Dù phải thường xuyên nhận rất nhiều lời hăm dọa, thậm chí là bị người nhà của bị cáo lao đến hành hung nhưng luật sư Trần Thị Ngọc Nữ vẫn kiên định với con đường đấu tranh, bảo vệ cho những đứa trẻ bị xâm hại, bạo hành. Người ta gọi bà là “Lá chắn thép” bảo vệ những đứa trẻ bị tổn thương.

Nghe ở đâu có vụ xâm hại trẻ em nhưng nạn nhân không có người bảo vệ, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ lại âm thầm chạy xe máy đi tìm dù địa chỉ khá mông lung. Bất kể ngày đêm, thời tiết có ủng hộ hay không, cơ thể mệt mỏi thế nào, nữ luật sư đã qua tuổi 60 vẫn không chùn bước. Bà quyết tâm “tuyên chiến” đưa những kẻ xâm hại trẻ em ra ánh sáng công lý.

Hẹn gặp luật sư Trần Thị Ngọc Nữ vào dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ, tôi mới cảm nhận hết sự tất bật, năng động của một phụ nữ đã hơn 60 tuổi. Ngồi với tôi, bà liên tục nghe điện thoại, nhiều cộng sự tìm đến trao đổi với bà về các vụ án hay trò chuyện khẩn trương về công tác chuẩn bị cho lễ hội phát động Năm An toàn cho phụ nữ và trẻ em.

Bà cười hiền hậu, mong tôi thông cảm khi chưa thể rút hết “gan ruột” chia sẻ trong khoảng thời gian quá đỗi bận rộn. Thế nhưng, trong chút thời gian ít ỏi ấy, tôi đã kịp hiểu người phụ nữ, “người mẹ” của rất nhiều trẻ em gái bị xâm hại.

Nói về cơ duyên theo đuổi pháp lý miễn phí cho những trẻ em gái bị xâm hại, luật sư Ngọc Nữ chia sẻ: “Tôi quyết định dành nhiều thời gian bảo vệ quyền lợi cho trẻ em xuất phát từ việc nghe, thấy quá nhiều việc trẻ em, đặc biệt là các bé gái bị xâm hại. Trong những lần đi liên hoan cùng bạn bè, tôi không ít lần chứng kiến trẻ em gái ăn xin, bán vé số,… ăn mặc rách rưới, không ai bảo vệ”.

“Trong khi đó, nhiều đàn ông say xỉn, không làm chủ bản thân đến quấy rối tình dục, xâm hại các bé. Chứng kiến những cảnh tượng ấy, tôi rất đau lòng và nghĩ mình phải có trách nhiệm bỏ công sức bảo vệ các bé”, bà nói với ánh mắt đau đáu, xót xa.

Ấp ủ ấy đeo mang bà trong nhiều năm, ngay khi hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM quyết định thành lập chi hội Luật sư để thực hiện công tác bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn, bà đã năng nổ tham gia và được bầu làm Chi hội trưởng. Từ đó, bà cùng với 10 cộng sự là những luật sư, thẩm phán đã nghỉ hưu tình nguyện tham gia vào công tác bảo vệ trẻ em hoàn toàn miễn phí tại các phiên tòa.

Với kiến thức pháp luật, bằng tâm huyết của mình, luật sư Ngọc Nữ và các luật sư trong chi hội Luật sư, hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, đã đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc xâm hại, bạo hành trẻ em, bắt buộc những kẻ thủ ác phải đền tội.

Từ nhiều vụ việc xâm hại trẻ em được phơi bày, số lượng luật sư tình nguyện tham gia chi hội Luật sư ngày càng đông. Đến nay, Chi hội đã có 30 luật sư luôn trong tâm thế sẵn sàng tư vấn, bảo vệ pháp lý miễn phí cho trẻ em. Không chỉ bảo vệ trẻ em tại TP.HCM đúng như chức năng, nhiệm vụ của hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, nhiều lần bà và cộng sự còn tham gia bảo vệ cho trẻ em bị xâm hại đến từ các địa phương khác.

Với bà để đấu tranh, bảo vệ trẻ em, đưa những vụ việc trẻ em bị xâm hại ra ánh sáng không chỉ là mồ hôi mà còn có cả nước mắt. Bởi, bà không chỉ đấu tranh với tội phạm mà còn đối mặt với nhiều vấn đề khác khi “khui” lại những vụ án dường đã “im hơi lặng tiếng”, đã bị đình chỉ.

Bà kể: “Một trong những vụ việc như thế là vụ tôi giúp đỡ thành công cho gia đình bé gái ở tỉnh Cà Mau. Trong vụ việc này, tôi đã bị người nhà của bị cáo hành hung. Vụ này nếu như không có nhật ký của cô bé 13 tuổi để lại trước khi mất, có lẽ, tội ác đã không được phơi bày”.

Theo luật sư Ngọc Nữ, trước đó, gia đình cô bé 13 tuổi đã đến công an tố cáo về việc bé bị một người đàn ông xâm hại tình dục. Tuy nhiên, do không đủ chứng cứ, công an đã đình chỉ vụ án. Sau khi nhận được thông báo đình chỉ vụ án, người mẹ rất đau lòng nhưng phải giấu kín, không cho cô bé biết.

Người mẹ sợ tờ quyết định này sẽ khiến con gái đau lòng, mất niềm tin vào cuộc sống. Nhưng không may, cô bé vô tình kéo ngăn tủ ra lại thấy tờ quyết định. Quá đau đớn, cô bé đã tự sát. Không muốn con gái ra đi vô một cách oan khuất, chị đã lặn lội lên TP.HCM gặp luật sư Ngọc Nữ. Nghe câu chuyện, lòng nữ luật sư đau đớn và thật sự đồng cảm với nỗi đau mà người mẹ đang trải qua. Thế là, bà tìm mọi cách để có thể đưa vụ việc ra ánh sáng.

Bà viết đơn gửi tất cả các cơ quan chức năng nhằm có được sự giúp đỡ nhưng do vụ án đã bị đình chỉ nên gặp không ít khó khăn.

Rất may, trước khi ra đi, cô bé đã để lại những dòng nhật ký. Trong đó, cô bé đã viết: “Nếu sự thật này không được phơi bày, tôi chết không nhắm mắt”. Những dòng chữ ấy đã gây xúc động đến người đọc, thậm chí cả những cán bộ cấp cao của Nhà nước. Do đó, vụ án được khôi phục, điều tra lại.

“Cuối cùng, bằng những bằng chứng không thể chối cãi, kẻ ác phải nhận tội, lãnh án. Tuy nhiên, khi phiên toà vừa kết thúc, tôi bị vợ của bị cáo lao đến hành hung. Bà ấy không tin chồng mình đã làm ra những chuyện như vậy nên phản ứng rất dữ dội. Rất may, tôi không bị đánh trúng nhưng cũng khiến tôi có một phen hoảng sợ. Lần đó, tôi phải trốn ra cửa sau của toà mới về được. Trên đường về, tôi vẫn còn sợ, không dám dừng lại nghỉ chân. Mãi đến TP.Cần Thơ, tôi mới dám dừng để ăn cơm”, bà bàng hoàng nhớ lại.

Một vụ khác, mới đây, vị luật sư này cũng bị người nhà bị cáo hành hung. Bà phải trốn vào nhà vệ sinh của toà án mới thoát thân.

“Đôi lúc tôi cũng thấy sợ nhưng khi bảo vệ được các em, tôi vui lắm, lòng rất thanh thản, nhẹ nhõm. Ngược lại, những vụ tôi không thể giúp vì không đủ chứng cứ,… tôi đau lòng lắm, cứ trăn trở suốt. Nhiều khi nhìn các bé, tôi khóc hồi nào không biết. Bởi, khi nghĩ đến các bé còn quá nhỏ mà phải chịu đựng nỗi đau, nỗi ám ảnh quá lớn về cả thể xác lẫn tinh thần, tôi không chịu nổi”, luật sư Ngọc Nữ nghẹn giọng.

Tham gia nhiều vụ án, nhìn thấy các bé gái bị xâm hại, bà không kiềm được nước mắt. Đau đớn nhất, nạn nhân chịu quá nhiều tổn thương mà chứng cứ lại không có. Lúc đó, bà thấy mình thật nhỏ bé, nội tâm bứt rứt, khôn nguôi.

“Vụ án ở Thủ Đức, TP.HCM, khiến tôi đau lòng không kém. Cháu bé còn quá nhỏ nhưng đã bị bảo vệ của trường xâm hại. Khi người mẹ tố cáo ra pháp luật, các chứng cứ trên cơ thể nạn nhân đã không còn rõ ràng nữa. Do bé quá nhỏ, chứng cứ quá mỏng, yếu, tôi không giúp được gì. Đến bây giờ, tôi vẫn còn day dứt mãi”, luật sư Ngọc Nữ nhớ lại.

Trong những vụ án bà tham gia bảo vệ, không ít vụ khi chứng kiến, người ta không cầm được nước mắt. Bà nhớ vụ anh rể xâm hại em vợ khiến cô sinh con ở quận 8 (TP.HCM). Vụ án không chỉ lấy đi nhiều công sức và nước mắt của bà mà còn rất nhiều người khác xót xa. Cô bé bị hại khi chỉ mới 16 tuổi.

Với vụ án này, thêm một lần nữa, cơ quan CSĐT không khởi tố vụ án bởi không xác định được thời gian và địa điểm gây án.

“Mỗi khi thấy bé gái ấy ôm đứa con nhỏ ở trong căn phòng trọ tuềnh toàng, tôi lại đau đến thắt ruột. Chứng kiến cảnh ấy, tôi tự hứa với mình phải làm cách nào đó, đưa sự thật ra ánh sáng. Thế là, tôi đi khắp huyện Bình Chánh, TP.HCM sang đến quận 8 để cùng cô bé tìm lại địa điểm bé từng bị xâm hại với hy vọng vụ án được khởi tố.

Một lần khác, tôi lại chứng kiến nỗi đau của người cha khi con gái của mình bị xâm hại. Ông ở tỉnh Bình Thuận nhưng đã lặn lội vào TP.HCM tìm tôi giúp đỡ với hy vọng tôi có thể giúp ông và con gái tìm lại công lý. Nghe ông kể cô con gái mới 13 tuổi của ông bị dâm ô, tôi rất đau lòng nên đã nhận lời đến Bình Thuận tìm chứng cứ. Rất may, chúng tôi đã tìm lại phần nào công lý cho cô bé”, luật sư Ngọc Nữ chia sẻ.

Luật sư Ngọc Nữ đăm chiêu rồi chia sẻ tiếp: “Dù biết, không thể nào giúp các nạn nhân của các vụ xâm hại lành được vết thương lòng nhưng tôi hy vọng các bé vơi đi phần nào nỗi ám ảnh khi kẻ đồi bại bị kết án”.

Bà kể, trong các vụ án, Chi hội ra sức phối hợp cùng các cơ quan điều tra làm các thủ tục tố tụng, lấy lời khai và chứng cứ. Xong, trong các vụ bạo hành hay xâm hại trẻ em, chứng cứ rất quan trọng, nhưng hầu như đều gặp quá nhiều khó khăn.

Các nạn nhân đa số còn quá nhỏ, nếu lớn hơn chút thì lại không mạnh dạn, không dám nói ra. Các em bị hăm doạ, sợ gia đình la mắng, sợ bị bạn bè bêu xấu… Đến lúc các em nói được ra nỗi sợ hãi của mình thì hầu như đã muộn. Lúc gia đình biết chuyện và vào cuộc, đi tố cáo kẻ gây hại thì lại không còn đầy đủ chứng cứ.

Tiếp cận vụ việc vào lúc mọi đầu mối đều rơi vào bế tắc, các luật sư của Chị hội phải đi tìm chứng cứ, dù rất khó. “Thực sự, chúng tôi thấy tội nghiệp các bé trong hoàn cảnh này vô cùng. Lúc nào chúng tôi cũng muốn cứu các em, muốn đưa kẻ gây tội ác ra ánh sáng, nhưng không ít vụ việc, chúng tôi đành lực bất tòng tâm, vì thiếu chứng cứ”, nữ luật sư cho biết.

Có thời điểm, Chi hội tiếp nhận gần 100 vụ bạo hành, xâm hại trẻ em, nhưng chỉ xử lý được chừng 10 vụ thành công. Bà nói, đó là nỗi niềm đau lòng, trăn trở cho nghề luật sư. Biết rõ kẻ thủ ác còn kia, mà không giúp được gì cho các em.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho biết thêm: “Nhiều vụ, chúng tôi đề nghị cấp trên, như Công an TP.HCM giúp đỡ. Nếu giải quyết không được, chúng tôi đề nghị tiếp lên bộ Công an, hay Toà án tối cao xem xét lại vụ án. Nhiều vụ việc nhờ vậy đã “lội ngược dòng” thành công”.

Bà tỏ ra lo lắng khi nhiều phụ huynh biết con bị xâm hại mà vẫn im lặng. Họ chưa rõ các vụ xét xử tội danh hiếp dâm, xâm hại trẻ em luôn được xử kín, không nêu rõ tên họ các em, không đưa hình ảnh các em.

Bà biết, sự hiểu biết của người lớn, của cha mẹ còn hạn chế. Nhiều cha mẹ mải lo làm ăn, không gần gũi, theo dõi sát con mình. Nhiều người khi biết chuyện xót con nên lớn tiếng la lối, mắng nhiếc các bé, khiến các bé không dám nói ra, không dám chia sẻ với bố mẹ. Rất nhiều bé không dám nói gì với cha mẹ mình, nhưng khi đến Chi hội luật sư, các bé đã dám kể lại tất cả sự việc.

Theo bà, hiện nay, rất nhiều vụ việc các em nhỏ bị xâm hại tình dục. Điều đau lòng là các nạn nhân bị xâm hại từ chính người thân của mình như cha, chú, ông, dượng,… Nguyên nhân của việc này là do bây giờ, người ta bị ảnh hưởng nhiều từ phim ảnh đồi trụy, thậm chí các loại chất kích thích.

Các bé phát triển bình thường bị xâm hại đã đau lòng, thế nên, trẻ bị khuyết tật bị xâm hại, bà cảm thấy đau đớn hơn gấp bội. Do đó, bà không bao giờ nghĩ mình sẽ ngừng nghỉ việc giúp đỡ các em.

Theo bà, để hạn chế tình trạng xâm hại trẻ em, chúng ta cần phải tuyên truyền pháp luật và hướng dẫn các em nhỏ có ý thức tự phòng vệ ngay từ khi các em ngồi trên ghế nhà trường.

Thế nên, ngoài việc tham gia nhiều vụ án bảo vệ quyền trẻ em thành công, Chi hội còn thực hiện 40 phiên toà giả định tại các trường THCS, tiểu học về bạo lực học đường, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, phòng chống ma tuý, phòng chống tai nạn giao thông… giúp các em học sinh hạn chế, phòng tránh tệ nạn xã hội trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội.

Bà cùng hội viên chi hội thường xuyên đến tận nhà các trẻ em bị bạo lực, xâm hại để tư vấn tâm lý, hỗ trợ về vật chất, hỗ trợ bảo vệ quyền cho các em trong suốt quá trình xét xử.

 

Nguồn: Nguoiduatin.vn

https://www.nguoiduatin.vn/e-chuyen-nghe-dau-xot-cua-nu-luat-su-bao-ve-quyen-loi-cho-cac-be-gai-bi-xam-hai-a425012.html

 

Bệnh viện Hạnh Phúc