(Phụ Nữ Hiện Đại) – Với những người chứng kiến Nguyễn Hoàng Yến trưởng thành, em là biểu tượng của năng lượng tích cực, nỗ lực không ngừng trong cuộc sống vì những lý tưởng đẹp, và hơn hết, là ví dụ điển hình về những thay đổi kỳ diệu mà giáo dục chất lượng có thể đem đến cho một cá nhân.

Ước mơ nhỏ trong căn nhà trên sông

Tuổi thơ của Yến không lý tưởng để một đứa trẻ có thể can đảm ước mơ. Ba mẹ Yến qua đời khi em còn rất bé. Yến sống cùng bà trong căn nhà lụp xụp ở xóm thuyền Gạch Ông, Quận 7.

Phải vừa học vừa làm để kiếm sống, nghĩ về ước mơ tương lai là điều dường như hoang đường với Yến – cho đến khi em gặp nhà làm phim, nhà hoạt động xã hội người Mỹ Leslie Wiener.

“Cháu là một nhà thiết kế tuyệt vời”, Leslie khen ngợi khi thấy bé gái 10 tuổi có thể sáng tạo những ngôi nhà đồ chơi từ giấy rác và bao bì đã qua sử dụng.

Chính câu nói đó đã giúp Yến biết và hướng về “thiết kế” như điều hiếm hoi em dám mơ ước cho tương lai của mình.

Hoàng Yến (Ngoài cùng bên phải hàng sau) và bạn bè quốc tế trong chương trình trao đổi đến Tây Ban Nha

Hướng về ánh sáng

Năm bà mất, Yến trở nên cô độc giữa cuộc đời. Nhưng nội lực trong em thì ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ.

Các giáo viên tình nguyện và mạnh thường quân không khỏi ấn tượng với cô bé gầy gò, đen nhẻm nhưng vô cùng siêng năng, ham học này. Em được tài trợ để theo học một khóa ngắn về thiết kế, giúp em đặt những viên gạch đầu tiên trong hành trình xây dựng ước mơ của mình.

Đó cũng là thời điểm Yến gặp cô Phoenix Hồ, Chuyên viên Tư vấn hướng nghiệp tại RMIT Việt Nam lúc bấy giờ, và được cô động viên ứng tuyển cho Học bổng Chắp cánh ước mơ của RMIT Việt Nam.

“Em đạp xe ngang qua RMIT Việt Nam nhiều lần nhưng chưa bao giờ dám dừng lại để ngắm nhìn, huống chi là ước mơ được học tại đây”, Yến kể lại. “Em chỉ cần có cơ hội được học, thì dù là ở đâu, em cũng trân trọng và cố hết sức”.

Câu chuyện của Yến và những phẩm chất đáng quý của em đã thuyết phục được hội đồng xét duyệt học bổng tại RMIT Việt Nam, và suất học bổng toàn phần là đòn bẩy giúp cô gái nhỏ giàu nghị lực bắt đầu hành trình mới với những đổi thay đầy cảm hứng.

Sự trở mình ngoạn mục

Đúng như lời em nói, Yến nắm bắt từng giây phút mà mình có được tại RMIT Việt Nam.

Em chăm chỉ và đam mê học ngành Thiết kế (Truyền thông đa phương tiện), năng nổ tham gia các hoạt động ngoại khóa về môi trường và xã hội, và không quên thử sức mình với môn thể thao frisbee. Yến thường xuyên giữ liên lạc và hỗ trợ những tổ chức phi lợi nhuận đã từng giúp đỡ em.

Năm 2016, em còn mạnh dạn ứng cử tham gia chương trình trao đổi sinh viên của trường và đến Tây Ban Nha học về các vấn đề xã hội và phát triển con người.

“Kiến thức xã hội là chất liệu quan trọng trong thiết kế, đặc biệt khi em mong muốn tạo ra được những thiết kế ý nghĩa và có giá trị cho cộng đồng”, Yến chia sẻ.

Từ một cô bé nhút nhát, không dám ước mơ, luôn trốn trong thế giới riêng của mình, đến nữ sinh viên năm cuối dám nghĩ dám làm, có giá trị và hướng đi riêng trong công việc, Yến biết mình đã đi được một quãng đường dài.

“Tại RMIT Việt Nam, em không chỉ có cơ hội theo đuổi ước mơ trở thành nhà thiết kế đồ hoạ nhưng còn tìm thấy chính mình và giá trị nghề nghiệp mà mình theo đuổi. Học bổng RMIT Việt Nam với em là ví dụ điển hình về bình đẳng trong giáo dục vì trao cho những cá nhân có hoàn cảnh khác nhau cơ hội ước mơ và điều kiện để theo đuổi ước mơ ấy”, Yến nhấn mạnh vào giá trị và tác động thực sự của giáo dục chất lượng cao.

Hoàng Yến (Hàng 2, thứ 5 từ trái) cùng câu lạc bộ thể thao Frisbee, một phần không thể thiếu trong cuộc sống sinh viên của Yến tại RMIT Việt Nam

Thiết kế cho cộng đồng

Dù trải qua nhiều biến cố và lớn lên trong môi trường mà ít ai có thể gọi là “lành mạnh”, Yến vẫn lạc quan, luôn tìm kiếm và tin vào những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

Kể về những người em đã gặp trong cuộc sống, Yến nói: “Em thấy mình rất may mắn khi gặp được những người tốt vô điều kiện. Họ đã tạo cảm hứng giúp em muốn tiếp bước trên hành trình đóng góp cho xã hội”.

Và Yến chọn thiết kế làm công cụ thực hiện ước nguyện ấy. Em tham gia OUCRU, đơn vị nghiên cứu lâm sàng và sức khoẻ cộng đồng tại Việt Nam, với vai trò thiết kế. Tại đây, Yến chịu trách nhiệm đưa các thông tin giáo dục về phòng chữa bệnh vào những ấn phẩm thiết kế phù hợp với công chúng.

Yến còn sử dụng kiến thức và kỹ năng thiết kế của mình để hỗ trợ Dịch vụ bình đẳng giáo dục (ELS) tại RMIT Việt Nam trong phát triển mô hình hỗ trợ sinh viên có nhu cầu học tập khác biệt ở các trường đại học khác.

“Em không muốn trở thành nhà thiết kế đồ hoạ đơn thuần mà mong muốn mỗi thiết kế của mình phải mang ý nghĩa cụ thể và có thể truyền đạt được đến tất cả mọi người và mọi tầng lớp trong xã hội”, Yến chia sẻ về những giá trị nghề nghiệp của mình.

Khi được hỏi về tương lai, Yến say mê kể về giấc mơ lớn với bộ phim tài liệu về các đề tài xã hội, với những thước phim truyền tải những câu chuyện chân thực, mang tính nhân văn và lay động lòng người.

“Điều tuyệt vời mà RMIT đem đến cho em không phải là một tấm bằng có giá trị hay một công việc tốt, mà là năng lực và sự tự tin để em có thể bước tiếp và tiến lên phía trước, luôn phấn đấu trở thành phiên bản tốt nhất có thể của chính bản thân. Với món quà được trao và những điều đã có được, em muốn tiếp tục duy trì lửa nhiệt huyết với nghề của mình, muốn tiếp tục hăng say sáng tạo, hăng say thiết kế và hăng say cống hiến cho xã hội”. 

Một số loại học bổng RMIT Việt Nam sẽ trao trong năm 2018

Loại học bổng Số lượng Trị giá so với học phí
Học bổng Hiệu trưởng 8 100%
Học bổng các ngành học sáng tạo 4 50%
Học bổng ngành Digital Marketing 2 50%
Học bổng ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics 1 50%
Học bổng ngành Quản trị du lịch và khách sạn 2 50%
Học bổng ngành Ngoại ngữ 2 50%
Học bổng Công nghệ dành cho nữ sinh 4 50%
Học bổng Công nghệ 1 50%
Học bổng thành tích học tập xuất sắc cho sinh viên tương lai 15 50%
Học bổng thành tích học tập xuất sắc cho sinh viên tương lai 15 25%

Thông tin về học bổng RMIT Việt Nam có thể tìm thấy tại ĐÂY

(Nguồn: RMIT)

 

 

*Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media

Bệnh viện Hạnh Phúc