“Nhà xưa không có phòng con nít mà đa số đều khỏe đều ngoan!” hoặc “Lo bày trí chỗ ở cho người trưởng thành, trẻ em rồi sẽ lớn lên, hơi đâu lo sớm!”… là những lý lẽ cơ bản của các gia chủ khi xây hay sửa nhà thường “bỏ qua” không gian cho trẻ em.

Nói vậy chứ đa số phụ huynh Việt nam hiếm ai không quan tâm đến con cái mình, thậm chí là chăm sóc thái quá, lo lắng bảo bọc khiến trẻ… mãi không chịu lớn. Tuy nhiên, có một số người quan niệm trẻ em là đối tượng phụ thuộc, dẫn đến áp đặt cho trẻ các chuẩn mực của người lớn. Hoặc đơn giản hơn là dễ dãi sao chép, cóp nhặt mẫu mã đâu đó vào phòng trẻ mà thiếu lưu tâm đến nhiều vấn đề thuộc về tâm sinh lý, độ tuổi và văn hóa ứng xử phù hợp với trẻ em.
Dĩ nhiên, điều kiện tiện nghi hiện đại luôn giúp cho phòng của trẻ ngày nay tiện nghi hơn trước khá nhiều, lung linh sắc màu hơn, trẻ thỏa sức bày biện và trang trí theo ý riêng nhiều hơn. Nhưng tiện nghi cao không có nghĩa là bỏ qua các nguyên tắc cơ bản, đồng thời tuân theo quy luật tâm sinh lý của trẻ và đáp ứng tốt các nhu cầu sinh hoạt của cả gia đình, mà quy luật “từ Giản Dịch tới Biến Dịch” là yếu tố xuyên suốt cần lưu tâm.
Đơn giản để an toàn, thuận tự nhiên
Trẻ còn nhỏ hay thích ngủ gần ba mẹ, càng lớn càng tách ra dần dần, do vậy mà văn hóa Tây phương xem trọng tư duy phân tách luôn khuyến khích, phổ biến kiểu làm nhà có phòng riêng để trẻ tự lập từ sớm. Điều kiện xã hội Việt Nam có thể chưa áp dụng hoàn toàn kiểu nhà chia phòng biệt lập như vậy, nhưng cũng cần từ đầu định vị phong thủy phòng trẻ theo độ tuổi, giới tính, kết nối trong gia đình và mức độ đầu tư. Dù là phòng riêng hay chỉ là một góc trong phòng chung thì chắc chắn chỗ sinh hoạt của trẻ cần được ưu tiên đặt tại vùng nhận được nắng gió tốt, giảm các tác động xấu từ bên ngoài vào, cụ thể là các hướng vòng từ đông qua gần tây nam để đón nắng buổi sáng và trưa, tránh nắng gắt chiều, tránh gió lạnh. Những ưu tiên này nhằm đảm bảo sức khỏe thể chất, giảm tác động xấu của khí hậu và tăng cường tương tác với bối cảnh tự nhiên, thay vì cứ “nhốt” trẻ trong điều hòa không khí giữa bốn bức tường.
Một số khuyến cáo phòng trẻ em nên lưu ý các yếu tố sau:
– Tránh nằm bên trên, nằm trước hoặc ngay cạnh không gian phòng thờ, bàn thờ để hạn chế việc chạy nhảy nô đùa của trẻ ảnh hưởng đến tính trang nghiêm. Nếu hiện trạng đã cố định không thể xoay xở được, thì phải thiết kế khu vực bàn thờ tách biệt chỗ trẻ hay sinh hoạt bằng tủ kệ, hoặc là dạng bàn thờ gắn trên cao, ngoài tầm với của trẻ.
– Không nên sát bên bếp, hoặc khi trẻ đi vào phòng phải băng qua bếp. Trường hợp căn hộ có diện tích nhỏ không thể né được thì chỗ bếp nấu cần có tủ ngăn (dạng quầy bar) để giữ an toàn hơn cho trẻ khi còn nhỏ.
– Tránh mở cửa sổ xuống khoảng thông tầng, giếng trời, đề phòng trẻ nghịch ngợm, làm rớt đồ. Tốt hơn là làm hệ khung bảo vệ, hoặc cửa lưới cho các vị trí mở cửa sổ của phòng trẻ thông ra bên ngoài.
– Trường hợp nhà chỉ có một phòng sinh hoạt chung cho cả người lớn lẫn trẻ em thì nên xem xét sử dụng đồ đạc cơ động, khi cần dẹp gọn để có chỗ cho trẻ “vẫy vùng”. Cấu trúc phòng tránh tối đa ngóc ngách, thay đổi cao độ nhiều nấc, hay có cột, hệ cửa phức tạp (như cửa lùa, cửa xếp hoặc cửa kính trong suốt mà không dán lớp phủ an toàn).

 

Biến đổi linh hoạt nhờ tương tác tốt
Luận theo Dịch học thì làm nhà cho đơn giản chính là tự nhiên, là “thiên nhân hợp nhất”. Giản Dịch chính là trở về với các bài trí không gian đơn giản mang tính chất phác, không bị hỗn tạp, bắt chước khiên cưỡng, hợp với bản chất trẻ vốn vô tư thơ ngây, “nhân chi sơ tính bản thiện” là thuận tự nhiên. Điều này giải thích vì sao nhà xưa “không làm mà vẫn như có làm” không gian cho trẻ, bởi toàn bộ ngôi nhà, mảnh vườn, đường làng, ngõ xóm, cánh đồng, bờ sông… đều là sân chơi của trẻ. Trí tưởng tượng qua tiếp xúc tự nhiên, qua trò chơi dân gian với bạn bè, qua công việc ruộng vườn gắn cùng gia đình giúp trẻ trưởng thành trong môi trường chưa bị ô nhiễm, đô thị hóa và các tác động công nghiệp. Thời nay bối cảnh tự nhiên và xã hội đã đổi khác, nên bắt buộc phải biến đổi không gian riêng tại nhà cho tương hợp mà vẫn thuận lẽ tự nhiên.
Mặt khác, sự phát triển của con người cũng cần tuân theo các quy luật phát triển, như cái cây dần lớn lên, đơm hoa kết trái… chứ không thể mãi là cây non. Tính tương tác với không gian chung quanh, co giãn linh hoạt chính là đặc trưng của không gian trẻ em: hướng về ánh sáng, dựa vào sự trôi chảy tự do, lan truyền năng lượng tích cực, tươi vui, sôi động và hạn chế những máy móc thiết bị điện tử, kim loại, trong khi vẫn cần “bám vững” trên nền tảng phẳng phiu, ổn định, an toàn.
Khả năng tương tác trong phòng trẻ còn thể hiện được mức độ co giãn khi trẻ “chuyển trạng thái”, lúc vui đùa – lúc nghỉ ngơi – lúc học tập… Đồ nội thất đa năng, đó là chọn lựa phù hợp, vừa cần có kết cấu khung xương vững chãi và bo tròn, lót mềm để tránh gây nguy hiểm, vừa cần khả năng cơ động để có thể mở rộng, thay đổi kích cỡ theo phát triển của trẻ (ví dụ các loại bàn học, tủ sách… có thể tăng giảm độ cao, ráp thêm khối mới vào). Chất liệu chính của vật dụng nên là gỗ hợp với tính chất chăm sóc, che chở, êm ái; nên hạn chế đồ đạc thiết bị có nhiều từ tính hoặc nếu phải sử dụng thì nên dùng nhựa, vải bọc phần khung kim loại để tránh gây va chạm cho trẻ.
Cần hiểu quan niệm tiện nghi cho phòng trẻ nằm ở hệ thống kỹ thuật sao cho phòng trẻ thật thông suốt, dễ xử lý, tiện dụng, không gây nguy hiểm (như hệ thống công tắc, ổ cắm điện ngoài tầm nghịch ngợm của trẻ, phải có nắp chụp, thiết kế chọn loại chống nước…). Về không gian nội thất, phòng trẻ cần giảm thiểu các phô bày ý tưởng độc lạ, mạo hiểm hoặc phức tạp vì phòng tại nhà riêng khác với vườn chơi nơi công cộng. Ví dụ, phòng chơi trong nhà văn hóa thiếu nhi có thể làm ống trượt, bạt nhún, đu dây mạo hiểm… nhưng ở nhà riêng thì các thiết bị này cần bảo trì, kiểm tra an toàn thường xuyên. Ví dụ khác: phòng vệ sinh cho người lớn có thể dùng vách kính trong suốt, gắn gương mảng lớn, nhưng phòng vệ sinh cho trẻ em thì tránh dùng gương hay kính nhiều dễ gây ảo giác, không an toàn đối với trẻ. Hệ thống đèn chiếu sáng cũng cần tránh phức tạp rối mắt, không pha trộn quá nhiều kiểu đèn. Các loại đèn chùm, đèn rọi ánh sáng gắt, đèn hắt nhiều tầng nấc… nếu muốn dùng thì nên cân nhắc kỹ vì có thể không phù hợp với tâm sinh lý và thị giác của trẻ, gây phức tạp cho quá trình sử dụng, bảo trì, hoặc khiến trẻ bật tắt nhiều dễ gây hư hỏng, lãng phí.
Nên chọn tranh ảnh, màu sắc trang trí không gian dành cho trẻ theo đặc trưng lứa tuổi và tâm sinh lý. Cụ thể phòng các bé trai nghiêng về gam màu xanh biển, xanh lá cây, hay đỏ và cam. Trong khi phòng các bé gái thì theo nhóm màu hồng, tím, vàng chanh, xanh lá mạ hoặc xanh ngọc… Từ gam màu được chọn sẽ suy ra các loại thảm, phụ kiện, vật trang trí bằng vải hoặc gỗ… cần có sự đồng bộ về gam màu và tránh tình trạng dùng màu “xanh xanh đỏ đỏ” quá nhiều trong phòng trẻ. Việc cha mẹ chọn lựa màu sắc, vật dụng hài hòa, khoa học, văn minh cũng là cách giáo dục óc sáng tạo, khiếu thẩm mỹ cho trẻ từ khi còn bé.

  

Tính toán đúng các phần cứng (hệ thống điện, đèn chiếu sang) cũng như phần mềm (tủ đồ cơ động, thảm sàn) giúp phòng trẻ ngăn nắp, tiện dụng và an toàn hơnDù biến đổi hình khối, thay đổi cao độ… nhưng luôn cần ưu tiên yếu tố an toàn và đầy đủ dương quang (ánh sáng mặt trời), đảm bảo sinh khí cho căn phòng
 
Dù là nơi công cộng hay nhà riêng, yếu tố thoáng đãng, gần gũi thiên nhiên và an toàn luôn là những tiêu chí hàng đầu tại không gian cho trẻ.
Theo Tác giả: Bài ThS. KTS HÀ ANH TUẤN ảnh KHÁNH PHƯƠNG
TC Kiến Trúc & Đời Sống số 181
https://ktds.vn/phong-tre-em-don-gian-va-bien-doi
Bệnh viện Hạnh Phúc