Cúc T, một nữ MC, BTV, YouTuber và là tác giả trẻ của cuốn sách “Sống như bạn đang ở sân bay”, từng gây “dậy sóng” với quan điểm mới mẻ trong triết lý sống.

Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Cúc T là gương mặt xứng với danh hiệu “con nhà người ta” bởi thành tích học tập xuất sắc khi trở thành thủ khoa cả đầu vào lẫn đầu ra của khoa Báo chí và Truyền thông (trường ĐH KHXH&NV-ĐHQG TP.HCM). Song, nhìn lại chặng đường đã qua, Hạnh phúc mới là một “sự nghiệp” lâu dài mà chị theo đuổi. Chị đã dành cho Mực Tím Online cuộc trao đổi về chủ đề này.

Nữ tác giả Cúc T đang chia sẻ về quyết định của bản thân

Chị từng chia sẻ rằng sau khi tốt nghiệp cao học, chị trải qua nhiều công việc trong lĩnh vực truyền thông nhưng chỉ theo đuổi “sự nghiệp” duy nhất là Hạnh phúc. Vậy, nguyên nhân nào dẫn đến quyết định chọn “hạnh phúc”?

Thật ra, tôi có một vài sự cố, va vấp trong đời sống cá nhân. Hiện tại, tôi cảm thấy rất cảm ơn giai đoạn đó. Tôi từng sống một cuộc đời mà mình không biết mình muốn gì, chưa bao giờ mình tự hỏi rằng những thứ đó có mang lại cảm giác hạnh phúc hay không. Tôi chỉ theo đuổi những thứ trong xã hội người ta thường theo đuổi như công việc tốt, lấy chồng có con, gia đình hạnh phúc, các mối quan hệ xã hội. Sau đó, tôi mới nhận thấy tất cả những nỗ lực không ngừng nghỉ kia chính là những thứ mà xã hội áp đặt cho mình. Điều thực sự quan trọng mới là cảm giác hạnh phúc của bản thân.
Tôi quyết định theo đuổi hạnh phúc vì cảm thấy đó là thứ vô cùng quý giá. Nếu muốn có một công việc tốt, hãy chăm chỉ học tập. Công việc, kiến thức, hoặc nhan sắc là những thứ nếu cố gắng sẽ đạt được. Hạnh phúc thì ngược lại. Đối với tôi, hạnh phúc là cái gì đó hơi khó. Nhiều người có được một công việc tốt không đồng nghĩa với việc họ đang cảm thấy hạnh phúc.

Bằng kinh nghiệm theo đuổi sự hạnh phúc của chị, định nghĩa về hạnh phúc đã thay đổi như thế nào theo thời gian?

Tôi đồng ý định nghĩa về hạnh phúc của mỗi người là khác nhau. Theo cá nhân tôi, hạnh phúc là cảm giác hài lòng với những thứ mình đang có ở hiện tại. Tôi không chờ đến một giây phút nào đó, ví dụ như có 2 căn nhà, 3 chiếc xe mới thấy vui, hài lòng. Nếu là Cúc của ngày trước, tôi đã đặt ra mục tiêu như vậy mà không đạt được, chắc tôi rất đau khổ, than thân trách phận nhưng bây giờ thì không. Sau một thời gian, tôi phát hiện và chấp nhận bản thân mình có những giới hạn. Để chấp nhận được điều đó là cả một quá trình không hề dễ dàng.

Theo chị, đánh đổi để hạnh phúc có phải là cái giá thật đắt hay không? Làm sao để vượt qua được giai đoạn “đánh đổi” trước khi cập bến bờ của hạnh phúc?

Đánh đổi đồng nghĩa với phải trả cái giá thật đắt. Đôi khi, tôi mạnh miệng nói rằng: “Tôi không quan tâm thiên hạ nghĩ cái gì đâu”. Thật ra, tôi vẫn nghĩ về nó và cảm thấy buồn. Tôi thấy nó là cái giá thật đắt, đắt mà đáng, xứng đáng để đánh đổi. Những lúc như vậy, tôi nhắc nhở bản thân: Cái gì thật sự quan trọng đối với mình? Là cảm giác hạnh phúc của bản thân hay là những suy nghĩ của người khác về mình? Khi đã xác định được là cảm giác của bản thân mới là quan trọng thì sẽ vượt qua được quan điểm của người khác.

Cá nhân chị đã đánh đổi những gì để có được hạnh phúc?

Tôi đã đánh đổi nhiều thứ. Một trong những thứ quan trọng nhất có lẽ là đánh đổi hình ảnh cá nhân của mình trong mắt người khác. Nghĩa là mình theo đuổi cái hạnh phúc riêng của mình, mình muốn được tự do cá nhân của mình, mình muốn được làm những cái mình thích. Thế nhưng, cái mình thích, xã hội không thích thì người ta lại lời ra tiếng vào, đánh giá nhiều.

Dưới áp lực của cuộc sống, đã bao giờ chị muốn từ bỏ hay chưa?

Có chứ. Ở thế hệ của tôi luôn được cha mẹ dạy rằng: “Hãy luôn cố gắng”, “Hãy luôn tiến về phía trước”, phải cố gắng đến cuối cùng. Đôi khi tôi nghĩ, tôi ước cha mẹ hoặc nhà trường từng dạy: “Hãy biết từ bỏ khi cần”. Chúng ta không nhất thiết phải theo đuổi một cái gì đó nếu không cảm thấy thực sự hạnh phúc.
Đối với bản thân Cúc, từ bỏ cần nhiều sự cố gắng và mạnh mẽ. Khi bạn theo đuổi, bạn có sự ủng hộ của xã hội, mọi người ủng hộ bạn. Ngược lại, lúc bạn chọn từ bỏ, nhiều khi không có ai ủng hộ. Do đó, tôi cho rằng, từ bỏ cần nhiều sự can đảm hơn là cố gắng. Ở một số trường hợp, từ bỏ là cần thiết. Như tôi có viết trong cuốn sách, có rất nhiều thứ tốt đẹp trong cuộc sống này nhưng mình không nhất thiết phải theo đuổi. Cái gì cũng đẹp, năng lực của mình thì có hạn và thời gian, tâm trí mình cũng có hạn, chỉ nên chọn một vài thứ để theo đuổi mà thôi.

Sau khi đánh đổi và có được hạnh phúc, cần làm gì để tiếp tục giữ “lửa” cho cái hạnh phúc đó?

Để duy trì được hạnh phúc, tôi nghĩ mình cần làm được những gì mà mình muốn làm. Nói cách khác là có được sự tự do cá nhân, tự do thay đổi những thứ mình thích. Ví dụ, mình thích đi du lịch, mình thích được viết lách thì chỉ cần mình đảm bảo mình luôn được đi du lịch, luôn được viết lách, luôn được chia sẻ với mọi người.

Ngày nay, các bạn trẻ vẫn thường đặt ra câu hỏi rằng: “Chọn con tim hay là nghe lý trí”? Theo chị, giữa con tim và lý trí, đâu mới mang lại hạnh phúc thực thụ? Vì sao?

Bản thân tôi trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, tôi chọn con tim. Một khi con tim còn cảm thấy vui, dù khó khăn đến đâu, người ngoài nói cái gì, đều có thể vượt qua được. Nếu đã không thấy vui, mình sẽ không có khả năng vượt qua. Ranh giới giữa vui và hạnh phúc khá mỏng manh nhưng còn vui là còn hạnh phúc.

Suy nghĩ của chị về ý kiến: “Hạnh phúc của một đứa trẻ hướng đến quá trình, còn hạnh phúc của người trưởng thành lại hướng về kết quả”?

Nếu có điểm khác biệt trong hạnh phúc giữa trẻ con và người trưởng thành thì đó là khi mình càng trẻ, mình càng biết cách hạnh phúc với những thứ rất đơn giản. Trong phần đầu tiên của cuốn sách “Sống như thể bạn đang ở sân bay”, tôi có đặt ra câu hỏi: “Bạn kể được bao nhiêu tên diễn viên hài”? Đừng Google, hãy nghĩ trong đầu bạn xem bạn liệt kê ra được bao nhiêu cái tên. Nếu bạn có thể list ra được trên 10 người, xin chúc mừng bạn, không phải biết tên của hơn 10 người diễn viên hài thì cuộc đời bạn có gì đặc biệt mà tôi chỉ tin là một ngày của bạn sẽ có nhiều tiếng cười. Hồi trước, tôi nghĩ rằng dù giải trí, nó vẫn phải mang một giá trị giáo dục, thông tin nào đó chứ không phải chỉ mỗi cười.
Về sau, quan điểm đó đã thay đổi: vui là được rồi mà! Tôi có thể vui và cười thoải mái trong một phút giây nào đó là được. Sao cứ phải đặt ra một cái niềm vui phải thật hàn lâm, sâu sắc? Tôi nhớ lại, lúc tôi còn là một đứa trẻ, niềm vui thật đơn giản. Một đứa trẻ có thể cười tươi khi người khác chọc nhột. Hành động đó dù không có giá trị nào về giáo dục, đứa trẻ đó vẫn thích. Về cơ bản, nó thích như vậy là được rồi.

Cuối cùng, chị hãy chia sẻ thêm cảm hứng cho những người trẻ, đặc biệt là phái nữ, đang kiếm tìm hạnh phúc cho riêng mình?

Cúc khuyến khích chị em hãy mơ mộng. Hãy mơ lớn trong sự nghiệp, hẹn hò. Dùng từ “mơ mộng”, tuy nó xa vời thực tế, là cái người ta nhìn vào cho là hão huyền. Ấy vậy, nếu không “mơ mộng”, mình sẽ không đi xa được. Có thể mình mơ mộng và không làm được. Nhưng không có giấc mơ đó, tôi tin, bạn không bao giờ có thể thực hiện được. Muốn làm gì thì hãy làm đi! Nó có thể sai lầm. Theo tôi, bạn không có cơ hội làm lại nhưng sẽ có cơ hội sửa sai. Khi bạn làm sai, hãy tự tin, dũng cảm rằng mình luôn có cơ hội để sửa.

Sắp tới, nữ tác giả Cúc T. sẽ cho ra sách mới về du lịch đan xen lý tưởng sống. Trước đó, cuốn sách đầu tay “Sống như bạn đang ở sân bay” đã trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất năm 2019 của NXB Tổng hợp TP.HCM bởi góc nhìn mới hiện đại về hạnh phúc và từ bỏ.

HÀ ĐẶNG

Nguồn: Http://teen360.muctim.com.vn/view/Nu_tac_gia_theo_duoi_su_nghiep_mang_ten_Hanh_phuc-59230.html

Bệnh viện Hạnh Phúc