Trong một buổi tọa đàm về tâm lí với chủ đề cô lập, nhiều teen đã dũng cảm kể về câu chuyện của mình. Cô lập có thể được xem là khía cạnh của bạo lực học đường. Bước vào lớp với nỗi lo lắng, cô đơn, teen đã rơi vào trạng thái sa sút tinh thần, chuyện học hành cũng bị ảnh hưởng.

BỨC THƯ VỀ NHỮNG NGÀY ÁM ẢNH

Do ngoại hình không được đẹp nên mình khá tự ti, sợ tiếp xúc với người lạ. Mình dồn hết năng lực vào học tập. Có lần, thành tích của mình đứng nhất lớp nên được cô chủ nhiệm bầu làm lớp phó học tập. Chuỗi ngày đầy ám ảnh của mình cũng bắt đầu từ đây. Do sự đố kị của các bạn trong lớp, mình dần bị cô lập. Chuyện đầu tiên mình gặp phải là việc cặp sách bị đổ nước ướt hết. Họ bắt đầu dùng từ ngữ như “thứ mách lẻo”, “bá dơ”, “con mập”… để miệt thị mình. Không biết bao nhiêu lần, mình bị chặn đường và trêu chọc trước mặt bạn bè. Họ lấy mình làm thứ tiêu khiển trong cuộc nói chuyện. Những người không liên quan đến câu chuyện này thì tỏ ra không quen biết mình để đỡ phiền phức. Khi mọi người đều quay lưng, mỗi giờ ra chơi đối với mình là một cực hình.

Những ngày đó mình thực sự cảm thấy cô đơn đến cùng cực và cần tìm đến bác sĩ tâm lí, nhưng khi nói với mẹ thì chỉ nhận lại những câu thế này: Mày bị gì mà để tụi nó bắt nạt, anh hai mày chưa bị vậy bao giờ… Ba mẹ lựa chọn cho mình chuyển lớp nhưng họ không chịu cho chuyển trường nên mình từ chối. Thế là ba mẹ bảo: Mày tự chịu đi. Lúc đó, mình một lần nữa sụp đổ. Mình nhận ra rằng mọi người đều không hiểu, không biết những gì đang diễn ra với mình.

Rơi vào trạng thái trầm cảm lúc nào không hay, điều tiêu cực đầu tiên mình làm là bỏ đói chính mình, sống thờ ơ và vất vưởng. Kinh khủng hơn, đã có lúc mình chọn chuyện rạch tay, làm đau mình bằng thước dây. Từ một học sinh luôn nằm trong top, mình tuột xuống hạng gần cuối lớp. Có lần, khi đang siết chính mình bằng thước dây thì mình nhận được điện thoại một đứa bạn cũ. Nó nghe mình khóc rất nhiều, kể rất nhiều. Bao nhiêu nỗi niềm như vỡ òa ra. Nó khuyên mình nên dừng lại những hành động tiêu cực. Ngay ngày hôm sau, mình xuống phòng tư vấn tâm lí trong trường để tìm cô tư vấn nói chuyện. Cô nắm tay và động viên mình đi ra ngoài, hạn chế ở một mình. Cố gắng lấy lại bình tĩnh, chỉ sau một học kì kết quả học tập của mình đã khả quan hơn nhiều. Và khi chia sẻ những dòng này, mình đã vượt qua được giai đoạn kinh khủng nhất. Nhớ lại những ngày tháng đó, mình chỉ muốn cảm ơn cô giáo và người bạn duy nhất đó đã lắng nghe mình. Cảm ơn cả chính mình vì đã dũng cảm để bước ra khỏi bóng tối, mạnh mẽ đối diện và vượt qua nỗi sợ hãi.

M.T (lớp 11, THPT T.)

VÌ BẠN KHÔNG CÔ ĐƠN

Có lần, mình làm chung nhóm học tập với một bạn. Khi phân công nhiệm vụ thì bạn đó muốn làm nhiệm vụ của mình nên tụi mình đã cãi nhau. Sau đợt đó thì bạn ghét mình ra mặt và bảo các bạn khác không được chơi với mình nữa. Vì là một trong những người có nhiều tiền trong lớp nên có rất nhiều người sợ và phải “phục tùng” bạn ấy. Ngoại trừ bạn thân thì bạn bè xung quanh hạn chế hoặc không nói chuyện với mình nữa. Trong thời gian đó, mọi người còn lấy những chuyện gia đình của mình ra để làm trò cười khiến mình bật khóc trước lớp. Chỉ có một người duy nhất bên cạnh mình lúc đó chính là đứa bạn thân. Mình không thể chia sẻ chuyện bị cô lập với bất kì ai khác ngoài nó. Mình tìm đến âm nhạc, radio, đọc sách hoặc vẽ để lấp đầy khoảng thời gian trống lạc lõng. Đối với mình, không có chuyện gì là sẽ không
kết thúc cả. Khi bị cô lập, mình nghĩ điều quan trọng nhất là tìm một chỗ dựa về tinh thần, là người nào đó có thể lắng nghe câu chuyện và nỗi lòng của bạn. Hãy dũng cảm, mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi.

Q.Phương (lớp 10, THPT N.)

Trong lớp có một nhóm con gái. Khi mình bị nhóm đó giận, hầu hết các thành viên còn lại trong lớp sẽ nghe theo và quay lưng với mình. Giai đoạn bị cô lập thực sự rất khó khăn, bản thân luôn khóc rất nhiều, lảng tránh ánh mắt của người khác, đi đường thì luôn cúi gằm mặt. Bị tẩy chay bởi lời nói sau lưng, lúc đó mình luôn tự trách bản thân mặc dù không có lỗi. Mình nhạy cảm và dễ bị lung lay bởi lời nói của người khác, không biết mình phải thay đổi thế nào, lạc quan ra sao. Phải đến hè năm lớp 10, mình mới bắt đầu tìm được sự ổn định từ những người bạn mới. Kiểu khi bạn có bạn bè tích cực, bạn cũng sẽ năng động và hoạt náo hơn. Bỏ lại những ngày buồn sau lưng, mình cảm thấy hạnh
phúc vì giờ đây mình đã tìm được chính mình.

N.T.D (lớp 11, THPT K.)

ALO CHUYÊN GIA

Cô lập thường dẫn đến nhiều vấn đề tâm lí phức tạp, nhất là ở lứa tuổi teen tụi mình. Vì thế, chúng mình đã nối máy với thầy Đặng Hoàng An (giảng viên khoa Tâm lí trường Đại học Sư Phạm TP.HCM) để cùng nhau hiểu rõ những vấn đề xung quanh câu chuyện cô lập.

Việc thích cô lập người khác có khi chỉ bắt đầu từ những hiểu lầm, những điều nhỏ nhặt kiểu như: bạn học giỏi hay kém
hơn, bạn không sôi nổi và ít giao tiếp với mọi người xung quanh, bạn được thầy cô tín nhiệm, hơn thua thứ hạng học tập, vì lỡ có ánh nhìn hay một tiếng cười không đúng lúc, hay cũng có thể là một lần lỡ lời khiến cả lớp giận… Các bạn trẻ độ tuổi vị thành niên đang trong quá trình định hình và hoàn thiện về nhân cách, chưa có sự va chạm, trải nghiệm nhiều nên rất dễ bị ảnh hưởng. Tâm lí chung của đa số bạn bị cô lập thường âm thầm chịu đựng, rất ngại chia sẻ, bởi bạn lo lắng nếu như mọi người biết được thì sự cô lập càng diễn ra nghiêm trọng hơn.

“TỪ ĐIỂN” MẠNH MẼ

A: AN TOÀN

Hãy tìm cho mình một điểm tựa về tinh thần: trò chuyện với một người đáng tin cậy như thầy cô, bạn bè hoặc người thân. Có như vậy, khi rơi vào tình huống bị cô lập bạn sẽ có điểm tựa để bớt chênh vênh, cô độc và đây là kênh hỗ trợ giúp bạn nhận được lời khuyên cũng như tư vấn hữu ích.

B: BÌNH TĨNH

Dù trong hoàn cảnh thế nào thì bạn cũng phải thật sự bình tĩnh để có thể làm chủ được chính mình và vấn đề. Tránh tấn công quá khích trở lại khiến chuyện không được giải quyết mà càng ngày mâu thuẫn càng lớn. Ngoài ra, bạn cũng không nên cho nhóm bạn cô lập thấy sự sợ hãi, cầu xin hay chạy trốn. Vì những hành động này chính là việc kích thích hành vi tấn công diễn ra và lặp lại. Bên cạnh đó, các bạn cũng cần học hỏi và luyện tập những kĩ năng giúp mình tự tin hơn trong cuộc sống.

C: CHUYỆN TRÒ

Nếu một giây phút nào bạn đuối sức và mất phương hướng, hãy chuyện trò, tìm nguồn lực hỗ trợ từ gia đình, thầy cô, bạn bè và mọi người xung quanh. Đừng cố tỏ ra mạnh mẽ hoặc một mình chịu đựng. Ngoài ra, bạn cần phải yêu thương chính mình và duy trì năng lượng tích cực trong cuộc sống.

Nguồn: teen360.muctim.com.vn

http://teen360.muctim.com.vn/view/Nhung_vong_tron_co_lap-59127.html

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc