Nhật lâm vào cuộc khủng hoảng dân số vì nhiều năm liền chỉ có mức sinh 1.3-1.4, cách xa mức sinh thay thế cần thiết là một phụ nữ sinh hai con. Các nhà nghiên cứu kỳ vọng bình đẳng giới hơn – cả ở môi trường làm việc và chăm sóc con cái sẽ giúp Nhật thoát khỏi cuộc khủng hoảng này.
Một người mẹ chở con đi gửi trẻ và đi làm trên đường phố Tokyo. Nguồn: japantimes.
Các phân tích và số liệu gần đây cho thấy, áp lực, sự phân biệt giới trong thị trường lao động và trong việc nuôi dạy con cái đã khiến phụ nữ Nhật Bản không thể tìm được điểm cân bằng giữa công việc với nuôi dạy con cái và không muốn chọn lựa sinh con.
Khoảng cách giữa tỉ lệ đi làm của nam giới và nữ giới trưởng thành ở Nhật Bản rất cao – lên tới 24%. Không phải vì phụ nữ Nhật Bản không muốn đi làm, mà là bởi vì thị trường lao động Nhật Bản có nhiều rào cản với phụ nữ hơn nam giới, nhất là với phụ nữ có gia đình và sinh con. Đơn cử là phụ nữ có con đi làm ở Nhật Bản có thu nhập ít hơn 61% so với nam giới.
Trong gia đình, phụ nữ Nhật chịu gánh nặng lớn về việc nuôi dạy con cái. Các ông bố Nhật Bản dành ít thời gian cho con cái hơn so với các ông bố ở các nước phát triển khác và ít thời gian hơn nhiều so với người mẹ. Suốt một thời gian dài, tỉ lệ nam giới Nhật nghỉ để chăm sóc con sau sinh nhích từ 0.56% vào năm 2004 lên 1.73% vào 2009, 1,9% vào năm 2012 và mới lên tới mức 7,48% vào gần đây, năm 2019.
Một cuộc khảo sát năm 2018 của Công ty Nghiên cứu và Tư vấn Mitsubishi UFJ cho thấy hơn 20% nam giới được hỏi cho rằng văn hóa doanh nghiệp không khuyến khích việc người bố nghỉ phép để chăm con khi vợ mới sinh.
Theo một cuộc khảo sát của Văn phòng Nội các Nhật vào năm 2014, 55% đàn ông Nhật Bản và 37% phụ nữ chọn không kết hôn do nghĩ rằng mình không có đủ tiền để có một cuộc hôn nhân tốt. Các cuộc khảo sát khác gần đây cũng cho thấy những điều tương tự, Trong Sách trắng về tỷ lệ sinh vào năm 2018, 45,3% nam giới và 51,2% phụ nữ trả lời chưa thể kết hôn do “Không thể gặp bạn đời phù hợp”. Và cũng có tới 29% đàn ông trả lời “Không có đủ tiền để kết hôn” và 31% phụ nữ trả lời “Không muốn mất tự do hoặc muốn sống thoải mái”.
Những con số trên đã phần nào giúp giải thích tại sao cuộc khủng hoảng mức sinh của Nhật Bản lại đặc biệt nghiêm trọng. Còn ở các nước phát triển có tỷ lệ sinh cao hơn thì có xu hướng phân bổ công việc ở nhà bình đẳng hơn. Phân tích của các nhà kinh tế học đã cho thấy có tương quan giữa sự san sẻ công việc chăm sóc con cái với mức sinh. Trong khi Nhật Bản và Tây Ban Nha có tỉ lệ nam giới làm việc nhà thấp nhất thì cũng có tỷ lệ sinh thấp nhất. Ngược lại,các quốc gia có mức sinh cao như Hoa Kỳ, New Zealand, Đan Mạch và Na Uy – cũng là những quốc gia có sự phân công lao động bình đẳng nhất giữa các giới khi làm công việc nội trợ/chăm sóc con cái.
Nhìn chung mức sinh tăng lên khi thị trường lao động thân thiện hơn với phụ nữ. Không chỉ Nhật Bản mà phụ nữ ở các nước đều sẽ sẵn sàng nuôi con hơn khi họ có môi trường làm việc và chăm sóc con thuận lợi hơn. Còn nếu phải buộc lựa chọn giữa công việc và việc nuôi dạy con cái, thì nhiều người đã chọn công việc.
Như vậy, cải thiện môi trường làm việc và môi trường xã hội hướng tới bình đẳng giới hơn sẽ là chìa khóa để giải quyết cuộc khủng hoảng tỷ lệ sinh, nhưng nó sẽ đòi hỏi những thay đổi lớn về văn hóa đối với quốc gia này.
Trước thực trạng đó, chỉ đưa ra các chính sách thưởng, trợ cấp và phúc lợi sinh con là chưa đủ, Nhật đang nỗ lực thay đổi văn hóa làm việc để nam giới chia sẻ công việc chăm sóc con cái bằng việc sửa luật Chăm sóc trẻ em. Luật Chăm sóc trẻ em sửa đổi sẽ có hiệu lực từ tháng 4/2022, đưa ra các quy định để các công ty sử dụng lao động phải có chính sách hướng dẫn, khuyến khích nam giới nghỉ việc sau khi vợ sinh con, tối đa lên tới 8 tuần; kể từ tháng 4/2023 các công ty có hơn 1000 nhân viên buộc phải công bố tỉ lệ lao động nam nghỉ chăm sóc con cái sau sinh.□
Bảo Như tổng hợp
từ VOX, Asahi, Independent.
Nguồn: https://tiasang.com.vn/-dien-dan/Phu-nu-Nhat-Ban-Giua-hai-lua-chon–28708