“Dẫu chiến tranh qua đi nhưng những ám ảnh của con người vẫn còn ở lại. Vì thế, các bạn trẻ cũng đừng quá vô tư để việc hâm mộ phim ảnh biến thành những hành vi thiếu cân nhắc, trở thành sự vô tâm trước nỗi đau của không ít thế hệ đi trước” – PGS.TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ.

‘Phát cuồng’ Hậu duệ mặt trời: Giới trẻ quá vô tâm?!

Chia sẻ với PetroTimes xung quanh việc một bộ phận giới trẻ cuồng vì Hậu duệ mặt trời, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng: không chỉ với Hậu duệ mặt trời, việc một số bạn trẻ phát cuồng với hình tượng, nhân vật trong một bộ phim nào đó là sự thật và vấn đề này nên được nhìn nhận nhẹ nhàng, đúng bản chất chứ không nên suy luận hay làm cho nó trầm trọng.

Ở góc độ tâm lý, PGS Sơn nhận xét sự cuồng đó chỉ là cảm xúc, là xu hướng, mà đã như thế thì chắc chắn sau một thời gian rồi mọi thứ cũng sẽ cân bằng.

“Tuy nhiên, với những hành vi thần tượng thái quá như hôn lên ghế thần tượng ngồi, khóc lóc sướt mướt, ghép ảnh mình vào nhân vật thần tượng trên phim… thì cần được tiết chế. Vì chúng ta cũng cần kiểm soát mình trong một chừng mức dù hành vi đó có mang tính chủ thể đi nữa”, PGS Sơn cho biết.

phat cuong hau due mat troi gioi tre qua vo tam
Cảnh trong phim “Hậu duệ của mặt trời”

Về việc dư luận lên án một bộ phận khán giả thần tượng hóa tấm áo lính Hàn trong phim Hậu duệ Mặt trời, PGS Huỳnh Văn Sơn lại có một cái nhìn nhẹ nhàng hơn rằng, đó chỉ là sự vô tư của người trẻ và không nên lấy lịch sử ra để làm căng thẳng mọi chuyện.

Theo ông Sơn, “lịch sử đã tồn tại và chúng ta cần chấp nhận những sự thật của quá khứ. Nhưng cũng đừng quá căng thẳng mọi chuyện. Việc thần tượng hay ủng hộ của nhiều khán giả trong đó có các khán giả trẻ về hình ảnh chiếc áo lính hay người Hàn thì đã sao? Tôi nghĩ, họ chẳng phải thờ ơ hay phản quốc gì cả mà họ chỉ nhìn hình ảnh đó như một sản phẩm giải trí và vì họ không hề biết về lịch sử đó”.

Phân tích sâu hơn về góc độ tâm lý xung quanh sự thần tượng tấm áo lính Hàn, ông Sơn cho rằng, những tình tiết hay tư tưởng trong phim không quá liên đới với lịch sử quá khứ thì người lớn cũng không nên lấy biểu tượng hay hình ảnh đó để ám ảnh một cảm xúc, một cảm nhận thậm chí là suy nghĩ lên nhiều bạn trẻ.

Tuy nhiên, PGS Sơn cũng thừa nhận việc cảnh tỉnh các bạn trẻ trong trường hợp này là đặc biệt cần thiết. “Một số bạn cũng nên cân nhắc hành vi của mình chứ không thể quá vô tư. Chiến tranh qua đi nhưng những ám ảnh của con người vẫn còn ở lại, nó khó có thể xóa nhòa mất mát dù ta và họ đều muốn.

Vì thế, các bạn trẻ cũng đừng quá vô tư để việc hâm mộ phim ảnh biến thành những hành vi thiếu cân nhắc, trở thành sự vô tâm trước nỗi đau của không ít thế hệ đi trước. Một chút tỉnh táo, cảm thông, vấn đề sẽ không là gì cả khi sự khó chịu trong mỗi người sẽ không có cơ hội khoét sâu…”, ông nói.

L.T (ghi)/ Petrotimes.vn

http://petrotimes.vn/phat-cuong-hau-due-mat-troi-gioi-tre-qua-vo-tam-403606.html

 

Bệnh viện Hạnh Phúc