(Phunuhiendai.vn) – Trong khi vật liệu nhựa rất cần thiết cho xã hội, ô nhiễm từ nhựa đang là thách thức nghiêm trọng trên toàn thế giới, và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Nhằm giải quyết vấn đề này, giảng viên Đại học RMIT Tiến sĩ Burkhard Schrage chia sẻ một số giải pháp sáng tạo đúc kết từ ý kiến các chuyên gia tham dự diễn đàn do RMIT tổ chức gần đây.
Việt Nam ước tính thải ra hơn 1,8 triệu tấn chất thải nhựa mỗi năm, chỉ 27% trong số đó được tái chế. Mức tiêu thụ nhựa bình quân đầu người ở Việt Nam đã tăng hơn 10 lần từ 3,8 kg/người năm 1990 lên 41,3 kg/người năm 2018. Rác thải nhựa có thể được nhìn thấy khắp nơi, từ thành phố đến bờ biển, sông ngòi và ruộng lúa.
Kinh tế tuần hoàn: hướng phát triển bền vững
Tại Diễn đàn Thành phố thông minh và bền vững 2021 do Đại học RMIT tổ chức gần đây, các chuyên gia đã chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về cách giải quyết vấn đề cấp bách trong việc giảm thiểu ô nhiễm nhựa, cũng như hậu quả mà vấn nạn này đem đến cho môi trường và sức khỏe con người.
Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, một trong các chuyên gia phát biểu tại diễn đàn và là một trong những sáng lập viên các khu bảo tồn ở Việt Nam, đã trình bày một số yếu tố quan trọng đem đến thành công cho Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm tại Hội An.
Là Quản lý Dự án khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh cho biết việc giáo dục người dân về các biện pháp thực hiện tốt nhất và lợi ích của việc tái chế chất thải là chìa khóa để có được nền kinh tế tuần hoàn. Theo đó, nhựa hoặc các chất thải khác sẽ tham gia vào chu kỳ kinh doanh như những sản phẩm có giá trị.
Lý tưởng nhất là nông dân, các hộ gia đình và cộng đồng sẽ có thể vừa tăng lợi nhuận vừa giảm thiểu tác hại đến môi trường thông qua “quy trình nâng cao giá trị cho đồ tái chế”. Điều này giải thích vì sao tổ chức của ông tích cực tham gia vào việc đào tạo cộng đồng, đi đến các trường học và các tổ chức khác để chia sẻ về những công cụ hỗ trợ cũng như cách tái chế tốt nhất.
Các chuyên gia đã chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về cách giải quyết vấn đề cấp bách trong việc giảm thiểu ô nhiễm nhựa tại Diễn đàn Thành phố thông minh và bền vững 2021 do Đại học RMIT tổ chức gần đây.
Ông Jan Zellman, đồng sáng lập doanh nghiệp xã hội ReForm Plastic, đã chứng minh rằng việc thu gom rác thải nhựa, tạo ra sản phẩm mới và thu lợi nhuận từ đó là hoàn toàn khả thi.
Cũng như Tiến sĩ Trinh, ông Zellman nhấn mạnh rằng việc quản lý và tái chế chất thải chỉ có thể thành công khi nhận được sự đồng tình tham gia của các bên liên quan như cộng đồng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Điều quan trọng là phải xác định trách nhiệm của từng bên và quy trách nhiệm thực hiện cho họ để có được quy trình bền vững hơn.
Thành công của việc tái chế ngay cả nhựa có giá trị thấp cũng được nhắc lại bởi ông Anssi Mikola, nhà sáng lập River Recycles và là một trong những diễn giả tham gia diễn đàn.
Ông Mikola cho biết River Recycles thu gom chất thải từ những con sông ô nhiễm nhất thế giới và thông qua quá trình nhiệt phân để biến chất thải nhựa thành các sản phẩm mới có thể tạo ra lợi nhuận.
Tái sử dụng hoặc không sử dụng nhựa bất cứ khi nào có thể
Mặc dù hiện đã có những công nghệ cho phép tái chế nhựa và tạo ra lợi nhuận, nhưng các chuyên gia tại diễn đàn đều nhất trí rằng cách tốt nhất để giảm ô nhiễm nhựa là không sử dụng nhựa bất cứ khi nào có thể hoặc tái sử dụng chúng.
Ông Andy Kimpton, Giám đốc vận hành Đại học RMIT Việt Nam, đã chia sẻ một số biện pháp giúp giảm sử dụng nhựa thành công trong khuôn viên trường. Đại học RMIT cam kết đẩy mạnh thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc nên việc giảm thiểu tác động môi trường là nền tảng chiến lược quan trọng của nhà trường.
Đại học RMIT Việt Nam đã chia sẻ môt số biện pháp giảm tác động đối với môi trường trong đó có việc phân loại chất thải chặt chẽ theo nhóm riêng biệt để có thể tái chế dễ dàng hơn.
Ông Kimpton đã chia sẻ một số biện pháp thiết thực trong việc giảm sử dụng nhựa, cũng như giảm bớt tác động môi trường cho bất kỳ tổ chức nào. Theo ông, điều kiện cần thiết để thành công là đội ngũ lãnh đạo phải song hành và sẵn sàng giảm rác thải nhựa.
Đại học RMIT Việt Nam đã thành lập “ban phát triển bền vững” gồm nhiều bên liên quan trong trường, trong đó có cán bộ giảng viên và sinh viên cùng bàn thảo đề xuất biện pháp thực hiện. Kết quả, nhà trường đã thực hiện một số giải pháp trong đó có việc cấm sử dụng toàn bộ các sản phẩm nhựa sử dụng một lần từ năm 2022, chẳng hạn như không sử dụng nĩa hoặc đĩa nhựa ở các quầy hàng hay nước uống đóng chai trong phòng họp, cũng như phân loại rác thải chặt chẽ theo nhóm riêng biệt để có thể tái chế dễ dàng hơn.
Nhìn chung, phiên thảo luận từ hội thảo cho thấy khi chủ doanh nghiệp và lãnh đạo cộng đồng nhìn nhận lại quy trình và công cụ quản lý hiện có, chúng ta sẽ có thể tìm ra giải pháp cho một tương lai tươi sáng hơn, ít gây hại hơn lên môi trường và sức khỏe con người. Cách mới để sử dụng nguồn nước và hàng tiêu dùng nhanh, các cách mới để tái chế chất thải, các phương thức tiếp cận khác nhau để quản lý các bên liên quan, và suy ngẫm lại tận gốc rễ trách nhiệm của các công ty và tổ chức có lẽ là những hạng mục quan trọng nhất trong chương trình hành động của các trường phổ thông, đại học và doanh nghiệp.
(Tiến sĩ Burkhard Schrage, Chủ nhiệm bộ môn cấp cao, Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT)
*Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media