Có những nghề dập vùi trong tâm trí
Giữa bon chen đời yêu mến tôn thờ
Có con người hạnh phúc rất đơn sơ
Chọn nuôi trẻ, đưa đò làm lẽ sống!….

(Phunuhiendai.vn)-Đến với nghề là một chữ “duyên”, gắn bó với nghề là một chữ “định” cô theo nghề giáo từ ngày đó. Cô là ThS. Nguyễn Thanh Mai – Hiệu trưởng Trường TH, THCS, THPT Việt Mỹ (VASS),  một người đã từng gắn bó hơn 20 năm trong lĩnh vực giáo dục và xem đó là “nguồn sống” là niềm hạnh phúc được cống hiến cho tương lai một đời người.

Nghề chọn tôi!!!

Ngày nhỏ, cô thường nghe người ta nói rằng “nghề chọn người”, thế nhưng đến khi đứng trước ngã rẽ cuộc đời “cô lại chọn nghề” và tin chắc rằng câu nói ngày trước đã sai hoàn toàn. Bởi lẽ, bản thân cô được đào tạo để trở thành diễn viên điện ảnh (năm 1996) nhưng có lẽ nghiệp truyền thống 3 đời “Nam y – Nữ giáo” của gia đình. Chính vì thế, khi nghề giáo đã chọn, cô sẵn sàng cống hiến trở thành người lèo lái những “chuyến đò” đưa các thế hệ sang sông.

ThS. Nguyễn Thanh Mai – Hiệu trưởng Trường TH, THCS, THPT Việt Mỹ (VASS)

Ngày xưa, nghề giáo được xem là một nghề vô cùng cao quý và trở thành biểu tượng của xã hội về những chuẩn mực, địa vị và sự thành đạt. Ngày nay, đáng buồn thay nghề giáo lại trở thành đường cùng khi “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Nhiều người đã hỏi cô: “Có hối hận, có chạnh lòng không?”,… nếu như… ngày trước theo đuổi nghiệp diễn hơn là cái nghề giáo “ba cọc, ba đồng” này,… . Và cô điềm tĩnh trả lời rằng: “Người ta xem sư phạm là ngành nghề không ai muốn vào với nhiều lý do khác nhau như: thí sinh mất niềm tin vào ngành Giáo dục, không thể thi được ngành khác thì mới chọn Sư phạm, thất nghiệp khi ra trường, lương thấp, dạy những học sinh cá biệt,… và rất nhiều tiêu cực mà truyền thông đưa tin trong thời gian qua. Chính vì thế, đôi lúc tôi cũng hơi chạnh lòng trước thực trạng này nhưng tôi chấp nhận bước tiếp con đường mình đã chọn, xem đó là những thử thách cho bản thân và mạnh mẽ vượt qua vì các cộng sự của mình, vì các em học sinh thân yêu. Vì vậy, nếu cho lựa chọn lại, tôi vẫn chọn nghề giáo vì tôi yêu trẻ, yêu nghề. Đây là nghề phù hợp với tính cách của tôi, phù hợp với nghề truyền thống của gia đình. Ngọn lửa nhiệt huyết, đam mê của tôi với nghề luôn bùng cháy, mặc dù nghề giáo còn gặp nhiều khó khăn và nhiều gian nan, thử thách…”

Đối với các em học sinh ,tôi là …người bạn đồng hành

Khi nghe đến danh xưng “Cô Hiệu trưởng”, nhiều em học sinh cảm thấy run sợ và vô hình chung các em có khoảng cách lớn với người đứng đầu ngôi trường mình theo học. Tuy nhiên đối với cô lại rất đơn giản, mọi thứ làm cho học trò của mình xuất phát từ lòng yêu nghề, tình yêu trẻ và luôn mong muốn mang lại những điều tốt đẹp nhất cho các em. Chính vì thế, yếu tố tinh thần ấy làm nên nguồn năng lượng dồi dào để cô có thể thực hiện niềm đam mê này. Và hơn thế, khi gần gũi các em, cô hiểu được tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, trở ngại… mà các em đang gặp. Từ đó, cô có hướng giúp đỡ các em và xây dựng những chương trình giáo dục kỹ năng sống, những buổi ngoài giờ lên lớp phù hợp và hiệu quả hơn.

Đối với các em học sinh, cô trở thành người bạn đồng hành

Thấy cô tiếp xúc với các học trò, đồng hành với các em như một người bạn nhiều người còn nói vui rằng nhìn cô như trở về tuổi thanh xuân của mình và “trẻ mãi không già”. Cô dí dỏm đáp lại “Dường như ai làm nhà giáo cũng cảm thấy mình mãi ở tuổi trẻ tràn đầy nhiệt huyết và sức lực chứ không phải riêng một mình tôi đâu!”.

Niềm vinh dự của tôi là các em học sinh

Thời gian thấm thoát trôi, VASS đã vào năm học thứ 16, bao nhiêu thế hệ học trò dưới “mái nhà” chung này đã rất thành đạt. Nhiều học sinh đã lấy được các chứng chỉ Cambidge, bằng tốt nghiệp Tiểu học Quốc tế ICAS, bằng tốt nghiệp Trung học IGCSE với kết quả cao. Nhiều em đã tốt nghiệp hoặc vừa mới bước chân vào các trường Đại học lớn như Đại học Bách Khoa, Ngoại Thương, Kinh tế, Khoa học Xã hội và Nhân văn; các trường Đại học Quốc tế như RMIT, Việt Đức… và có những em đạt được những suất học bổng du học tại Mỹ, Anh, Úc, Canada… lên đến hàng chục ngàn USD,… . Ánh mắt của cô khi nhắc đến các học trò của mình luôn dâng trào cảm xúc, niềm vui và tự hào khôn xiết.

….và hạnh phúc, tự hào khi các em thành đạt

Đối với các học trò, cô thân tình, gần gũi là thế nhưng trong công việc, cô là người cầu toàn, gương mẫu và nghiêm khắc với bản thân. Cô chia sẻ: “Khi đã làm, tôi làm việc bằng cái tâm, kiên nhẫn, làm đến nơi đến chốn, toàn tâm toàn ý, trách nhiệm với công việc…  Ngoài ra, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất của một người làm giáo viên là phải yêu trẻ. Hơn nữa, đây cũng là một nghề  ‘làm dâu ngàn họ’ và vô cùng vất vả, chỉ dành cho những ai yêu và quyết tâm đến với nghề ‘gõ đầu trẻ’”.

Là hiệu trưởng của một ngôi trường đã không hề đơn giản, nhưng cô còn là người đứng đầu của một trường song ngữ nên gánh nặng và trách nhiệm cũng nhiều hơn gấp bội. Do đó, cô không ngừng tìm tòi cái mới, cập nhật những phương pháp hiện đại, trang bị cho các em học sinh những kỹ năng mềm cần thiết, hữu ích: kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin; trang bị những kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, lãnh đạo, kỹ năng trình bày, quản lý thời gian…; tham gia vào công tác xã hội để biết chia sẻ và đoàn kết; biết cách tự bảo vệ bản thân và những người xung quanh; biết cách cân bằng cuộc sống để khỏe mạnh về thể chất, tinh thần thông qua các hoạt động rèn luyện thể thao, giáo dục sức khỏe,…

Một nhà giáo yêu nghề, tâm huyết và luôn trăn trở với thế hệ tương lai

Ngoài ra, thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin, các em học sinh thiếu kiến thức sẽ dễ nhiễm tin xấu trên mạng xã hội, từ bạn bè… làm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và đời sống tinh thần của các em. Do đó, cô xây dựng hẳn đội ngũ Chuyên viên Tâm lý, có riêng P.Tư vấn Tâm lý để chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các em học sinh, tổ chức các chuyên đề về giáo dục giới tính, bảo vệ sức khỏe tuổi dậy thì, tình bạn – tình yêu tuổi học trò…

Người “lái đò” ấy cứ thế tảo tần ngày này qua tháng nọ, năm này đến năm kia để rồi đưa hết lớp này đến lớp khác sang sông. Con đò trải qua bao năm sóng gió dưới tay người lái đò ngày một vững chắc, êm ả xuôi buồm qua từng cơn bão. Những người qua đò có thể nhớ, có thể quên nhưng với người lái đò ấy sẽ là từng ký ức, khoảnh khắc quý giá của cả cuộc đời theo nghiệp giáo dục. Thời gian chính là thứ vô tình nhất đối với con người, nhưng dù sau này là 10 năm, 20 năm,… hay lâu hơn thế, những thế hệ trẻ thành đạt đã từng đi trên những chuyến đò năm xưa sẽ góp phần đưa đất nước phát triển và thành tựu đó công đầu thuộc về… người “lái đò” xưa cũ.

…Nghề Nhà giáo muôn đời vẫn vậy
Tiễn trò đi là thấy vinh quang
Một nghề cao quý đàng hoàng
Mỗi năm một chuyến “đò ngang” gửi lòng….

Trinh Trinh

*Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media

 

 

 

 

 

 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc