Vì mưu sinh, một số tiến sĩ đành nhận làm thêm ở các cửa hàng tiện lợi ngoài giờ lên lớp.Vì mưu sinh, một số tiến sĩ đành nhận làm thêm ở các cửa hàng tiện lợi ngoài giờ lên lớp.

Trái với sự gia tăng tiến sĩ, số lượng sinh viên lại giảm dần đều qua các năm, dẫn tới thực trạng không thể tránh là thừa giảng viên.

Thiếu đất dụng võ

Từ lâu, Nhật Bản đã nổi danh là một trong 10 quốc gia có số lượng tiến sĩ nhiều nhất thế giới. Ở quốc gia 126 triệu dân này, có 795 trường đại học và phần lớn các trường đều có khoa sau đại học, đào tạo và cấp bằng trình độ cao.

Năm 2003, Nhật Bản tự hào đạt số lượng nghiên cứu sinh tiến sĩ nhiều chưa từng có – 11.637 người. Năm 2008, cứ trong 1 triệu người dân Nhật Bản thì có đến 131 tiến sĩ.

Trung bình, thu nhập theo bằng cấp tiến sĩ ở Nhật Bản là khoảng 110 nghìn USD/năm (tương đương 2,5 tỷ đồng). Đây là con số ấn tượng, khiến sinh viên không ngại bỏ thêm thời gian và công sức chạy theo học vấn.

Trái với mong đợi, thị trường việc làm Nhật Bản không cần quá nhiều bằng cấp cao. Hầu hết các tiến sĩ chỉ có thể lựa chọn công việc giảng dạy. Trong khi đó, kể từ năm 1990, số lượng sinh viên Nhật Bản bắt đầu giảm. Nửa cuối thập niên 2010, số lượng sinh viên Nhật Bản có gia tăng nhưng rất nhẹ, từ 2,86 triệu (2015) lên 2,92 triệu (2020).

Nguyên nhân chính của sự suy giảm này là tình trạng dân số già. Nếu vào năm 1992, Nhật Bản có 2,1 triệu thanh niên tuổi 18 sẵn sàng tuyển sinh, thì năm 2020 chỉ có 1,2 triệu.

Hệ thống cơ sở giáo dục đại học Nhật Bản chia công lập và tư thục. Tại các trường công lập, tiến sĩ có thể chiếm một vị trí giảng viên cố định. Tùy vào thâm niên, họ được trả mức lương khác nhau nhưng đều ở mức cao. Tại các trường tư thục, tiến sĩ chỉ có thể ký hợp đồng 5 năm một. Nhật Bản gọi họ là “giảng viên bán thời gian”.

Trong thực trạng thừa tiến sĩ, hàng nghìn PhD Nhật Bản không còn cách nào khác là chấp nhận làm giảng viên bán thời gian. Như mọi công việc bán thời gian khác, họ bị trả lương thấp, không hoặc ít phúc lợi và luôn trong nguy cơ hết hạn hợp đồng.

Bình quân, tiến sĩ dạy hợp đồng chỉ nhận được dưới 2 triệu yên/tháng, chưa bằng 1 nửa thu nhập
trung bình của người lao động Nhật Bản.

Nhóm… lao động nghèo

Tháng 3/2021, Hiệp hội Cải thiện môi trường của các nhà nghiên cứu khoa học nữ Nhật Bản – JAICOWS khảo sát thực tế công việc và thu nhập của một phần giảng viên bán thời gian. Họ phát hiện, 59,1% nam và 55,6% nữ tiến sĩ chỉ kiếm được dưới 1,5 triệu yên/năm (khoảng 309 triệu đồng).

Chưa hết, chỉ 10% giảng viên bán thời gian có thu nhập 3 triệu yên/năm (khoảng 619 triệu đồng) trở lên. Còn lại, thu nhập của họ nằm trong khoảng 1,5 đến dưới 3 triệu yên. “Dù đã lấy bằng tiến sĩ mà bình quân, họ vẫn không kiếm nổi 2 triệu yên/năm (dưới 413 triệu đồng)”, Haba Kumiko, Giáo sư danh dự của Đại học Aoyama Gakuin, buồn bã chia sẻ.

Trong khi đó, thu nhập trung bình của lao động Nhật Bản năm 2020 là 4,57 triệu yên/năm (khoảng 943 triệu đồng). Với số tiền còn chưa bằng một nửa, các giảng viên bán thời gian tất yếu bị xếp vào nhóm lao động nghèo.

Cũng theo khảo sát từ JAICOWS, 62% các tiến sĩ dạy hợp đồng này thuộc độ tuổi từ 40 trở lên. Tại phần lớn các trường tư thục, họ chiếm trên 60% tổng số giảng viên. Nhiều trường công lập cũng vì lý do ít sinh viên, hạn chế tuyển dụng giảng viên cố định và gia tăng nhận tiến sĩ dạy hợp đồng.

 Đa số giảng viên đại học tư thục Nhật Bản là tiến sĩ dạy hợp đồng.

Vất vả và vô vọng

Trong số các giảng viên làm khảo sát của JAICOWS, 72% cộng tác với từ 2 trường đại học trở lên. Khoảng 3/4 phải lên lớp 8 buổi/tuần, và 1/3 lên lớp 9 – 12 buổi/tuần.

“Dạy 10 buổi/tuần rất mệt mỏi”, một nam giảng viên tuổi 50 than thở. Ngoài chuẩn bị giáo trình và lên lớp, tiến sĩ dạy bán thời gian cũng phải làm đề, chấm bài kiểm tra và viết báo cáo, thực hiện nghiên cứu… Do thu nhập quá thấp, nhiều người đành kiếm thêm bằng cách nhận làm ca sớm hoặc ca đêm trong các cửa hàng tiện lợi.

“Vì mưu sinh, các tiến sĩ dạy hợp đồng mất hết thời gian cho nghiên cứu học thuật”, Haba Kumiko, Giáo sư danh dự của Đại học Aoyama Gakuin, cho biết.

Luật lao động Nhật Bản quy định, thời hạn của hợp đồng việc làm là 5 năm. Tuy nhiên, nhiều trường đại học luôn tìm cách phá vỡ giới hạn này. Các giảng viên bán thời gian buộc phải thành lập liên minh thông qua các hiệp hội, đấu tranh giành quyền duy trì 5 năm giảng dạy. Có điều, chỉ rất ít hiệp hội thành công.

Mặc dù cần sự giúp đỡ của liên minh, hiếm tiến sĩ trẻ của Nhật Bản gia nhập công đoàn lao động. “Ai cũng muốn phấn đấu làm giảng viên chính thức” – Matsumura Hinako, Tiến sĩ Khoa Luật giải thích – “Trước khi đến tuổi 45, họ vẫn hy vọng và nỗ lực hết mình. Chỉ khi nhận ra chẳng có cánh cửa nào, họ mới đành vào công đoàn như nước cờ cuối”.

Những năm gần đây, công đoàn Nhật Bản hình như cũng bất lực. Hàng loạt các trường đại học không chỉ giảm giảng viên cố định, mà còn hạ chỉ tiêu tuyển giảng viên bán thời gian. Covid-19 bồi thêm cú chót, khiến sự nghiệp và cuộc sống của các tiến sĩ dạy hợp đồng càng thảm thương hơn nữa. Họ vừa phải tốn tiền túi để trang bị trang thiết bị dạy trực tuyến, vừa phải lao lực gấp đôi.

 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc