Chàm là một bệnh về da vô cùng phổ biến trên trẻ em. Tuy không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng vô cùng phiền hà, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và cả cha mẹ.
Bệnh chàm có thực sự nguy hiểm?
Chàm là một bệnh về da vô cùng phổ biến trên trẻ em. Khoảng 18% trẻ em mắc bệnh này, nghĩa là 5 bé thì có 1 bé mắc bệnh. Trẻ bị chàm thường có làn da khô, nứt nẻ, viêm đỏ, luôn ngứa ngáy khó chịu, dễ mắc các bệnh khác về da, nhất là nhiễm trùng, vì mất lớp bảo vệ bên ngoài là làn da khoẻ mạnh.
Chàm không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng vô cùng phiền hà, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và cả cha mẹ. Nghiên cứu cho thấy cha mẹ của trẻ bị chàm có tỷ lệ bị lo âu, trầm cảm, mất ngủ cao hơn người khác. Huống gì người bị bệnh thì còn khó chịu đến cỡ nào.
Chàm vô cùng dai dẳng và khó điều trị vì cần nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Chàm không có thuốc trị dứt điểm và hay tái đi tái lại.
Phòng ngừa được không?
Có nhiều nghiên cứu đã và đang được thực hiện về vấn đề này, hiện nay chàm có thể phòng ngừa bằng các biện pháp sau đây:
Giữ ẩm da sớm.
Có hai nghiên cứu đã được thực hiện, cho thấy dùng kem giữ ẩm da 1-2 lần mỗi ngày cho bé ngay sau sinh sẽ làm giảm tần suất bệnh chàm lúc 6 tháng tuổi trên những trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao.
Một nghiên cứu khác cho thấy biện pháp này còn có thể phòng ngừa dị ứng thức ăn ở trẻ em.
Về chi phí, thì nghiên cứu chỉ ra dùng Petrolium Jelly là rẻ nhất mà vẫn có hiệu quả phòng ngừa tốt.
- Tiếp xúc sớm
Nếu cha mẹ có bệnh dị ứng hoặc chàm:
- Tiếp xúc với chó mèo trước sinh qua cha mẹ và cho ăn yogurt sớm trong năm đầu đời có tác dụng phòng ngừa loại chàm sớm và nặng.
- Bú sữa mẹ ít nhất 4 tháng có tác dụng phòng ngừa chàm, bú sữa mẹ lâu hơn 4 tháng còn có tác dụng ngừa bệnh hen suyễn
- Kiêng cữ thức ăn (gồm cả đậu phộng) cũng không làm giảm chàm và dị ứng, mà ngược lại còn làm tăng nguy cơ dị ứng.
- Các nghiên cứu về men tiêu hoá, men tổng hợp vẫn đang được tiến hành.
- Tránh tác nhân gây kích ứng
Bệnh nhân chàm luôn có nỗi sợ sai lầm là dị ứng da làm khởi phát chàm hay làm nặng hơn. Thực ra viêm da tiếp xúc do dị ứng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, thường nhất là do nickle và neosporin. Nickle là kim loại hay gặp trong vật dụng hàng ngày, còn neosporin là loại kháng sinh rất thông dụng trong các thuốc bôi trên da chống nhiễm trùng.
Còn lại phần lớn là viêm da do kích ứng (irritant) hơn là dị ứng thực sự. Các tác nhân hay gặp là các chất được dùng hàng ngày trên da như nước hoa, dung dịch chứa cồn, chất bảo quản và lanolin trong xà phòng, sữa tắm, bột giặt, giấy chùi cho trẻ em, kem trị hâm tã, lotions… Các tác nhân này khi dùng trên bệnh nhân chàm có thể làm bệnh nặng hơn do gây phản ứng kích thích lên làn da vốn đã tổn thương từ trước.
Cho nên phải luôn dùng sản phẩm không gây kích ứng (hypoallergenic), không chứa cồn, nước hoa, không mùi cho trẻ mắc bệnh chàm.
Tóm lại phòng ngừa chàm bằng cách giữ ẩm da từ rất sớm, bú sữa mẹ nếu có thể, giới thiệu thức ăn sớm, tránh tác nhân gây kích ứng da. |
BS Nhi khoa Trương Hoàng Hưng
Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn