Bất ngờ chuyện xét nghiệm cho thân nhân liệt sĩ
Tôi đến Trung tâm Phân tích ADN vào dịp kỷ niệm 70 năm, Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27-7). Cũng không có ý định hỏi Th.S Nga vừa hoàn thành xong một số trường hợp của các gia đình gửi về để giám định gene, nhưng bà đều phải trả lại họ với kết quả mà họ không mong đợi: “Không phải là người thân”. Bà nói rằng: Việc giám định gene cho các liệt sĩ từ trước tới nay trung tâm làm rất nhiều, nhưng đối với những gia đình tìm theo phương pháp tâm linh thì hầu như kết quả xét nghiệm ADN đều phủ nhận. Bà kể cho tôi nghe câu chuyện tìm hài cốt liệt sĩ mà chắc đó là một cơ duyên.
Th.S Nguyễn Thị Nga |
Gia đình Tuấn có người anh là liệt sĩ, hy sinh ở chiến trường Campuchia. Sau nhiều năm tìm kiếm, anh đã tìm đến được nơi cho rằng anh trai mình hy sinh và hy vọng có mộ ở đó. Nếu chỉ có vậy thì không đáng nói, bởi vì cùng thời điểm Tuấn đi tìm anh trai mình, thì người dân địa phương nói với anh là, có một người phụ nữ Campuchia cũng đang đi tìm người yêu có tên gọi như vậy. Với mong muốn gặp mặt được người phụ nữ mà anh trai mình yêu để nghe những câu chuyện của họ, biết đâu sẽ tìm được manh mối, Tuấn đã nhờ chính quyền chắp nối và liên hệ hẹn gặp. Khi gặp nhau, ban đầu cô cũng không nói mình đã có gia đình hay đã có con, mà chỉ nói muốn đi tìm mộ của người yêu. Sau một thời gian cùng đi tìm, cô mời anh về nhà mình chơi như một người em, người bạn. Khi vừa tới cửa, một chàng trai ra đón khiến Tuấn sững người, vì chàng trai đó giống anh trai Tuấn như bản sao, vì chưa tìm thấy mộ của anh trai Tuấn, nên người phụ nữ ấy đã không dám nói với Tuấn là chị đã có con với anh trai Tuấn và ở vậy đến giờ. Tuấn đã đem mẫu gene của con trai người phụ nữ ấy tìm đến trung tâm và ở đây, mặc dù gia đình Tuấn không tìm thấy mộ anh mình, nhưng lại tìm thấy khúc ruột của anh. Một trong những câu chuyện khiến Th.S Nga nhớ mãi.
Một trường hợp khác, anh Minh và anh Quân là hai người bạn cùng đi tìm hài cốt của ông nội mình trên chiến trường Điện Biên Phủ. Minh tìm thấy trước và mang mẫu xét nghiệm đến trung tâm trước. Quân tìm thấy sau và cũng đến nhờ trung tâm giám định, nhưng cả hai đều nhận được kết quả không cùng huyết thống với mình. Mấy ngày sau, do linh tính mách bảo thế nào, Quân gọi điện xin gặp bà Nga với mong muốn lấy mẫu ADN của Minh xét nghiệm với mẫu ADN mà Quân mang đến và ngược lại với hy vọng biết đâu mẫu kia lại là ông nội mình, thì thật là bất ngờ khi mẫu xét nghiệm được cho là ông nội của Quân lại trùng mẫu gene với của Minh, mẫu còn lại không trùng với ai cả. Và thế là Quân lại là người tìm được ông nội của bạn.
12 năm gắn bó với với nghề, với những trường hợp giám định cho hài cốt liệt sĩ, trung tâm không bao giờ đặt nặng về tài chính. Có những trường hợp mẫu gene không đủ, không đạt chất lượng, hoặc phải làm đi làm lại cho gia đình nhiều lần, bà và đồng nghiệp luôn làm miễn phí. Bởi đối với bà và đồng nghiệp, những người con đã hy sinh vì Tổ quốc và những người thân của các anh đã mất quá nhiều công sức và tiền bạc để đi tìm kiếm thì những gì trung tâm đang cố gắng làm và hỗ trợ đều chỉ là một việc rất nhỏ …
ADN phá vỡ cuộc sống gia đình?
Nhiều người cho rằng, kết quả ADN là niềm vui cho gia đình này, nhưng có thể là nỗi buồn và thậm chí là chia li của gia đình khác… Bà Nga khẳng định, ADN không phá vỡ cuộc sống của ai cả. Bởi hạnh phúc của một gia đình chỉ thực sự có được khi mỗi thành viên có lối sống lành mạnh, thủy chung, trong sáng và niềm tin yêu giữa con người với nhau là trọn vẹn. Những con người hạnh phúc này không có những “bí mật chết người” để phải nhờ đến ADN “giải mã”. Không bí mật nào về huyết thống mà giấu được khi xét nghiệm ADN. Có những ca 42 năm tìm được con, hay ca hy hữu sinh đôi 2 bố ở Thái Bình được trung tâm công bố đã chứng minh được rằng, công nghệ giải mã ADN không thể sai lệch trừ khi có sự can thiệp của chính người làm xét nghiệm.
Nếu các mẫu ADN của mẹ, con và bố nghi vấn khớp với nhau trong từng gene thì độ chính xác có quan hệ huyết thống là 99.9999% (với 16 locut gene) và đạt tới 99,99999998% (26 locut gene). Nếu mẫu ADN của người con và bố nghi vấn không khớp với nhau từ 2 gene trở lên, thì người đàn ông này không phải là cha đẻ của đứa trẻ với độ chính xác là 100%. |
Một ngày Chủ nhật vào lúc 22 giờ, bà Nga nhận được một cuộc điện thoại. Người ở đầu dây bên kia có giọng nói run rẩy của một cô gái trẻ. Cô tên là Thanh Hòa (25 tuổi, ở Hà Nam): “Cháu xin cô, nếu chồng cháu biết đứa trẻ không phải là con của anh ấy, cháu chỉ có nước chết thôi. Cô giúp cháu, cháu sẽ dành cả đời để tạ ơn cô, bao nhiêu cũng được cô ạ. Mẹ cháu bị bệnh tim, bà mà biết sự thật thì chết mất!”, giọng cô khẩn khoản. Chuyện này với bà Nga không hề lạ. Không ít người đã tìm mọi cách mua chuộc kết quả xét nghiệm ADN. Thanh Hòa là người đã cùng chồng và con trước đó đến Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền. Bà Nga vẫn nhớ như in ánh mắt cầu cứu của cô gái.
Thế rồi, vị khách đầu tiên mà Trung tâm đón vào sáng hôm sau là một nam thanh niên. Anh mang đến hai mẫu tóc được bọc cẩn thận, điền tên bố, tên con rõ ràng và đề nghị nhận kết quả mức nhanh nhất (4 giờ) và cũng ghi luôn tên người được ủy quyền nhận kết quả là Thanh Hòa. Bà Nga đọc kỹ tờ đơn đề nghị xét nghiệm, nhớ rất rõ những cái tên quen thuộc được nhắc đến hôm qua. 12h, Hòa đến nhận kết quả.
Công tác giám định gene tại Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền |
“Cô ơi, cháu tưởng hai người có gene hoàn toàn trùng nhau thì phải kết luận là hai bố con chứ?”, Thanh Hòa ngạc nhiên hỏi. “Có đứa trẻ nào sinh ra chỉ từ một mẹ không? Chắc chắn là không. Đứa trẻ nào cũng phải mang gene của cha và mẹ. Nếu gene của hai bố con giống nhau, chỉ có trường hợp người bố tự mang thai, tự sinh em bé. Điều này là không thể. Hai mẫu tóc sáng nay được chồng mang đến thực chất là do cô vợ muốn Trung tâm kết luận hai người này là bố con nên đã nhổ tóc của anh chồng rồi chia ra làm đôi để chồng mang đến đây xét nghiệm. Ấu trĩ quá!”, bà Nga phân tích.
Thấy Hòa vẫn chưa hiểu, bà Nga phân tích thêm: “Nhiều người vẫn tưởng gene của bố và con hoàn toàn giống nhau. Nhưng không phải thế, một bảng kết quả xét nghiệm ADN bao giờ cũng có nhiều cột, mỗi cột thể hiện cho một gene và đều có hai con số. Người con phải lấy một con số từ bố và một số từ mẹ. Chỉ có thể xác định quan hệ bố – con khi tờ kết quả thể hiện mỗi cột của con đều có một con số giống hệt con số trong cột tương ứng của bố. Chỉ cần một cột nào đó không đáp ứng được điều này thì không phải là hai bố con. Ngược lại, hai người có các con số giống hệt nhau như trường hợp của cháu cũng không thể là hai bố con”.
Bà Nga nói: “Nhiều người với hy vọng có kết quả như mong muốn đã tìm cách tráo mẫu. Nếu không được, họ lại tìm cách mua chuộc, như chị Hòa nói ở trên. Tiền trăm triệu đồng, thậm chí là tiền tỉ đều có hết”. Trong điện thoại của bà Nga còn giữ lại một đoạn ghi âm của cuộc gọi vừa diễn ra đầu tuần này. Người đàn ông trong điện thoại nói giọng Bắc, chỉ khi xác minh rất chắc chắn bà Nga là người cầm máy và ở nơi an toàn, anh mới trình bày sự việc: “Hôm qua, một người bạn của cháu đi xét nghiệm ADN, kết quả đứa trẻ không phải là con của chồng cô ấy. Cháu sợ đứa trẻ bị giết mất cô ơi! Cô giúp cháu sửa kết quả là “có”, cháu gửi cô 200 triệu đồng!”.
“Khi không mua chuộc được, có người còn đe dọa, nếu không sửa kết quả như họ mong muốn, họ sẽ đến nhà riêng, rồi sẽ phá tan trung tâm… Nhưng chúng tôi kiên định, bởi nếu không làm đúng, tự khắc trung tâm sẽ bị phá sản, không cần bàn tay can thiệp của ai, còn nếu làm đúng, không ai có thể thay đổi được sự thật” – bà Nga tâm sự.
Mỗi khách hàng tới đây đều có hoàn cảnh, số phận đặc biệt khiến ngay cả người làm công tác khoa học cũng trăn trở. Với công nghệ phân tích ADN, có những kết quả có thể làm vợ chồng rạn vỡ hay một người đang có tất cả bỗng mất hết khi sự thật giấu kín bị bại lộ, nhưng cũng có kết quả mang lại sự hàn gắn, minh oan cho những người bị hiểu lầm.
Phóng viên trao đổi với Th.S Nguyễn Thị Nga |
Bà Nga kể một câu chuyện khác: Tôi nhận được một cuộc điện thoại hẹn làm việc vào ngày nghỉ, người mang mẫu vật đến là một người phụ nữ ngoài 40 tuổi tên là Khanh. Chị có khuôn mặt ảm đạm, mặc đồ đen và đeo băng tang. Chị mang đến cho tôi mẫu vật của cha mình, em trai và cháu trai để xét nghiệm huyết thống với một câu chuyện buồn: “Cha cháu mới mất, nhưng trước khi cha mất cả nhà cháu lại nghi ngờ rằng cháu trai của cháu không phải là con của em trai mình mà lại là con của bố cháu, vì bố cháu và em dâu rất thân thiết, đặc biệt là ông đã chăm chút em dâu cháu một cách rất kỳ lạ…”. Tôi mới mạnh dạn hỏi: “Tại sao cháu không làm điều này khi cha cháu chưa qua đời?”. Khanh trả lời: “Nếu như làm việc này khi ông chưa mất và sự thật là con của ông thì chúng cháu sẽ ra sao? Sẽ chẳng còn mặt mũi nào nữa. Trước đây, khi chưa tìm đến cô, cháu cũng đã đi đem đến một trung tâm khác, nhưng họ bảo phải làm đến 40 hay 50 gene gì đó và chi phí rất đắt”.
Nghe đến vậy tôi chỉ hỏi rằng đứa trẻ là trai hay gái? Cô trả lời đó là con gái. Tôi đã nhận lời làm với số gene ít hơn và kinh phí thấp hơn nhiều. Vì theo nguyên lý khoa học, nếu mẫu cần xét nghiệm của con gái do người bố sinh ra sẽ mang một gene X của người bố, mà gene X đó lại phải được di truyền từ gene X của bà nội của đứa trẻ. Nhưng nếu đứa con gái là con của bố Khanh thì gene X đó sẽ là gene của cụ nội đứa trẻ. Và sau khi làm kiểm định ADN cho Khanh thì mọi mối nghi ngờ trong gia đình đã được giải tỏa. Mới thấy được rằng, khi cuộc sống có quá nhiều mối nghi ngờ thì họ sẽ chẳng còn tin tưởng được ai, thậm chí cả người thân trong gia đình.
Chào Th.S Nga ra về, tôi mang theo niềm vui là nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ đã đến trung tâm để nhờ xét nghiệm ADN, tuy không có được kết quả như mong muốn, nhưng đã mang lại cho họ những niềm tin. Vui vì trả lời được câu hỏi, liệu ADN có làm cho hạnh phúc gia đình tan vỡ? Vì có những gia đình khi đến với trung tâm với tâm trí nặng nề, khi nhận được kết quả dù không như họ mong muốn, nhưng qua sự tư vấn của Th.S Nga cùng đồng nghiệp họ lại chấp nhận sự thật, có những người vẫn vui vẻ đón nhận để những đứa trẻ được ở cạnh mình, tìm mọi cách để đứa trẻ không bị tổn thương, người thân không bị tổn thương… Còn rất nhiều câu chuyện ly kỳ khác, mang tính nhân văn và cảm động mà chúng tôi không thể chia sẻ chỉ trong khuôn khổ một bài báo. Nhưng nó đã để lại cho những người trong cuộc có cái nhìn sâu sắc hơn, bao dung hơn và sống có trách nhiệm hơn. Như ban đầu Th.S Nga đã chia sẻ: “Nếu chúng ta không có những “bí mật chết người” để phải nhờ đến ADN “giải mã” thì sẽ chẳng có sự thật nào cần phơi bày”. Hãy bao dung cho nhau, chẳng phải cuộc sống sẽ suôn sẻ hơn và nhân ái hơn!
Xét nghiệm ADN xác định huyết thống
Xét nghiệm ADN là phép xét nghiệm dùng ADN (Axit DeoxyriboNucleic) có trong các tế bào của cơ thể chúng ta để xác định quan hệ huyết thống. Theo di truyền học, 23 sợi nhiễm sắc thể đơn có trong tế bào trứng của người mẹ và 23 sợi nhiễm sắc thể đơn có trong tinh trùng của người cha kết hợp với nhau tạo thành 23 cặp nhiễm sắc thể có ở người con. 23 cặp nhiễm sắc thể này có trong mỗi tế bào của cơ thể chúng ta (ngoại trừ tế bào sinh dục trưởng thành). Xét nghiệm ADN cho phép chúng ta kiểm tra được mối quan hệ huyết thống một cách chính xác nhất hiện nay. |
ADN là gì
Cấu trúc phân tử ADN giống như một thang xoắn được làm bằng hai sợi, được biết đến như là một “hình xoắn”. Những sợi của ADN chứa các thông tin dưới hình thức một mã số, lần lượt xác định đặc điểm của mỗi cá nhân và đặc điểm của cơ thể mỗi người. Có 4 loại “chữ cái” xây dựng lên ADN (A, T, G, C) và trật tự của chúng là mã di truyền của con người. Một nửa ADN của một người được thừa hưởng từ mẹ và một nửa là thừa kế từ cha. Tuy nhiên, trong khi dấu vân tay không có giá trị cho thiết lập các mối quan hệ gia đình, các mật mã di truyền chứa trong chuỗi ADN lại có giá trị cho việc thiết lập mối quan hệ gia đình, bởi vì chúng được thừa hưởng từ thế hệ trước. |
Theo Diệu Thuần/ Petrotimes.vn