– Là một nghệ sĩ kỳ cựu của sân khấu cải lương, bà nhận thấy tình hình nghệ thuật cải lương Việt Nam hiện nay như thế nào?
– Cải lương hiện nay vẫn tiếp tục sinh tồn như chính bản chất của loại hình, vừa có tính chọn lọc để dung nạp những âm sắc, ca từ mới, vừa chứng tỏ tính thích nghi với hoàn cảnh. Một bản trình diễn tân cổ hiện nay, đã được tính toán, xử lý để phù hợp với tâm lý, sở thích, nhu cầu của người thưởng ngoạn; cải lương cũng là loại hình sân khấu cổ truyền hiếm hoi xuất hiện và ngự trị trong hầu hết các chương trình của gameshow, truyền hình thực tế.
Bản thân cải lương cũng chiếm ngự một vị thế đĩnh đạc trên các kênh giải trí, các nền tảng thiết bị công nghệ. Đó chẳng phải là sự tồn tại, là sức sống của cải lương, nếu như bạn có thể đi tìm một sự diễn đạt khác!
NSND Bạch Tuyết |
– Cho đến bây giờ, điều gì ở bộ môn nghệ thuật cải lương khiến bà trăn trở nhất, sau hơn 50 năm gắn bó?
– Với người nghệ sĩ, nỗi trăn trở lớn nhất, duy nhất của họ là tác phẩm. Tôi không có thói quen ngồi than thở, trách móc những thiếu hụt, bất cập, thậm chí là những méo mó, dị dạng trong một “hình thể” sân khấu vốn dĩ đĩnh ngộ, đẹp đẽ, cao quý. Tôi chỉ chú tâm đi tìm nguồn cảm hứng từ những kịch bản sân khấu, nếu ít ỏi, khan hiếm thì tôi đi tìm trong kịch bản văn học, trong tác phẩm văn học, cổ điển lẫn đương đại; thậm chí đi ngỏ lời… hỏi han các tác giả để cùng họ khơi mào sáng tác. Để rồi nối tiếp những trở trăn cùng các nhạc sĩ, họa sĩ, đạo diễn, diễn viên. Bao giờ cũng thế, quá trình sáng tạo để thành một tác phẩm cũng là sự trăn trở hạnh phúc nhất.
Nếu còn lại điều gì để tôi… khó ngủ thì chính là làm sao những thành quả sáng tạo trên sẽ được tiếp thị và trao tận tay khán giả một cách đàng hoàng, văn minh và trọn vẹn nhất. Ấy là một nhà hát biểu diễn nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp, là không gian nghệ thuật mà thật sự đến giờ vẫn chỉ là… trong mơ!
– Nhiều người cho rằng, nghệ sĩ cải lương trẻ hiện nay đang gặp phải những khó khăn như không có nhiều địa điểm để biểu diễn, hay việc “cách tân” giọng hát khiến khán giả ít nhiều không còn mặn mà; cộng với việc xã hội hiện đại, các thể loại nhạc trẻ, tân nhạc lên ngôi làm cho cải lương đang dần bị lãng quên… bà nói gì về suy nghĩ này?
– Về vấn đề địa điểm biểu diễn thì tôi đồng ý, còn lại là sự nhầm lẫn. Thời nào thì cũng phải xuất phát từ nền tảng kỹ thuật ca diễn bài bản rồi mới đến tính cảm thụ, đường dây sáng tạo và cảm xúc thăng hoa để cuối cùng tạo nên tác phẩm. Cải lương là sự hòa trộn giữa yếu tố truyền thống và tính thích nghi của đời sống hiện đại, nó cho phép dung nạp các loại hình nghệ thuật đương đại với sự tính toán, chọn lọc tinh tế. Trừ phi, bạn cẩu thả, tùy tiện, thiếu căn bản thì mọi sự quy nạp đều là hổ lốn, không riêng gì trong nghệ thuật.
Do đó, tôi vẫn nói lại, một khi bạn có nền tảng nghề nghiệp, bạn cẩn trọng làm nghề thì trong mọi môi trường biểu diễn, bạn đều thể hiện được chất liệu nghệ thuật.
– Theo bà, nên hay không việc “cách tân” giọng hát trong cải lương Việt Nam ở thời điểm hiện tại?
– Cách tân là một nhân tố, một phẩm chất của nghệ thuật, nó lại là ngọn nguồn mang tính bản chất hình thành của cải lương. Nghĩa của từ, của phong trào “cải lương” xã hội, giáo dục, văn hóa vào đầu thế kỷ XX là mang tính cách tân, đem lại làn gió mới cho xã hội Việt Nam trong tiến trình hiện đại hóa.
Bạn thấy đấy, những mẫu nhân vật như Nguyệt (trong “Tô Ánh Nguyệt”), Lựu (trong “Đời cô Lựu”) đều phảng phất tinh thần của “gái mới”, của hơi hướng Tự lực văn đoàn, của sự du nhập văn học cổ điển Pháp trong tiến trình hoàn thiện chữ quốc ngữ, hiện đại nền quốc văn Việt Nam. Tính chất ấy đến nay vẫn tiếp tục rất cần cho sân khấu cải lương, không chỉ trong nghệ thuật ca diễn mà còn trong kịch bản, dàn dựng, âm nhạc… Nghệ sĩ biểu diễn là người hoàn thiện sau cùng, các bạn diễn viên trẻ, hẳn nhiên phải hiểu và nhận thấy đây là yêu cầu, là nhu cầu của vở diễn, của công chúng, để cùng chung một nhịp cách tân, mang lại một hơi thở mới cho cải lương.
– Người ta thường ví von, đời nghệ sĩ như thân tằm, cả cuộc đời rút ruột nhả tơ làm đẹp cho đời, cho người nhưng cuối cùng bản thân mình lại bị rơi vào một khoảng không của sự cô đơn đến chạnh lòng… bà cảm nhận điều này thế nào khi chính mình cũng là người đã đi qua một đoạn đường dài “nhả tơ” ấy?
– Tôi lại không mặn mà lắm với cái ví von đã trở thành “ kinh điển” ấy, lắm khi, nó đẩy đưa thành một mặc định rất là yếm thế cho đời nghệ sĩ. Hơn nữa, với người làm nghệ thuật, cô đơn là một tài sản, và cái khoảng không mà bạn diễn tả nó là thế giới kỳ diệu mà chỉ có người làm nghệ thuật mới được quyền sống, hít thở trong ấy, thế thì tại sao lại phải hoang mang, sợ hãi, chạnh lòng, thương xót? Tôi không mang theo những cảm xúc hay cảm giác ấy. Tôi sống đời sống của mình, khi lên sân khấu là nghệ sĩ Bạch Tuyết, khi trở về nhà là một người bình thường với cái tên cha mẹ đặt cho.
– Hiện tại, mặc dù đã ở tuổi ngoài 70, cái tuổi mà người ta cần phải nghỉ ngơi, giữ sức khỏe thì bà vẫn dành rất nhiều thời gian cho công việc; bà nghĩ gì với lựa chọn này?
– Sự bận rộn không phải là do bạn cố công mà vì cuộc sống này cần đến bạn và bạn cần đến nó cho nên tôi hạnh phúc vì chuỗi công việc mà mình chọn lọc, sắp xếp, thực hiện. Tôi khỏe và vui khi làm việc. Nghỉ ngơi, thư giãn là một nhịp điệu trong nhịp độ sống của tôi.
– Đi qua bao thăng trầm sóng gió, từ lúc gian nan, vất vả đến thời kỳ vinh quang, rạng rỡ… Bây giờ ngồi nhìn lại, bà có thể gói gọn cuộc đời mình bằng một vài câu như thế nào?
– Tôi là người may mắn, được nhận quá nhiều ân hưởng của cha mẹ, của người thân, của thầy tổ, đồng nghiệp và khán giả. Đôi khi, tôi không tránh khỏi những vụng về, lỗi lầm với chính những người mình yêu thương và yêu thương mình. Và tất cả là một sự không hối tiếc vì ngay cả trong lỗi lầm, tôi vẫn thành thật. Chỉ cần bạn chân thành với chính bản thân và tha nhân, bạn sẽ hạnh phúc và được sống đúng nghĩa.
– Xin cám ơn những chia sẻ của bà!
Theo Xuyến Chi / Petrotimes.vn