Tôi quan sát phụ nữ mình từ cái mốc sau 1945. Vì sao? Trước đó phụ nữ còn chập chờn bởi hai dòng chảy: văn hóa Khổng nho và văn hóa thuộc địa. Khổng nho giữ phụ nữ trong tam tòng tứ đức, vợ như tôi tớ cam chịu cảnh trai năm thê bảy thiếp gái chính chuyên một chồng.
Gần nửa đầu thế kỷ hai mươi, nhiều năm thuộc địa của một đất nước hào quang ánh sáng, phụ nữ được có chữ và việc làm, nữ quyền lần đầu tiên được biết đến và xã hội phần nào xôn xao sinh khí cởi mở, tự do.
Ảnh minh họa |
Công cuộc giành độc lập như cơn lốc, như giấc mơ. Hàng triệu phụ nữ được Bình dân học vụ gieo chữ cho họ. Đi cùng là Cuộc kháng chiến thứ nhất mở ra. Văn hóa đô thị lan tỏa nếp sống nếp nghĩ văn minh về nông thôn. Biển phụ nữ nông dân đầy nội lực háo hức với xã hội chuyển động và họ cũng biến đổi không ngờ. Họ vừa là hậu phương của cuộc kháng chiến qui mô toàn quốc và chính họ cũng là những con ốc, những đinh vít của cái guồng có mục tiêu chung là tự do, thắng lợi và độc lập. Thực sự họ đã biết con người phụ nữ xã hội là như thế nào trong 9 năm dài kháng Pháp. Gánh vác việc nhà, can dự việc nước, vọng phu nhưng đâu chỉ có ngồi đó ôm con. Nhiều phụ nữ trí thức lên chiến khu và những phụ nữ đô thị cũng không ngồi chờ hưởng phúc. Họ biết chọn chính nghĩa để góp phần.
Nhưng rồi đất nước chia cắt. Cuộc chiến thứ hai đặt hầu hết phụ nữ vào những hoàn cảnh thử thách đặc biệt. Sinh con và nuôi con, nhưng đâu chỉ có vậy. Miền Bắc nửa hòa bình nửa chiến tranh, hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn. Phụ nữ thồ trên lưng họ biết bao nhiêu là bổn phận, nghĩa vụ và sứ mệnh. Họ thực sự được giải phóng tâm lý và thân xác để trở thành xã viên, cán bộ, công chức, đủ cả, mọi lĩnh vực, kể cả quân nhân. Miền Nam chiến tuyến nơi mơ hồ nơi rõ rệt nhưng ai là người kháng chiến thì trực tiếp với mạng sống của chính mình mỗi ngày, ai nông dân thì vẫn cứ là chiến binh kín, phân thân, tay cày tay súng theo nghĩa bóng dù khi ấy phải tản cư, chạy giạt. Còn phụ nữ của phía bên kia thì sao, vẫn cứ phụ nữ vọng phu nhưng nuôi con có chữ, nuôi người trưởng thành để cung phụng cho guồng máy chiến tranh. Không chung một mục tiêu như suy cho cùng, vẫn là phụng sự chồng con trong tâm thế chiến tranh nên sự can cường của họ là giống nhau, trùng hợp.
Ngưng chiến. Kết thúc. Phụ nữ góa bụa la liệt. Rất nhiều người bắt đầu số phận nuôi chồng thất trận phải đi cải tạo. Đàn bà cả hai miền chung nhau nỗi niềm chồng chết trận hoặc chồng trở về tàn phế hoặc hội chứng hậu chiến. Những người chưa từng yếu đuối tiếp tục làm chỗ dựa cho những người đàn ông trận mạc đang chùng xuống. Nhưng rồi đã lại chiến tranh ở hai đầu biên địa, bây giờ thì hòa chung nhau ai oán như lời nguyền. Người đi ngoài vạn lý quang sang/ Người đứng chờ trong bóng cô đơn(*). Không ai ngờ mười năm cho một cuộc chiến bất đắc dĩ như thế. Mười năm cách Cuộc chiến thứ hai dài 20 năm ấy chỉ một gang tay. Có hòa bình ở nội địa nhưng không người phụ nữ nào yên lòng khi chồng và con mình ngày đêm sa trường biên cương. Nhìn chân trời xanh biếc bao la/Người mong chờ vẫn nhớ nơi xa (**)
Chúng ta đã thực sự được sống như con dân mọi quốc gia yên ổn từ 1990. Nhưng vẫn cứ là hậu chiến, công cuộc hậu chiến mắc vào nhau như một sợi dây trói dần dà mới được nới ra khi các nước lớn thôi trò cấm vận. Phân khúc các giai đoạn là để thấy chúng ta đã thoát ra, ngoạn mục, thần kỳ như thế nào. Có là trong cuộc mới biết vì sao người Việt tưởng chìm nghỉm, chết gí, nhưng người Việt đã ngoi lên, thở được, sống được, tăng trưởng, khó tin, diệu kỳ.
Ảnh minh họa |
Đàn ông không dám tranh công với vai trò ngang ngửa, thậm chí lấn át của phụ nữ trong suốt chiều dài hơn nửa thế kỷ qua. Bạn bè thế giới của chúng tôi ngạc nhiên thực lòng sao được như vậy, sao phụ nữ Việt Nam can cường, giỏi giang, khoan hòa, vị tha, như vậy? Lý giải chắc phải những công trình đồ sộ. Vì sao ư? Nói nhanh, vì Hai Bà Trưng bắt đầu lịch sử chống ngoại xâm và đã chiến thắng, từ ấy phụ nữ Việt Nam không chịu ngồi yên khi sơn hà nguy biến. Như thế phụ nữ chỉ giỏi đánh đấm sao? Không, không, thế mới kỳ lạ.
Bắt đầu từ cốt cách bạn ạ. Hãy nhìn cuộc sống hàng ngày của chúng tôi trên đường phố, trên đồng ruộng, trên những dòng sông và trong những ngôi nhà bạn sẽ thấy người phụ nữ lộ diện, mạnh mẽ, không nề hà, không trốn tránh, không ngồi chờ. Phụ nữ làm được hết những việc của đàn ông. Đã vậy, khi về đến nhà, khi xắn tay áo với cái bếp của họ, mọi sự thoăn thoắt, tay làm miệng nói, chồng ơi con ơi, nào nào, ngồi vào bàn đi, ngon không, tắm chưa, tắm chứ, ngủ đi, ngủ để còn sức. Và người phụ nữ không bao giờ ngủ trước chồng con khi cái bếp của họ chưa ngăn nắp.
Nhờ đâu mà họ có đủ đảm lược, đủ kiên nhẫn, đủ bao dung để làm được như vậy? Phụ nữ Tàu, phụ nữ Nhật, phụ nữ Hàn cũng văn hóa gốc của Trung Hoa mà ra, họ cũng đầy đủ những phẩm chất về nết na như phụ nữ Việt kia mà? Không, bạn ạ, chiến tranh ở những nước ấy ngắn, phụ nữ của họ không chịu đựng và mất mát bằng chúng tôi đâu. Không nơi nào trên thế giới này mà địa chính trị lại khiến chúng tôi tham chiến dài như thế, bị những cường quốc xếp những ván cờ đau thương như thế. Và đó là sự trui rèn mà khi đã thành thép chúng tôi vẫn không hay mình là thép. Mãi rồi nó thành nết sống, thành phản xạ và thành văn hóa của phụ nữ chúng tôi bạn ạ. Vì vậy chúng tôi vẫn là những chiến binh trên đường đua của dân tộc mình. Những chiến binh bẩm sinh, gan góc, mạnh mẽ, dấn thân và là chỗ dựa không gì vững chãi hơn cho những người đàn ông của mình.
(*)(**) Ca từ của ca khúc Hòn Vọng Phu.