Thiết kế nhà ở cho gia đình có trẻ con – nhất là đối với nhà ở đô thị – không chỉ liên quan đến các yêu cầu về tổ chức không gian, vật dụng nội thất, màu sắc… mà còn phải lưu tâm đến sự an toàn cho trẻ và không gian phải có độ “linh động” và sẵn sàng chuyển đổi theo sự lớn lên của trẻ.

TRẦN QUANG NGHĨA
KIẾN TRÚC SƯ CẢNH QUAN
KHÔNG ĐƠN THUẦN LÀ TẠO HÌNH

Khi chưa lập gia đình, tôi hay thiết kế các không gian có trẻ em sinh hoạt dưới lăng kính của mình, do mình hay tham khảo đó đây và có khuynh hướng “hoạt hình hóa” các không gian. Sau này khi lấy vợ sinh con, rồi phải chơi với con, tạo chỗ chơi cho con, tôi mới chợt nhận ra mình đã từng ngộ nhận và thơ ngây quá. Tôi mới thử “phỏng vấn nhu cầu” 3 đứa trẻ từ 4 đến 10 tuổi để xem chúng muốn nhà mình trông thế nào khi xây mới.

Khi chưa lập gia đình, tôi hay thiết kế các không gian có trẻ em sinh hoạt dưới lăng kính của mình, do mình hay tham khảo đó đây và có khuynh hướng “hoạt hình hóa” các không gian. Sau này khi lấy vợ sinh con, rồi phải chơi với con, tạo chỗ chơi cho con, tôi mới chợt nhận ra mình đã từng ngộ nhận và thơ ngây quá. Tôi mới thử “phỏng vấn nhu cầu” 3 đứa trẻ từ 4 đến 10 tuổi để xem chúng muốn nhà mình trông thế nào khi xây mới. Kết quả thật bất ngờ: rau cỏ để tưới, bãi cát để nghịch, một tấm bảng hay mặt bàn to để vẽ, một tấm nệm lớn để nhún nhảy! Và không có trẻ nào chọn màu hồng dù là con gái, chọn siêu nhân dù là con trai, hay chọn cây nấm, người khổng lồ hoặc các nhân vật hoạt hình. Có thể 3 đứa trẻ tôi hỏi không đại diện cho số đông và các sở thích phổ biến, nhưng tôi tin rằng trẻ em ngày nay đã bị “già trước tuổi” so với thế hệ trước, bởi dễ dàng tiếp cận thông tin, hình ảnh ở khắp nơi.

Nhưng chúng vẫn là những đứa trẻ như mọi chúng ta: khao khát thiên nhiên khi bị “nhốt” trong lòng đô thị chật hẹp, thích nghịch ngợm khi bị gò bó quá nhiều theo các khuôn mẫu, và đam mê sáng tạo, dù chỉ là tháo tung cái gì đó ra, hay bày bừa trên giường những miếng vải vụn…

Tác động của không gian chung quanh lên trẻ em không đơn thuần đến từ nghệ thuật tạo hình, kiểu “cây gì con gì” trông thế nào, mà nên hướng đến tính tối ưu của các chức năng. Nếu không thể làm toàn nhà như một thế giới tuổi thơ thì ít nhất phòng riêng cho trẻ cần tổ chức công năng – thiết bị – vật dụng đúng với lứa tuổi và giới tính, có khả năng nâng cấp khi trẻ lớn lên.

Tránh các loại đồ đạc của người lớn đem vào dùng trong phòng trẻ, ví dụ như ghế xoay kiểu văn phòng, các thiết bị điện di động như quạt

đứng, các loại kệ cao phải với tay khi dùng… dễ gây nguy hiểm cho trẻ. Thậm chí công tắc, ổ cắm điện phòng trẻ cũng phải chọn loại chuyên biệt, có nắp đậy chống nghịch phá, hạn chế tối đa thiết bị, vật dụng có góc cạnh và vật liệu trơn bóng, dễ vỡ như gương, gạch bóng kính…

Nhiều người cũng hay lo ngại chuyện nhà nhỏ sẽ thiếu chỗ cho trẻ chơi cùng thiên nhiên. Tôi lại nghĩ khác. Chỉ cần một khung cửa sổ có cây xanh, một bệ ngồi chơi nhìn ra khoảng trời, hay một tủ cá cảnh bé xíu mà khéo chăm sóc… thì cũng đã làm nên “góc sân và khoảng trời” rồi. Từ ngoài đi vào trong, rồi từ trong đi ngược ra ngoài, tôi nghĩ rằng kiến trúc nói chung, nội thất hay cảnh quan nói riêng đều gắn chặt cùng nhau trong bài toán tổng thể để tạo dựng không gian sống. Cho con trẻ thực ra cũng là cho chúng ta, những người lớn vì nhiều lý do đã bị “đánh rơi tuổi thơ” đâu đó .

Vì thế, theo tôi không gian cho trẻ nhỏ cần được tạo ra những chỗ học mà chơi, đa năng và sạch sẽ, dễ thay đổi và an toàn, gợi trí tưởng tượng và nên có sự linh động. Từ đó sẽ góp phần hình thành khái niệm “thiết kế bền vững” là một khái niệm rất mở. Ít chi tiết phức tạp nhưng giàu khả năng biểu đạt, ít ngăn chia cứng nhưng nhiều linh động trong sắp xếp biến đổi, và tạo nên một “tấm bảng trắng” đủ rộng cho trẻ thỏa sức tung tăng.

Yếu tố an toàn đặt lên hàng đầu, và an toàn theo tôi cần hiểu từ phần khung cơ bản cho đến hoàn thiện chi tiết, như chọn vị trí phòng trẻ ở đâu trong toàn nhà, tránh việc thường xuyên lên xuống thang giữa các tầng khi cần các chức năng liên hoàn nhau nhất là với trẻ còn nhỏ, như chỗ ngủ chỗ chơi – pha sữa và cho ăn – khu vệ sinh cần liên hoàn trên một sàn. Không phải vô cớ căn hộ chung cư thường là lựa chọn của vợ chồng trẻ có con nhỏ, vì ưu điểm cùng một sàn quây quần dễ coi sóc trẻ hơn là nhà phố nhiều tầng. Hoặc khi trẻ lớn hơn có chỗ học thì phòng cha mẹ phải liền kề để tiện việc quan sát, kiểm soát, tránh tình trạng “thả lỏng” cho trẻ riêng tư hoàn toàn. Về mặt kỹ thuật, các chi tiết như cửa, vách ngăn, lan can thang nếu bằng kính thì phải dán decal hay trang trí sao cho trẻ không bị nguy hiểm. Người lớn thậm chí cần phải cách ly không gian trẻ với các khu vực có nguy cơ cao như nhà xe, máy móc thiết bị chuyên dụng, bếp núc, hồ nước… trong giai đoạn trẻ còn bé.

TÔ MAI CA
THẠC SĨ KIẾN TRÚC SƯ
GIẢNG VIÊN

AN TOÀN, TỐI GIẢN VÀ LINH ĐỘNG

Tôi thấy 2 đứa con của mình đều thích vẽ lung tung khắp nơi, mà mấy tấm bảng hay bàn vẽ đều không đủ, các bức tường trong nhà đều thành bảng vẽ của chúng, cứ vài tháng là phải sơn lại!  Do đó tôi cho rằng trước tiên cần phải hiểu rõ trẻ thích gì thì mới có thể tạo dựng không gian thích hợp, chứ không nên áp đặt chung chung. Những giải pháp cho không gian của trẻ em thường có mẫu số chung là tạo sự tươi vui, hồn nhiên… nhưng làm đến một mức nào đó thì thành ra trang trí rực rỡ, tô vẽ hoạt hình và bắt đầu xa rời thực tế. Thực tế theo tôi ở đây là đặc thù tâm sinh lý phát triển ở trẻ nhỏ thay đổi theo từng giai đoạn nhất định của trẻ cũng như của chính không gian xã hội mà trẻ sống. Nếu chỉ nghĩ rằng trẻ em thích màu sắc, hình thú, xe hơi hay búp bê thì có lẽ người thiết kế đã tự mình giới hạn và áp đặt trong suy nghĩ, rồi từ đó biến việc thiết kế không gian cho trẻ thành tô vẽ, mua sắm cho các diện tích, các bức tường…. cứng nhắc và đơn điệu.

NGÔ THANH ĐIỀN
DOANH NHÂN
CẦN KHỞI ĐẦU TỪ TÌNH YÊU THƯƠNG

Tuy không phải là nhà thiết kế nhưng tôi có cơ duyên thường xuyên tổ chức không gian sinh hoạt, vui chơi cho con cái mình và trẻ em cộng đồng, nên có góc nhìn đa chiều về vấn đề này. Thứ nhất là khía cạnh tiêu dùng, cần xem việc chọn lựa đồ cho con trẻ là thái độ tiêu dùng có cân nhắc và đặt tính an toàn, tiện lợi lên hàng đầu, chứ không phải là vẻ đẹp hay thương hiệu đắt tiền. Trẻ xài đồ không chỉ thích vì nó đẹp hay ngộ nghĩnh, bởi hiện nay trẻ ngày càng thông minh và thực tế lắm. Bộ tủ mà không tháo ráp kết nối thêm để chứa được nhiều đồ là không chịu, bàn học mà bị đóng cứng vào tường, thiếu chỗ treo hay móc vật dụng xinh xắn là đòi thay đổi thường xuyên. Tôi vui mừng vì ngày càng có nhiều “tiếng nói” từ những khách hàng nhí như vậy, chứ không còn là những nhóm khách hàng hưởng thụ thụ động như trước kia, cha mẹ mua cho cái gì phải xài cái đó nữa.

Thứ hai là góc nhìn về sáng tạo. Sự thiếu tưởng tượng trong cuộc sống sẽ làm mai một dần đi mọi sáng tạo, và hãy nhìn những đứa trẻ được thỏa sức tưởng tượng mà xem: bạn không cần và không nên áp đặt một cái gì cụ thể cho chúng! Thế giới của trẻ khởi điểm từ các trò chơi, các tác động nhận thức từ mọi giác quan, rồi sau đó mới bàn thêm về ý nghĩa. Mọi thứ và mọi góc cho trẻ chơi đa số chẳng cần ý nghĩa cao siêu gì cả. Trẻ phải chạm vào, lắng nghe, nhìn ngắm, thậm chí nếm thử, tháo tung ra… để khởi điểm cho mọi tìm tòi và trải nghiệm. Nếu không gian cho trẻ mà có chuẩn mực như các… bài văn mẫu thì quả là thảm họa với các trái tim và đôi mắt thơ ngây!

Thứ ba là góc nhìn về sự nuông chiều tự do hay giáo dục chuẩn mực. Chiều trẻ không có nghĩa là để không gian luông tuồng muốn ra sao thì ra. Vì tâm lý thông thường đa số trẻ rất mau chán và muốn nhiều thêm, muốn khác biệt và gần như không giới hạn. Vì vậy làm ngôi nhà tốt cho trẻ còn cần thêm ý nghĩa giáo dục về giới hạn, chứ không thể biến phòng trẻ thành vườn thú hay sân bóng. Những định vị rõ ràng bằng giới hạn không gian, các quy định chơi và học có giờ giấc, nề nếp sẽ tạo nên thói quen tốt cho trẻ từ sớm, giữ được sự quân bình để không tạo nên những con người sau này hành xử theo kiểu “no dồn đói góp” hay “lúc trẻ không chơi – về già mất nết”.

Cho dù có bao nhiêu cách thức nhìn nhận thì suy cho cùng cần tổ chức không gian cho trẻ con bằng tình yêu thương và trách nhiệm với thế hệ tương lai. Thay vì phó mặc cho nhà trường hoặc nơi công cộng, quan điểm của tôi thoải mái, sáng tạo và có kiểm soát tốt.

Theo Tạp chí KTNĐ 6-2018

 

 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc