(Phunuhiendai.vn)-“Một nửa làm đầy thế giới” là tập truyện ngắn tuyển chọn 19 tác phẩm xuất sắc nhất của 19 tác giả bước vào vòng chung kết cuộc thi truyện ngắn Một nửa làm đầy thế giới (cùng tên) do NXB Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM tổ chức với sự tài trợ của một dự án thuộc giải Liberatupreis – Frankfurt 2018.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư – người khởi xướng ý tưởng cuộc thi gọi thân thương tập truyện ngắn Một nửa làm đầy thế giớiDát vàng nước mắt và chia sẻ: “Nhiều phận đời. Nhiều nghịch cảnh. Nhiều vết thương hữu hình và vô hình. Những lựa chọn giằng xé. Bạn đang bước vào một thế giới phụ nữ phong phú, đa dạng hình, mặn vị của mồ hôi và nước mắt. Một nửa làm đầy thế giới là cái tên là Ban Tổ chức chọn với hy vọng người phụ nữ làm đầy bằng sức mạnh, hiểu biết và tự chủ, rốt cuộc lại được làm đầy bằng nước mắt. Lòng trắc ẩn, sự cảm thương trong người viết đã cúi xuống những người đàn bà hiền lành thiệt thòi, mà quên còn những phụ nữ can đảm chống trả bất công và biết yêu chính mình ngoài yêu thương người khác.

Viết về sự hy sinh, tảo tần, và tình yêu thương vô bờ bến của người phụ nữ như con dao hai lưỡi, chúng ta sẽ không biết mình ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của họ hay đang trói buộc họ vào những bức tường, chiếc cọc vô hình. Và có dát vàng vào tường vách và cọc sắt, thì bị giam giữa chúng cũng không thể gọi là tự do.”

Những câu chuyện trong từng trang sách tái hiện lại những hình ảnh của người phụ nữ xung quanh chúng ta. Có thể họ là người thân hoặc người xa lạ đang mắc kẹt giữa những định kiến xã hội, bởi những đóng khung ràng buộc mà người đời vội khoác lên họ, mặc cho họ có thuận ý hay không. Những phận đời phụ nữ Việt hiện đại bước ra khỏi tập truyện ngắn này đều mang trong mình vết thương từ những thời khắc va đập của cuộc đời (Đường về chốn mơ của Huỳnh Lâm  Minh Trí), buộc lòng thỏa hiệp với những bất công đến khi không thể chịu đựng được nữa. Những người phụ nữ luôn vì chồng, vì con dù phải làm lại từ đầu vẫn xem là đáng đánh đổi (Đắng hơn nước mắt của Phát Dương, Nhà của Vũ Thị Huyền Trang). Trong đó, có nhân vật từng muốn chối bỏ cuộc sống đời thường vì tận cùng cô đơn (Bức tranh bị mọt ăn của Phan Đăng), nỗ lực tận hiến theo những niềm đam mê đến giây phút cuối cùng được sống (Bản thảo cuối cùng của Uyên Nhi), hay vấn vương một thoáng mùi hương thân thuộc trong ký ức (Mùi của Mẫu hậu của Hoài Hương ), không vội buông tay tình yêu mỗi khi quá mỏi mệt (Cõi tạm của La Thị Ánh Hường), tình yêu đã chết lịm và hình bóng của đứa bé không được chào đời (Có một con đường ở phía mù sương của Lê Quang Trạng)

Đọc Đường về Sai Chản, một truyện vừa thu gọn mang nhiều yếu tố phong tục của Phan Đức Lộc, có cảm giác như thời gian ngưng đọng từ lâu, khi mà trên một mảnh đất vùng cao, người con gái trở thành món hàng chuyền qua tay những người đàn ông. Dường như ở đâu ta cũng gặp những người đàn bà “tàn phai trong từng thớ thịt”, “số phận như trái bần trôi”, kéo lê cuộc đời qua “những tháng ngày nhàn nhạt” (Giấc mơ rơi ở chân cầu của Cát Lâm, Hái xuống chợ của Nguyễn Thu Hằng, Vé số của Y Nguyên). Trước những cảnh đời tù túng và bế tắc đó, người đọc dễ đồng cảm với sự phản kháng nhất thời nhưng quyết liệt của một nhân vật “muốn mọc vây mọc đuôi để có thể tự tạo đường bơi ngược” (Con Bén của Võ Đăng Khoa) hay vỡ òa niềm vui trước hạnh phúc muộn màng sau những tháng ngày lay lắt trong nỗi cô đơn và hoài nhớ, bị bỏ quên trong tình cảnh nghiệt ngã đầy sóng gió (Người đàn bà lái máy cày của Hoàng Nghĩa, Vạc sành kêu sương của Triệu Vẽ, Dưới bóng cây gạo nở hoa của Tịnh Bảo, Cuối mùa cỏ cháy của Phong Dương).

Dù sao, thế giới vẫn tồn tại, con người vẫn phải sống, ngay trong nghịch cảnh. Người ta phải tìm một cách ứng xử điềm tĩnh với cuộc đời này. Đi câu cá trong ngày giỗ mẹ để nhớ lại niềm vui bình dị của mẹ lúc sinh thời, thay vì hòa nhập với màn kịch đạo đức giả, đó là một cách ứng xử, hơn thế, một cách “phản kháng” về văn hóa (Chở mẹ đi câu cá của Lê Ngọc Hạnh). Ở một phương diện khác, phẩm chất văn hóa của đời sống bộc lộ trong truyện ngắn Tràng phan của Tống Phước Bảo. Đây là một tác phẩm có cốt truyện lạ, viết về một nghề lạ ngày càng mai một ở một góc nhỏ ít người biết của thành phố chúng ta: nghề may cờ phướn. Qua câu chuyện làm nghề truyền thống, tác giả thể hiện tự nhiên, chân thực và cảm động về tình cảm gia đình, nỗi nhớ thương lưu luyến trong xa cách của những người phụ nữ đã bền bỉ gìn giữ nếp nhà thời mở cửa.

Đối với GS.TS Huỳnh Như Phương: “Những người đàn bà trong tập truyện này tạo nên thế giới của riêng họ, đồng thời làm tròn đầy sự hiện hữu của cõi nhân sinh. Những truyện ngắn trong tập này toát lên lời cảnh báo về hiện trạng gia đình và xã hội Việt Nam.Sau chiến tranh và nghèo đói là nạn bạo hành, cạm bẫy, lường gạt, phụ rẫy, phản bội và nguy cơ tan vỡ. Những người phụ nữ bé mọn chịu đựng và nhạy cảm trước những biến động đó ngay khi họ một mình một bóng. Nhờ sự nhạy cảm và thiên tính nữ giới, họ tìm cách chữa trị những vết thương, bổ sức cho chính mình và cả cho cuộc đời khốn khó này.”

Là người phụ nữ hiện đại – một nửa của thế giới, chúng ta càng khéo léo cân bằng cuộc sống tự khắc hạnh phúc sẽ tồn tại. Chỉ cần biết tự chủ và giữ trong tim một sức đề kháng mạnh mẽ, bước qua những đợt sóng gió để cuộc sống luôn lạc quan tràn đầy năng lượng tích cực.

(NXB Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM)

*Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media

 

 

 

 

 

 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc