Những ràng buộc về mặt pháp lý khiến Khu Dưỡng lão nghệ sĩ TP HCM không thể mở rộng, có điều kiện tốt nhất đón thêm nhiều nghệ sĩ lão thành từ các lĩnh vực khác như “quái kiệt” Tòng Sơn vào chung sống.

Sau thời gian điều trị bệnh tim mạch tại bệnh viện, do gia cảnh khó khăn, nghệ sĩ thổi kèn harmonica Tòng Sơn, người được mệnh danh là “quái kiệt”, đã viết đơn xin vào sinh sống tại Khu Dưỡng lão nghệ sĩ TP HCM. Đề nghị của ông Tòng Sơn đã bị từ chối vì ông không phải là hội viên Hội Sân khấu TP HCM, cũng không phải là hội viên Hội Âm nhạc TP. Tuổi già, sức yếu, ông không thể tiếp tục tham gia biểu diễn để có đủ tiền nuôi sống bản thân và trả tiền thuê nhà. Nhiều ngày qua, ông đã nộp đơn kêu cứu nhiều nơi để mong được vào sống trong Khu Dưỡng lão nghệ sĩ TP HCM nhưng câu trả lời vẫn đang bỏ ngỏ.

Gia cảnh khốn khó

86 tuổi, nghệ sĩ Tòng Sơn được bạn bè nghệ sĩ đứng ra tổ chức mừng thọ cách đây không lâu. “Sau lần xuất viện gần đây nhất, tôi thấy mình không còn đủ sức để thổi kèn nữa nên lo không có tiền trang trải cuộc sống. Tiền thuê nhà mỗi tháng tôi phải trả là 3 triệu đồng. Bạn bè, đồng nghiệp thương tình giúp đỡ nhưng tôi cũng chỉ đủ tiền để ăn cơm và mua thuốc uống. Nguyện vọng của tôi là được trở thành thành viên của Khu Dưỡng lão nghệ sĩ TP HCM, nơi mà các đồng nghiệp ở lĩnh vực sân khấu về chiều đang được nuôi dưỡng” – “quái kiệt” nói trong nước mắt.

Nghệ sĩ Tòng Sơn thời sức khỏe tốt
Nghệ sĩ Tòng Sơn thời sức khỏe tốt 

Hơn 60 năm cống hiến cho nghệ thuật, nghệ sĩ Tòng Sơn không thể ngờ gia cảnh cuối đời của ông lại bi đát như hôm nay. “Tôi có con nhưng nó còn khó khăn hơn tôi. Người vợ sau này cũng bỏ tôi sang định cư ở Mỹ. Tôi sống đơn độc nhiều năm qua, nhờ đi diễn mới có tiền ăn uống. Nay thì khổ rồi, tiền ăn còn không đủ, làm sao có tiền mua thuốc, thuê nhà? Tôi sợ cái cảnh mình là nghệ sĩ vô gia cư, chết ở đầu đường, xó chợ” – ông chua chát.

Nhiều nghệ sĩ đồng nghiệp đã quyên góp giúp đỡ “quái kiệt” Tòng Sơn tiền thuê nhà những tháng gần đây. Các mạnh thường quân cũng giúp ông mua thuốc đặc trị bệnh tim mạch bằng cách vận động trên trang mạng cá nhân để kêu gọi nhiều người hỗ trợ. Ca sĩ Phương Hồng Ngọc cám cảnh: “Cuộc sống của anh Tòng Sơn rất khốn khó. Bao nhiêu năm cống hiến cho khán giả nhưng đến cuối đời lại lâm cảnh thương tâm như thế này. Cứ vài ngày lại lên cơn đau tim, được hàng xóm đưa vào bệnh viện cấp cứu. Nửa đêm nghe đồng nghiệp nhắn tin cho biết anh mệt phải đi cấp cứu, anh chị em nghệ sĩ lại đến thăm và động viên. Không nhà cửa, phải ở thuê, lại không còn đủ sức đi diễn, cuộc sống của anh rất cần sự cứu xét của hội đoàn và các cấp chính quyền”.

200 trường hợp đang chờ cứu xét

Giải thích về trường hợp “quái kiệt” Tòng Sơn không đủ tiêu chuẩn vào sinh sống tại Khu Dưỡng lão nghệ sĩ TP HCM, đạo diễn Nguyễn Hồng Dung, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP, cho biết: “Hiện nay, có đến 200 trường hợp nghệ sĩ, công nhân hậu đài nghèo khó, bệnh tật nộp đơn xin được vào Khu Dưỡng lão nghệ sĩ TP HCM. Trong đó, nhiều người là hội viên lâu năm của Hội Sân khấu TP, có nhiều thành tích, cống hiến cho sân khấu, đúng với tiêu chí ban đầu mà NSND Phùng Há đề ra: dành cho khối nghệ sĩ biểu diễn của sân khấu gồm hát bội, cải lương, kịch nói… Cơ sở hạ tầng hiện nay của khu dưỡng lão không đủ điều kiện để tiếp nhận thêm người”.

Theo bà Dung, nguồn kinh phí nuôi dưỡng nghệ sĩ của khu dưỡng lão lâu nay vẫn trông chờ vào sự trợ giúp của các nhà hảo tâm. “Phòng ốc để các nghệ sĩ lão thành ở cũng không còn, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn. Chúng tôi chỉ có thể đưa 200 trường hợp khó khăn này vào diện hỗ trợ để được nhận lương thực, tiền trợ cấp mỗi đợt theo tiêu chuẩn từ sự ủng hộ của các mạnh thường quân” – bà cho biết.

Vào thì dễ, lo chu toàn mới khó Khu Dưỡng lão nghệ sĩ TP HCM được thành lập theo nguyện vọng của NSND Phùng Há và các nghệ sĩ sân khấu tiền bối nhằm giúp đỡ đồng nghiệp khi về già neo đơn, bệnh tật.

Theo kế hoạch của TP HCM, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiếp nhận Khu Dưỡng lão nghệ sĩ TP để xây dựng và đưa các nghệ sĩ lão thành đang sinh sống tại đây vào diện được hưởng chế độ trợ cấp, điều dưỡng theo chính sách chung đối với người già neo đơn, không nơi nương tựa. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không thể triển khai khi các nghệ sĩ lão thành sinh sống tại Khu Dưỡng lão nghệ sĩ TP muốn được tự điều hành và Ban Ái hữu nghệ sĩ TP chịu trách nhiệm về việc điều hành hoạt động của khu dưỡng lão.

Xã hội hóa xây dựng Khu Dưỡng lão nghệ sĩ TP HCM là một phương hướng mang tính chiến lược khi nhiều tổ chức có tấm lòng muốn được đầu tư xây mới, đồng thời khai thác sử dụng mặt bằng để có thể sinh lợi cho nghệ sĩ lão thành. Thế nhưng, đến nay, phương án này vẫn chưa được triển khai do vướng nhiều thủ tục và thiếu sự đồng lòng từ những nghệ sĩ lão thành đang sinh sống tại khu dưỡng lão.

“Thêm nhiều anh chị em từ các lĩnh vực khác vào chung sống là điều hạnh phúc nhưng để có được cuộc sống tốt, đầy đủ thì phải tính toán rất kỹ. Vào đây chưa đầy một năm, tôi thấy rất thương ban lãnh đạo Khu Dưỡng lão nghệ sĩ TP, nhất là anh chị em trong Ban Ái hữu nghệ sĩ. Họ phải tính toán để có đủ suất ăn, lo viện phí khi nghệ sĩ đổ bệnh. Nhận vào thì dễ mà lo chu toàn mới là áp lực. Nếu có sự tiếp ứng của nhà nước, của mạnh thường quân thì sẽ yên tâm hơn” – NSƯT Diệu Hiền nhìn nhận.

Mở rộng là cần thiết

NSND Kim Cương nhớ lại: “Tôi từng gặp nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang để đề đạt ý nguyện của đông đảo nghệ sĩ lão thành. Rất nhiều người muốn được nương tựa tấm thân già ở Khu Dưỡng lão nghệ sĩ TP HCM nhưng vì cơ chế, cơ sở hạ tầng quá kém, không đủ đáp ứng chỗ ở, việc xây dựng mới càng gặp khó khăn hơn khi nguồn lực chưa đủ, quyền sở hữu đất còn bị chồng chéo nhiều khâu khiến thủ tục không thể tiến hành. Theo tôi, chính sách được đề ra là phục vụ cho con người nên việc gì khó thì tìm cách gỡ, tạo mọi điều kiện để các tổ chức xã hội có thể tham gia đầu tư xây dựng, mở rộng khu dưỡng lão, đủ điều kiện tiếp nhận nhiều đối tượng nghệ sĩ của những lĩnh vực khác”.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM, cho biết: “Đầu năm nay, theo đoàn cán bộ do đồng chí Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương, đến thăm các nghệ sĩ lão thành tại Khu Dưỡng lão nghệ sĩ TP HCM, tôi rất xúc động trước hình ảnh các nghệ sĩ lão thành chung sống trong ngôi nhà chung mang nhiều ý nghĩa này. Trước hết, việc mở rộng xây dựng khu dưỡng lão nghệ sĩ là việc cần thiết nhưng đơn vị chủ quản phải có báo cáo với UBND TP để xin ý kiến chỉ đạo. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP sẵn sàng tiếp nhận để kiện toàn mọi hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng nghệ sĩ ngày một tốt hơn”.

 

 Nguồn: Bài và ảnh: Thanh Hiệp/ NLD.com.vn 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc