Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2016, hiện có 663 triệu người dân trên toàn cầu không được tiếp cận với nguồn nước sạch trên thế giới. Mỗi ngày có đến 1.000 trẻ em tử vong vì các bệnh liên quan đến nguồn nước bị ô nhiễm. Đáng nói, con số này còn nhiều hơn cả số trẻ em chết do HIV/AIDS và bệnh sốt rét cộng lại. Bởi vậy vai trò của nước sạch đối với sức khỏe cộng đồng là vô cùng quan trọng.

Việt Nam là nước nhiệt đới gió mùa, nằm trong vùng ảnh hưởng của thiên tai do biến đổi khí hậu, hàng năm phải đối diện với bão lũ, vì thế người dân rất cần sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế để có thể vượt qua những khó khăn về nước sạch do thiên tai gây nên.

Riêng ở Hà Nội, vấn đề nước sạch đã là chủ đề nóng và bức xúc suốt nhiều năm qua của người dân. Nguồn nước trước đây, nhất là ở khu vực Cầu Diễn, Hà Nội khi được đưa đi xét nghiệm thì kết quả cho ra là “mẫu nước trên có các chỉ tiêu Asen không đạt quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước ăn uống”, hàm lượng Asen (As) có trong nước ăn cao gấp 43 lần cho phép”. Rõ ràng nguồn nước đã bị nhiễm độc, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người lớn mà nguy hiểm hơn là sẽ gây ảnh hưởng lâu dài tới trẻ nhỏ, là nguyên nhân gây ra các bệnh về da, đau mắt, đường ruột, đại tràng…

Có một số nơi, hàm lượng nitrat (NO3) cao gấp nhiều lần cho phép (165,9 tức là gấp ba lần tiêu chuẩn cho phép). Nhiều gia đình đã phải tìm kiếm sự an toàn từ nguồn nước bằng cách lắp quả lọc ở đầu nguồn nước vào nhà. Nhiều gia đình dùng tới 2 máy lọc nước vì lo ngại nước quá bẩn, thậm chí có những gia đình chỉ sử dụng nước đã lọc vào sinh hoạt thông thường như tắm giặt, còn ăn uống thì phải mua nước đóng bình tiêu chuẩn, nên khi có dự án cung cấp nước sạch tại vòi người dân đã rất vui mừng và yên tâm.

Ngày 13/10/2018, người dân ở Hà Nội đã có cột mốc đáng nhớ và vui mừng khi Nhà máy nước mặt Sông Đuống đã đi vào hoạt động. Ba triệu người dân ở 8 quận, huyện của thành phố Hà Nội đã được tiếp cận nước sạch, thay thế nguồn nước ngầm. Nhà máy nước mặt Sông Đuống với thiết kế tự động hóa và công nghệ tái sử dụng nước sản xuất và không xả thải ra môi trường.

Thêm một cột mốc khi người dân ở phía Nam thành phố Hà Nội bắt đầu có nước sạch uống tại vòi từ ngày 16/10/2018

Và ngày 16/10/2018, nhà máy đã tiến hành đánh chìm tuyến ống thép dẫn nước qua sông Hồng có chiều dài 500m, dẫn nước sạch sang khu vực Hoàng Mai, Thanh Trì thay thế cho nguồn nước bị nhiễm phèn của người dân ở phía Nam thành phố Hà Nội.

Tuyến ống qua sông Hồng được thiết kế đi dưới sông sử dụng 2 ống thép DN1400 (theo Tiêu chuẩn BS EN 10224: 2002,. Chiều sâu đặt ống trung bình ≥4.0m, với chiều dày lớp phủ tự nhiên lên trên khoảng 2.6m kết hợp với bê tông gia tải và bê tông bảo vệ ống tạo độ ổn định của tuyến ống băng sông trong quá trình vận hành. Sử dụng mối nối mềm DN1400 để kết nối với ống trước và sau điểm qua sông. Tuyến ống được trắc dọc trên nguyên tắc theo độ dốc địa hình của dòng sông. Đoạn ống kéo qua sông đánh chìm được thiết kế với độ dốc nhỏ nhất nằm trên địa hình bằng phẳng sau khi đã ổn định phui đào. Đoạn ống hai đầu bờ được thiết kế kết nối với ống nằm dưới sông theo độ dốc thực tế của dòng sông.

Sau khi hoàn thành tuyến ống qua sông Hồng sẽ đảm bảo cung cấp nước liên tục với lưu lượng 200,000 m3/ngđ – 300,000 m3/ngđ cho các khu vực quận Hoàng Mai, Thành Trì và các quận thuộc các khu vực nội đô thay thế các nguồn nước ngầm hiện đang bị suy thoái và ô nhiễm trầm trọng góp phần cải thiện điều kiện sống; cung cấp nguồn nước sạch đảm bảo tiêu chuẩn cho người dân. Dự kiến tháng 10/2019 sẽ nâng công suất lên 300.000m2/ngày đêm.

Nhà máy nước mặt Sông Đuống ra đời ghi dấu như là một kỳ tích lịch sử của ngành nước Việt Nam

Bà Đỗ Thị Kim Liên Chủ tịch HĐQT NMNM sông Đuống cho biết: Với công nghệ xử lý nước hiện đại như hiện nay, nhà máy đảm bảo theo tiêu chuẩn nước sạch của Việt Nam và thế giới”. Đây là công trình dân sinh trọng điểm của thủ đô, được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa. Đây cũng là 1 trong 11 dự án nước sạch đang được thành phố Hà Nội triển khai, đảm bảo mục tiêu đến năm 2020 sẽ hoàn thiện được mạng lưới cấp nước phân phối dịch vụ cho các khu vực nông thôn, đảm bảo 100% người dân Thành phố được tiếp cận và sử dụng nước sạch.

Tác hại của nước bẩn đối với sức khỏe con người: Nguồn nước cũng giống như mạch máu trong cơ thể con người. Nếu nước bẩn sẽ sinh ra nhiều loại bệnh, đe dọa trực tiếp sức khỏe, tính mạng của người sử dụng. Tỷ lệ các bệnh cấp và mãn tính về đường tiêu hóa (tả, lị, thương hàn…), chân tay miệng… ngày càng tăng. Đáng chú ý các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng khi sử dụng nước nhiễm asen nặng để ăn uống thì con người có thể mắc bệnh ung thư, trong đó thường gặp là ung thư da. Bên cạnh đó, những người ăn uống phải nước nhiễm chì lâu ngày có thể mắc bệnh thận, thần kinh, nhiễm Amoni, Nitrat, Nitrit.  Gây mắc bệnh xanh da, thiếu máu, ung thư…Các kiểm nghiệm từng cho thấy, trong các nguồn nước máy, nguồn nước bị nhiễm bẩn hoặc các nguồn nước áp dụng các biện pháp khử trùng không đảm bảo có chứa một số vi khuẩn gây tiêu chảy, thủng giác mạc, viêm đường tiết niệu… hoặc chứa quá nhiều fluor gây đen răng, mục xương. Những vi khuẩn gây bệnh đường ruột đặc biệt là nhóm Samonella, khuẩn tả có thể tồn tại trong nước khá lâu. Đồng thời, có nhiều xét nghiệm còn cho thấy các vi khuẩn gây bệnh đường ruột khác như leptospira, brucella, tularensis… tồn tại trong nước tự nhiên và trong nước uống.

 

Chi Chi 

Bệnh viện Hạnh Phúc