Ít nhiều thụ hưởng nền giáo dục của Pháp xây dựng ở Việt Nam đầu thế kỷ 20, nhiều học sinh đã trở thành trí thức lớn của dân tộc.
Kéo dài gần một thế kỷ, nền giáo dục Pháp ở Việt Nam được đánh giá trái chiều. Năm 1905, Phan Bội Châu cho rằng Pháp “chỉ dạy viết văn Pháp, nói tiếng Pháp, tạm thời làm nô lệ cho Pháp”. Song mặt tích cực ngoài ý muốn của Pháp là tạo ra tầng lớp tri thức có trình độ đại học, nắm vững khoa học, kỹ thuật tiên tiến.
Nhà bách khoa của thế kỷ 20 Đào Duy Anh
Đào Duy Anh (1904-1988) là nhà sử học, địa lý, từ điển học, ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo, văn học dân gian nổi tiếng của Việt Nam. Ông sinh ở Thanh Hóa, nguyên quán huyện Thanh Oai, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội).
Năm 1923, ông tốt nghiệp Thành chung (trường Quốc học Huế) rồi ra dạy học trường Đồng Hới (Quảng Bình). Ba năm sau, ông tham gia sáng lập báo Tiếng Dân cùng Huỳnh Thúc Kháng rồi gia nhập Việt Nam Cách mạng Đảng (sau là Đảng Tân Việt).
Vợ chồng giáo sư Đào Duy Anh. Ảnh tư liệu |
Lĩnh vực khoa học đầu tiên mà Đào Duy Anh quan tâm là từ điển học. Ông lần lượt hoàn thành và xuất bản Hán – Việt từ điển (1932) và Pháp – Việt từ điển(1936). Đây là công cụ tra cứu rất cần thiết cho nhiều thế hệ học sinh trung học, được ví như cầu nối giữa lớp người già theo Nho học và lớp người trẻ theo Tây học.
Gần 40 năm sau, ông cho ra đời bộ từ điển độc đáo, chuyên dụng Từ điển Truyện Kiều (1974). Tuy không phải người biên soạn từ điển đầu tiên của Việt Nam, nhưng Đào Duy Anh đã đặt cơ sở cho nền từ điển học hiện đại.
Trong lĩnh vực sử học, năm 1938, tác phẩm Việt Nam văn hoá sử cương của ông cùng với Văn minh An Nam (la Civilization Annamite, 1944) của Nguyễn Văn Huyên đã đánh dấu và đặt nền tảng hình thành nền văn hóa học Việt Nam hiện đại trên tinh thần khoa học, dân tộc.
Một số tác phẩm tiêu biểu của ông trong lĩnh vực này như Khổng giáo phê bình tiểu luận (1938), Trung Hoa sử cương (1942), Khảo luận về Kim Vân Kiều(1943) được giới tri thức trong nước và nhiều học giả thế giới đón nhận, hoan nghênh.
Ông tự tích lũy kiến thức về nhiều ngành khoa học xã hội khác như Triết học, Dân tộc học, Xã hội học bằng phương pháp luận sử học và tư liêu lịch sử. Từ một người tốt nghiệp Thành chung, bằng ý chí tự học, Đào Duy Anh đã trở thành nhà bách khoa của thế kỷ.
Tôn Thất Tùng – tác giả của phương pháp cắt gan có quy phạm
Giáo sư Tôn Thất Tùng (1912-1982) là bác sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới trong lĩnh giải phẫu gan. Ông sinh năm 1912 tại Thanh Hóa và lớn lên ở Huế.
Xuất thân từ gia đình quan lại nhà Nguyễn nhưng ông không theo nghiệp học làm quan. Năm 1931, ông ra Hà Nội học tại trường Trung học Bảo Hộ, hai năm sau đó học trường Y khoa Hà Nội – thành viên của Viện Đại học Đông Dương với quan niệm nghề y là nghề “tự do”, không phân biệt giai cấp.
Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng. Ảnh tư liệu |
Một lần phát hiện gan của người bệnh có giun chui ở các đường mật, ông đã nảy ra ý tưởng dùng những lá gan bị nhiễm giun để phẫu tích cơ cấu của lá gan.
Liên tiếp những năm sau đó 1935-1939, chỉ bằng con dao nạo thô sơ, ông đã phẫu tích trên 200 lá gan của tử thi để nghiên cứu các mạch máu và vẽ lại thành sơ đồ đối chiếu. Trên cơ sở đó, ông đã viết và bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp bác sĩ y khoa với nhan đề “Cách phân chia mạch máu của gan”.
Bản luận án được đánh giá cao và trở thành tiền đề cho những công trình khoa học nổi tiếng của ông. Với bản luận án này, Tôn Thất Tùng đã được Đại học Tổng hợp Paris tặng huy chương bạc.
Khi Tôn Thất Tùng trở thành bác sĩ nội trú ở Bệnh viện Phủ Doãn (tiền thân của Bệnh viện Việt Đức ngày nay), sau nhiều lần cắt gan người chết, ông đề xuất với thầy hướng dẫn về phương pháp của mình. Phương pháp này sau đó được gửi Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris và bị giáo sư đầu ngành công kích dữ dội, vì ý tưởng của Tôn Thất Tùng quá mới.
Mãi đến năm 1952, tại hội nghị Phẫu thuật quốc tế ở Copenhaghen (Đan Mạch) phương pháp cắt gan có quy phạm của ông mới được thừa nhận. Tôn Thất Tùng được giới y học quốc tế chú ý và ca ngợi là “người cha của cắt gan có quy phạm”.
Sau này, ông có nhiều cống hiến cho ngành y học Việt Nam trên cương vị Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại khoa (Đại học Y Hà Nội), Giám đốc Bệnh viện Việt – Đức, Thứ trưởng Y tế nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Giáo sư Hoàng Như Mai – Học giả hàng đầu trong nghiên cứu văn học
GS.NGND Hoàng Như Mai (1919-2013) quê gốc Hà Nội, sinh ra và lớn lên ở phủ Lạng Thương (tỉnh Bắc Ninh). Ngày vào lớp đồng ấu (lớp 1 ngày nay), ông được một thầy giáo già truyền tình yêu văn chương, qua những bài giảng chữ Nho, chữ quốc ngữ và những bài Pháp văn.
Hồi 8-9 tuổi, có lần ông được người anh dẫn lên Hà Nội vào rạp chiếu bóng chơi, được tận mắt nghe câu thoại của nam diễn viên với người tình “Đôi mắt em xanh như nước biển Địa Trung Hải” bằng tiếng Pháp. Câu thoại đó cứ vấn vương mãi trong đầu cậu bé nhiều năm sau này.
Học xong tiểu học, ông lên Hà Nội vào trường Trung học Bảo Hộ (trường Bưởi) trong hệ thống giáo dục Pháp – Việt, được học chương trình văn học Pháp gồm nhiều tác gia lớn của thế kỷ 16-18 và các tác giả lãng mạn thế kỷ 19.
Cuốn tiểu thuyết gây ấn tượng mạnh ban đầu cho ông là Graziella của Lamartine, đặc biệt là bài thơ hoài niệm cuối sách Mối hận đầu tiên được Nguyễn Văn Vĩnh dịch ra tiếng Việt. Sáu bảy chục năm sau đó ông vẫn thuộc lòng nhiều đoạn trong tiểu thuyết này.
Giáo sư Hoàng Như Mai. Ảnh: Đại học Văn Hiến |
Những năm học trường Bưởi cũng là thời kỳ phong trào Thơ Mới nở rộ nên thế hệ của Hoàng Như Mai đã tìm được những thi sĩ cho riêng mình. Ông khâm phục Xuân Diệu nhưng thích đọc nhất là Thế Lữ, J.Leiba Thái Can, Lưu Trọng Lư và sau này là Vũ Hoàng Chương, Trần Huyền Trân.
Tiếp đó, Hoàng Như Mai lần lượt theo học ở Đại học Y khoa và Đại học Luật khoa Đông Dương ở Hà Nội. Năm 1943, khi đang là sinh viên Đại học Luật, ông bắt đầu đứng trên bục giảng ở trường Trung học tư thục Đông Hải (Hải Dương).
Năm năm sau, ông được Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Thái Bình mời làm hiệu trưởng trường Trung học Phan Thanh. Sau đó, ông lần lượt làm giảng viên, hiệu trưởng ở các trường Sư phạm Việt Bắc (1951), Sư phạm Trung cấp trung ương (1953), Đại học Tổng hợp Hà Nội (1959), Đại học Tổng hợp TP HCM (1980).
Ông để lại di sản nghiên cứu văn học khá đồ sộ. Bộ giáo trình Văn học Việt Nam hiện đại (1945-1960) của Hoàng Như Mai có giá trị rất riêng, bởi đây là công trình đầu tiên mang tính đột phá, nghiên cứu về một chặng đường văn học còn nóng hổi tươi nguyên đối với thời kỳ đó.
Các tập chuyên luận, tiểu luận về thơ Thơ một thời, Bản sắc dân tộc trong thơ Hồ Chí Minh hay sân khấu Nhận định về cải lương“, Trần Hữu Trang – soạn giả cải lương đến nay vẫn nguyên giá trị cho giới nghiên cứu.
Trong lĩnh vực sân khấu kịch nói, giáo sư Hoàng Như Mai cũng để lại dấu ấn với các tác phẩm nghiên cứu Tiếng trống Hà Nội, Dòng sông biên giới, Vẽ chân dung cụ Đồ Chiểu.