, lại vừa làm quán xá, chắc cháu mệt mỏi lắm. Không thấy cháu than thở về sự học, nếu cháu vẫn học tốt thì cháu đúng là phi thường.

Năm thứ hai đã tự lực được tất cả ăn ở và học phí, nhưng năm thứ ba quyết định này nên xem lại lịch làm thêm của mình nhá. Đường xa gánh nặng, ai cũng sức con người, coi chừng thiếu ngủ, đi lại nhiều mà học hành thất bát, khi ấy muốn một kết cục khác cũng khó.

Có một con số kinh hoàng: Cả nước hơn một trăm ngàn người có bằng đại học và cao đẳng chịu thất nghiệp. Cô nghĩ, con số thực còn có thể cao hơn.

Vì sao? Vì người Việt ta thích bằng cấp, phải đi đại học hay cao đẳng thì mới thực sự là một con người, vì vậy mà nghèo mấy cũng phải cho con đi thi và đi học dù không biết học xong sẽ làm gì.

Lại nữa, làm công nhân không sống nổi, làm nông dân cũng hẩm hiu, con cái vừa lớn, cố đưa nó vào vùng “phủ sóng” của học vấn cái đã.

Giấc mơ làm trí thức rất thiêng liêng, lành mạnh. Những con số không dọa được cháu, đúng không? Nhưng nếu ra trường mà kiếm việc ở Sài Gòn, có thể dễ gặp được một chỗ tốt. Đúng, trong lúc chờ đợi thì đi làm giúp việc, hay đi chạy bàn, càng vinh quang, càng làm càng lương thiện, trưởng thành.

Trừ trường hợp ở thị trấn quê nhà có một chỗ đang đợi cháu, nếu không, về đó thì sẽ không nuôi nổi mình, không giúp được ba mẹ nuôi các em.

Cô nghĩ cháu đã thông thuộc đường đi lối lại của cái thành phố không ngủ này, thế nào rồi cháu cũng níu lấy được một tấm lòng muốn giúp cháu mưu sinh và tiến thân. Rồi cơ duyên với ai đó cũng sẽ có, đúng không?

Nhưng Sài Gòn nhiều cạm bẫy, nhớ nhá để mà giữ mình, để mà tiến thân một cách trong sạch, để đừng phụ công cha mẹ và vững vàng lập thân, ngõ hầu có thể giúp các em khôn lớn, đỡ cho tấm lưng cha mẹ đỡ còng thêm.

Cô khâm phục và thương yêu cháu nhiều. Ai cũng có một đời người, hãy sống sạch và sống đẹp nhé cháu.

Chúc cháu hanh thông và may mắn.

DẠ HƯƠNG
Nguồn: nongnghiep.vn
Bệnh viện Hạnh Phúc