Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành Công ty Anphabe tốt nghiệp xuất sắc Đại học Ngoại thương Hà Nội năm 2000. Năm năm sau, Nguyễn Thị Việt Thanh (Thanh Nguyễn) trở thành người Việt Nam đầu tiên đảm nhiệm vị trí Trưởng nhãn hàng cao cấp khu vực châu Á, châu Phi và Trung Đông của Tập đoàn Unilever. Trong ba năm ở Bangkok, chị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao song song với việc… sinh liên tiếp hai cô con gái. Gia đình hạnh phúc, con đường thăng tiến rộng mở, nhưng chị đã quyết định rời khỏi tập đoàn, trở về

Việt Nam khởi nghiệp nhằm thực hiện những khát vọng lớn hơn của mình.

DN577_Antrua031014_Thanh-Nguyen

Là nhà tư vấn hiếm hoi về Thương hiệu Nhà tuyển dụng ở cả Việt Nam và khu vực, Công ty Anphabe của chị hiện nay đang đi tiên phong trong việc đưa hoạt động markerting chuyên nghiệp vào bộ phận nhân sự của các tập đoàn – công ty lớn. Chị có thể chia sẻ ý tưởng này của chị bắt đầu từ đâu?

Khi quyết định nghỉ công ty lớn để khởi nghiệp hơn sáu năm trước, tôi từng nghĩ coi như mình bỏ nghiệp marketing để bắt đầu lại từ đầu với nghề nhân sự (công ty khởi nghiệp đầu tiên của tôi là Caravat.com, cổng thông tin việc làm mức lương trên 1.000 USD kết hợp chức năng mạng xã hội đầu tiên tại Việt Nam mà tôi hợp tác cùng Navigos Group để xây dựng). Qua quá trình làm việc tôi nhận thấy các tập đoàn – công ty lớn đều có nhu cầu tạo dựng thương hiệu, hình ảnh hấp dẫn cho công ty mình dưới góc độ là nhà tuyển dụng để có thể thu hút và giữ chân nhân tài tốt hơn. Nhà tuyển dụng trong mắt nhân viên và ứng viên thực ra cũng giống như một sản phẩm đặc biệt vậy. Muốn “bán” được thì cần phải có một sản phẩm thật tốt, đáp ứng đúng nhu cầu và được marketing một cách hiệu quả và hấp dẫn. Cả quá trình đó đòi hỏi người làm nhân sự phải có cái đầu của một nhà tiếp thị giỏi trong khi trên thực tế, việc này không dễ. Các công ty marketing cũng ít phục vụ được nhu cầu này của nhân sự do họ không hiểu nhiều về lĩnh vực nhân sự đặc thù.

Tôi may mắn có được sự thông hiểu nhu cầu nhân sự kết hợp với kinh nghiệm xây dựng nhãn hiệu bài bản. Chính vì thế với công ty khởi nghiệp thứ hai là Anphabe, chúng tôi đã mạnh dạn định vị mình là đơn vị tiên phong về các dịch vụ Thương hiệu Nhà tuyển dụng. Lĩnh vực này không chỉ mới ở Việt Nam mà còn đang là trào lưu mới trên thế giới. Bên cạnh đó, Anphabe còn sở hữu và quản lý mạng cộng đồng nghề nghiệp cấp quản lý lớn nhất Việt namAnphabe.com với hơn 500.000 thành viên. Xu thế “số hóa” tất yếu các hoạt động marketing cũng đem lại cho Anphabe lợi thế rất lớn khi có thể kết hợp hoạt động Thương hiệu Nhà tuyển dụng cho khách hàng trên kênh tiếp cận nhân tài này.

Vậy có nghĩa là chị đã tìm được cho mình một thị trường ngách hoàn toàn mới? Việc khai phá thị trường mới này hẳn là có nhiều thử thách?

Bản thân tôi luôn thích chinh phục cái mới nên những thử thách đều khiến tôi hứng thú và qua đó, tôi luôn có thể tiếp tục học hỏi và hoàn thiện bản thân mình. Tôi đã làm việc với hầu hết các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam và nhận được sựủng hộ nhiệt tình vì nhu cầu phát triển Thương hiệu Nhà tuyển dụng là có thật và hiện chưa được đáp ứng tốt. Nhiều nghiên cứu gần đây của Anphabe về xu hướng dịch chuyển nhân sự tại Việt Nam cho thấy những công ty có hình ảnh tốt về tuyển dụng sẽ thu hút nhân tài hiệu quả hơn 1,5 lần, có mức cam kết gắn bó của nhân viên cao hơn 30% so với những công ty còn lại. Trung bình, các công ty có thương hiệu tuyển dụng kém hấp dẫn phải trả lương cao hơn từ 30% – 50% thì mới thu hút được nhân tài cho cùng vị trí từ các công ty có thương hiệu tuyển dụng uy tín.

Đưa ra một dịch vụ hoàn toàn mới như vậy hẳn chị đã phải đầu tư nhiều công sức để tạo được quy trình hoạt động. Chị có sợ sản phẩm của mình sẽ bị sao chép không?

Đại dương xanh nào rồi có ngày cũng sẽ nhuốm đỏ. Tôi luôn thích đi tiên phong và tôi tin một điều rằng dù người mở đường chưa chắc đã là người hưởng lợi nhiều nhất, song họ sẽ là người học hỏi được nhiều nhất. Nhu cầu được học hỏi, được khai phá những điều mới mẻ của tôi rất lớn. Việc dịch vụ trên được thị trường đón nhận đối với tôi đã là niềm hạnh phúc.

Một “đặc sản” của Anphabe là hàng loạt các cuộc khảo sát thực hiện trong giới nhân sự có kinh nghiệm ở các nước. Vậy chị có nhận xét gì về giới lao động trí thức Việt Nam so với các nước trong vùng?

So với một số nước trong khu vực châu Á mà chúng tôi đã có cơ hội làm việc và khảo sát thì nhân sự Việt Nam có nhu cầu vươn lên và khẳng định bản thân rất lớn. Chính vì thế khi chọn nơi làm việc, họ đưa yếu tố cơ hội thăng tiến và học hỏi lên hàng đầu trong khi giới trẻ Singapore chẳng hạn lại rất đặt nặng yếu tố thu nhập. Theo tôi đây là một tín hiệu đáng mừng. Ngoài ra khi tham dự các hội thảo, diễn đàn dành cho doanh nghiệp trẻ, tôi cũng thấy được tinh thần học hỏi và lòng kiên trì của một bộ phận người trẻ Việt Nam. Thời gian qua nhiều doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, cũng chính các doanh nghiệp đó đã mở cửa trở lại để tiếp tục tìm tòi thử nghiệm tiếp những hướng đi mới.

Nhân sự Việt Nam có nhu cầu vươn lên và khẳng định bản thân rất lớn.

Chỉ sau hai năm hoạt động, Anphabe đã nhận được vốn đầu tư từ Recruit Holdings, tập đoàn giải pháp nhân sự hàng đầu thế giới đến từ Nhật Bản. Chị có thể chia sẻ cách mà chị thu hút đầu tư quốc tế?

Thật ra tôi luôn nghĩ để đi đường dài trong những lĩnh vực tiên phong mới mẻ, mình sẽ rất cần sự trợ giúp cả về vốn và kinh nghiệm của những đối tác quốc tế dày dạn kinh nghiệm. Tuy nhiên tôi lại không nhắm tới các quỹ đầu tư bởi vì trong lĩnh vực có tính chuyên môn cao mà Anphabe đang hoạt động, các quỹ đầu tư ít tư vấn được về chiến lược trong khi sẽ tạo nhiều áp lực về doanh số và lợi nhuận nên sẽảnh hưởng tới tầm nhìn lâu dài mà tôi muốn xây dựng. Vì thế việc được Recruit Holdings – một tập đoàn nhân sự khổng lồ để mắt tới khi doanh nghiệp của mình còn mới ở “giai đoạn trứng nước” thực sự nằm ngoài mong đợi ban đầu của tôi.

Năm 2011, Recruit Holdings bắt đầu có ý định tìm cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Trong quá trình tìm kiếm thông tin, họ có tham gia mạng cộng đồng Anphabe.com để kết nối thêm các mối quan hệ. Người đại diện của tập đoàn liên hệ với tôi vì thấy rất ấn tượng với chức danh của tôi trên Anphabe là “Chief Opportunity Connector” (tức là Người Kết nối Cơ hội) và nhờ tôi giới thiệu họ với những doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến trong lĩnh vực ẩm thực và bất động sản. Thấy việc này đúng với sở trường thích kết nối của mình nên tôi đã giúp họ nhiệt tình trong hơn một năm trời mà không đòi hỏi chi phí gì cả. Một ngày đẹp trời, người đại diện này trong chuyến công tác đến Việt Nam đã cho tôi biết rằng ông đã thuyết phục Recruit Holdings đầu tư thêm vào ngành nhân sự tại Việt Nam, cụ thể là đầu tư vào Anphabe. Điều này với tôi quả là món quà bất ngờ, bởi lúc đó Anphabe mới được hai tuổi và chiến lược phát triển còn chưa thật rõ nét. Người Nhật là vậy, trước khi nhìn vào ý tưởng kinh doanh, họ chọn con người. Tôi cho là sự nhiệt tình, tính chuyên nghiệp và đam mê kết nối là những yếu tố tạo ra may mắn cho mình.

Cường độ làm việc “khủng khiếp” là điều mà người khác thường nói về chị, song mọi người cũng thường thấy chị với ông xã và hai cô con gái cùng đi du lịch, cùng nấu ăn hay cắm hoa… Chị sắp xếp thời gian thế nào để có thể cân bằng cuộc sống?

Theo tôi, mỗi người sẽ có một khái niệm cân bằng khác nhau và không ai giống ai. Tôi vốn là người có cá tính mạnh và yêu thích hoạt động nên cân bằng không phải là giảm làm việc, tăng nghỉ ngơi mà là được làm tất cả những gì mình thích một cách khoa học. Tôi chia cuộc sống của mình thành chín phần rõ ràng: sức khỏe, công việc, gia đình, bạn bè, sắc đẹp, tài chính, cống hiến xã hội, khám phá cuộc sống và đời sống tâm linh. Và để có được cảm giác cân bằng và hạnh phúc, tôi sẽ phải sắp xếp để dành đủ thời gian, tâm trí cho tất cả các phần đó. Mỗi phần cuộc sống này với tôi như một nhánh rễ cây cuộc đời vậy. Cây càng nhiều rễ, thì càng dễ vươn cao, và trong “bão táp” thì càng có nhiều điểm để bám vững.

Nghe thì có vẻ tham lam nhưng nếu ai đã đọc cuốn sách Quẳng gánh lo đi và vui sống của Dale Carnegie thì sẽ thấy chúng ta có thể làm việc nhiều mà vẫn khỏe mạnh, tươi vui. Khác về cách nghĩ thông thường “Làm việc nhiều khiến tôi bị mệt mỏi”, Dale Carnegie đã chỉ ra rằng sự chăm chỉ đang bị hàm oan vì theo nhiều nghiên cứu, não bộ vẫn minh mẫn như lúc đầu sau tám tiếng làm việc, chính cảm giác công việc tẻ nhạt mới là thủ phạm chính làm chúng ta mệt mỏi kiệt sức. Tôi luôn tìm công việc yêu thích và cống hiến hết mình. Điều đó cho tôi thêm năng lượng để làm tiếp những công việc khác.

Tôi cho là sự nhiệt tình, tính chuyên nghiệp và đam mê kết nối là những yếu tố tạo ra may mắn cho mình.

Được biết chồng chị cũng là người giữ vị trí cao ở một tập đoàn lớn. Có quan niệm cho rằng hai vợ chồng đều thành đạt thì việc giữ hạnh phúc gia đình sẽ khó hơn do cái tôi của cả hai đều lớn. Chị nghĩ thế nào về điều này?

Tôi kết hôn khi mới 24 tuổi và sinh liên tiếp hai con sau đó. Lúc này chồng tôi đã có vị trí khá cao trong công việc. Theo suy nghĩ thông thường thì có lẽ tôi chỉ cần chọn một công việc vừa phải để chăm con, chăm chồng cho tốt là được rồi. Thế nhưng đó lại không phải là con người của tôi, và nếu tôi không là chính mình thì chắc gì người bạn đời đã yêu thương mình tới vậy. Như vừa chia sẻ, nhu cầu khám phá và chinh phục những thử thách mới của tôi rất mạnh mẽ, và may mắn là chồng tôi cũng ủng hộ điều này. Vừa có thai đứa con đầu lòng là tôi nhận lời sang Bangkok làm việc và liên tục bay đi bay về giữa năm quốc gia. Sinh con được hai tháng tôi đã đi làm lại và một thời gian ngắn sau thì có thai em bé thứ hai.

Nhìn lại quãng thời gian đó, tôi vẫn không hiểu sao mình có thể làm việc với tần suất kinh khủng trong tình trạng bầu bì, con nhỏ như vậy. Có lẽ quyết định có con khi đang còn trẻ là rất sáng suốt (cười). Điều làm tôi tự hào là trong suốt ba năm làm việc ở nước ngoài, tôi chỉ có hai cuối tuần không về Việt Nam với gia đình. Và mặc dù được coi là một trong những người làm marketing đầu tiên tại Việt Nam được đào tạo và trải nghiệm quốc tế bài bản với tương lai đang mở rộng, tôi vẫn quyết định nghỉ việc để được gần hơn với tổấm nhỏ của mình. Quyết định lớn đó hóa ra lại là một mở đầu rất quan trọng cho tôi với hành trình khởi nghiệp sau này của mình.

Vậy chị có cho là mình may mắn khi có một người bạn đời tuyệt vời?

Với tôi, may mắn là do trời định và cả nhân định bởi vì cái gì cũng vậy, mọi thứ đều khó khăn trước khi trở nên dễ dàng. Về cuộc sống riêng, ngoài tình yêu và sự lãng mạn cho nhau, tôi và ông xã coi nhau như những người bạn thân: thường đọc chung một cuốn sách, thường đi du lịch “bụi” cùng nhau, thích tâm sự đủ chuyện trên trời dưới biển. Mấy năm gần đây, chúng tôi chọn hình thức du lịch văn hóa để có thể hiểu nhau và trải nghiệm cuộc sống tốt hơn. Ví dụ như khi đi đến thăm Bhutan hay Myanmar, chúng tôi sẽ có vài ngày ở chung nhà với người dân địa phương. Khi đó, chồng tôi làm vườn, tôi cùng bà chủ nhà nấu ăn, sáng sớm hai vợ chồng tôi đưa lũ trẻ con trong nhà đi học bằng cách cuốc bộ vài cây số… Những khoảnh khắc này rất đáng quý, nó giúp chúng tôi tĩnh tâm và cùng nhìn lại đời sống của mình từ những lăng kính rất khác biệt.

Ngoài ra, để cả hai có thể đều đạt được những mục tiêu riêng nhưng không làm ảnh hưởng đến gia đình, vợ chồng tôi thường cùng lên kế hoạch gia đình trong vòng ba năm và đánh giá định kỳ hằng năm. Nhờ biết được mục tiêu, định hướng của từng năm nên chúng tôi có thể chia sẻ, bàn bạc một cách thấu đáo, có hướng giải quyết tránh được tranh cãi. Ba năm vừa rồi có thể coi là “giai đoạn khởi nghiệp” quan trọng trong công việc của tôi, và nhờ đã chia sẻ trước với nhau nên tôi có được sự hỗ trợ rất tuyệt vời từ ông xã. Thực sự tôi rất cảm kích là trong hai năm đầu, anh giúp tôi quán xuyến nhiều việc nhà cửa và chi tiêu gia đình mà không hề than thở. Ngược lại, tôi cũng phải nỗ lực hết mình để hỗ trợ lại anh trong những thời điểm mà công việc của anh bận rộn hay khó khăn.

Tôi vốn là người có cá tính mạnh và yêu thích hoạt động nên cân bằng không phải là giảm làm việc, tăng nghỉ ngơi mà là được làm tất cả những gì mình thích một cách khoa học.

Thời sinh viên, chị đã được biết đến với thành tích học tập xuất sắc và các giải thưởng cao về khiêu vũ, bên cạnh đó là nhiệt huyết gây dựng phong trào ballroom dance trong giới trẻ. Còn khi đi làm, các nhân viên của chị đều công nhận chị nấu ăn, làm bánh ngon, cắm hoa đẹp. Theo chị thì nữ công gia chánh và máu văn nghệ có giúp được gì cho người phụ nữ trong cuộc sống hiện đại?

Lúc đầu tôi học những môn này vì bản năng thích khám phá. Nhưng càng học càng mê vì thấy cuộc sống của mình dù bận rộn nhưng lại rất đa sắc màu, toàn diện và năng động. Nấu ăn, cắm hoa, khiêu vũ khiến cuộc sống của tôi không bao giờ tẻ nhạt khô khan và có khi nhờ thế mà tôi lấy được người chồng như ý (cười). Thời hẹn hò nhau tôi còn rất trẻ, rất thời trang, hướng ngoại và sôi động. Vì vậy anh ấy đã “gục ngã hoàn toàn” khi tôi bất ngờ tự tay nấu cho anh một bữa ăn thật ngon và đẹp. Sau này có những lúc tôi quá tập trung vào công việc, chồng tôi chỉ nói “Anh nhớ những món ăn em nấu” là tôi hiểu mình cần làm gì để mang lại niềm vui cho chồng con.

Còn máu văn nghệ thực ra rất có ích khi một người làm quản lý muốn động viên tinh thần, tạo sự gắn kết giữa các nhân viên. Mỗi khi công ty có thêm nhân viên mới tôi lại cắm một bình hoa với chủ đề ý nghĩa nào đó để chào mừng. Thỉnh thoảng tôi làm bánh hoặc mời cả công ty về nhà ăn những món do mình nấu… Khi mới khởi nghiệp tôi không có nhiều tiền để trả lương cao cho nhân viên, nhưng Anphabe vẫn giữ chân được nhiều người có năng lực có lẽ là nhờ văn hóa làm việc thân thiện bên cạnh ý nghĩa tích cực của mạng cộng đồng Anphabe.com.

Trở lại với công việc, Anphabe.com – mạng cộng đồng nghề nghiệp dành cho giới quản lý đang dần được coi là một hệ thống kết nối hiệu quả để giúp các thành viên tạo mối quan hệ, thu nhận kiến thức và tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp cao cấp. Việc xây dựng được cộng đồng trên dưới năm trăm ngàn thành viên này có đang mở ra cho chị những hướng đi mới?

Mục tiêu lâu dài của tôi vẫn là xây dựng Anphabe.com trở thành cộng đồng giá trị và tích cực hàng đầu Việt Nam, nơi chúng tôi đầu tư vào nhiều hoạt động miễn phí tạo lợi ích cho người dùng song song với việc phát triển các giải pháp kinh doanh bền vững. Thời gian ba năm chưa phải là dài nhưng đủ cho tôi tự tin là mình đã đi đúng hướng. Hiện tại diễn đàn Chia sẻ để thành công trên Anphabe.com mỗi ngày thu hút hàng ngàn người tham gia đặt câu hỏi và thảo luận về các vấn đề kinh doanh, quản trị đa dạng. Cổng thông tin Top Headhunt và cổng thông tin Best Company cho phép người dùng kết nối với những chuyên gia săn đầu người hàng đầu cũng như những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam để được tư vấn và kết nối với những cơ hội xứng tầm. Nhờ đáp ứng đúng nhu cầu kết nối, giao tiếp giữa những nhà quản lý và công ty, Anphabe.com đã thu hút được lượng thành viên lớn, đồng thời có được nguồn doanh thu khả quan từ các khách hàng mong muốn tiếp cận chọn lọc tới đối tượng các nhà quản lý cao cấp.

Chị thấy mình ở đâu trong năm năm sắp tới?

Tôi vẫn mong muốn mình tiếp tục là người tiên phong trong mọi lĩnh vực mà mình làm. Hy vọng lúc đó Thương hiệu Nhà tuyển dụng không còn là một thuật ngữ xa lạở Việt Nam nữa mà mọi doanh nghiệp đều coi trọng vấn đề này để có thể thu hút, tạo động lực và giữ chân nhân tài hiệu quả nhất. Còn Anphabe.com sẽ trở thành một kênh kết nối kiến thức, cơ hội và mối quan hệ không thể thiếu của các nhà quản lý Việt Nam. Nếu đạt được mục tiêu đó, biết đâu tôi sẽ bắt tay làm một chương trình truyền hình về ẩm thực và cắm hoa nhắm vào phụ nữ hiện đại (cười).

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

Cẩm Tú thực hiện
Tranh Hoàng Tường

Theo Doanh Nhân Sài Gòn Cuối tuần

Bệnh viện Hạnh Phúc