Học sinh đến đọc sách tại Ngôi nhà trí tuệ (xã Hoa Thành, Yên Thành, Nghệ An).Học sinh đến đọc sách tại Ngôi nhà trí tuệ (xã Hoa Thành, Yên Thành, Nghệ An).

Ở nhiều vùng nông thôn, miền núi, các em được tạo không gian, sân chơi trí tuệ, rèn luyện thể chất với sự phối hợp 3 bên: Gia đình – nhà trường – địa phương.

Dạy bơi cho học sinh miền núi, ven sông

Hai năm nay, mùa hè của cậu bé Trần Vũ Tú (HS Trường Tiểu học Kim Đồng, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) trở nên thú vị hơn. Trường có một bể bơi di động, trong năm, Tú và các bạn được học bơi miễn phí trong chương trình chính khóa của môn Thể dục.

Những ngày hè, Tú và các bạn vừa có thể đến trường mượn sách truyện vừa bơi thỏa thích. Ngoài thành thạo kỹ thuật bơi, có thể tự tin tắm sông, suối, Tú còn được thầy giáo hướng dẫn thêm phương pháp cứu nạn, sơ cứu người bị đuối nước.

Bể bơi đặt tại Trường Tiểu học Kim Đồng được trang bị từ nguồn xã hội hóa, do một tổ chức từ thiện trao tặng. Thầy Phan Văn Tầm – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Do địa bàn của huyện Nam Trà My rất nhiều sông suối nên việc phổ cập bơi cho HS là cần thiết.

Mùa hè, nhà trường giao cho giáo viên thể dục tự tổ chức các khóa học với mức học phí đủ để duy trì vệ sinh bể bơi và trả thù lao cho người dạy. HS trong toàn huyện có thể đăng ký theo học. Riêng HS nhà trường có nhu cầu vẫn được sử dụng bể bơi miễn phí.

Đưa vào sử dụng từ tháng 9/2019, đến nay, bể bơi tại Trường Tiểu học Kim Đồng đã phổ cập bơi cho hơn 1.000 học sinh các trường ở trung tâm huyện và xã lân cận.

Theo đánh giá của thầy Trần Tuấn Anh – giáo viên dạy thể dục, Trường Tiểu học Kim Đồng, khi đã đăng ký tham gia học, các em dù ở độ tuổi tiểu học hay THCS đều tham gia đều đặn và hào hứng. Tuy nhiên, với nhu cầu học bơi của học sinh đến từ 29 trường trên địa bàn huyện nên bể bơi gần như hoạt động hết công suất.

Từ năm 2020, xã Tào Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) bằng nguồn vốn huy động được từ con em quê hương đã xây dựng bể bơi ở khu vực sân vận động xã. Bể bơi được trang bị đầy đủ hệ thống lọc nước, nhà tắm tráng, mái che… Mục đích nhằm dạy bơi, trang bị kỹ năng sinh tồn, phòng tránh đuối nước cho trẻ em trong xã và vùng lân cận.

Các lớp học được tổ chức từ cuối tháng 5 – 8 hàng năm. Việc vận hành, quản lý, giám sát được thực hiện với sự phối hợp giữa 3 bên: Gia đình, thầy cô và Đoàn Thanh niên.

Anh Nguyễn Văn Đức – Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tào Sơn cho hay: Học sinh được lập danh sách để phân chia vào từng khóa bơi phù hợp. Trong đó, con em hộ nghèo, cận nghèo được miễn phí.

Những em khác chúng tôi thu mức học phí 100 nghìn đồng/người/khóa để phục vụ duy tu, bảo dưỡng bể bơi. Chỉ tính riêng trong hè năm 2020, chúng tôi đã dạy cho khoảng gần 2.000 trẻ em biết bơi và phòng tránh đuối nước cơ bản.

Tào Sơn là xã ven sông Lam, có nhiều bãi tắm tự phát lâu đời của người dân. Những năm gần đây, hoạt động khai thác cát khiến một số bãi bồi sụt lún sâu. Chưa kể trên địa bàn có nhiều ao nước, kênh mương… tiềm ẩn nguy cơ đuối nước, tai nạn, đặc biệt vào mùa hè nắng nóng hoặc mùa mưa lũ.

“Ngoài dạy bơi, chính quyền địa phương còn phối hợp với một số đơn vị, huấn luyện viên để tập huấn kỹ năng cứu đuối cho trẻ em. Làm tốt công tác tuyên truyền, phối hợp với chủ các hồ đập, quản lý, giám sát không cho trẻ nhỏ tự ý đi vào khu vực nguy hiểm để tắm, chơi đùa. Đồng thời thường xuyên thông báo, nhắc nhở gia đình theo dõi, bảo đảm an toàn cho con em”, anh Đức cho biết.

Nhiều trường học ở miền núi, nông thôn cũng có giải pháp tổ chức dạy bơi cho HS trong điều kiện còn khó khăn. Như tại Nghệ An đã triển khai bể bơi mini trong trường học tại huyện Nghĩa Đàn, Đô Lương, Tân Kỳ… Ở huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi), một số địa phương dùng lồ ô quây một đoạn của khu vực sông bằng phẳng, bãi cát rộng, mực nước không sâu, và trang bị áo phao cho HS học bơi.


Học bơi tại Trường Tiểu học Kim Đồng, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, Quảng Nam.

Ngôi nhà trí tuệ an toàn, bổ ích

Mùa hè của em Lê Bảo Ngọc (9 tuổi, xã Bắc Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) mấy năm qua gắn liền với Ngôi nhà trí tuệ. Ở đó, em được thỏa thích tìm đọc sách, truyện cùng bạn bè. Em cũng được học thêm tiếng Anh, Toán, Tiếng Việt…, làm việc nhóm, rèn kỹ năng sống do tình nguyện viên tổ chức.

“Ban đầu, em cũng ngại, vì lớp học ở Ngôi nhà trí tuệ có nhiều người, độ tuổi chứ không như học ở trường. Nhưng tham gia một thời gian em thấy rất vui, không sợ nữa. Ở đây, mọi người đều thân thiện, các anh chị giúp đỡ em, ngược lại em sẽ giúp những bạn nhỏ chơi trò chơi, đọc truyện. Bố mẹ cũng yên tâm và đồng ý mỗi khi em nói đến “nhà trí tuệ””, Bảo Ngọc nói.

Hơn 3 năm nay, “quê lúa” huyện Yên Thành, Nghệ An duy trì và phát huy hiệu quả tích cực của những Ngôi nhà trí tuệ. Đây là dự án do anh Nguyễn Anh Tuấn (người Nghệ An đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh) cùng các cộng sự khởi xướng, triển khai. Mục đích tạo một không gian học tập suốt đời, vừa học, vừa chơi, vừa chia sẻ kỹ năng, cách sử dụng kiến thức trong cuộc sống cho mọi người, trong đó tập trung vào trẻ em.

Chị Nguyễn Mỹ Hằng – thành viên Ban điều hành dự án tại Yên Thành chia sẻ: Trên địa bàn huyện có 5 Ngôi nhà trí tuệ tại các xã Hoa Thành, Nhân Thành, Vĩnh Thành, Công Thành, Bắc Thành. Mỗi ngôi nhà được lập kế hoạch hoạt động với chương trình, thời gian biểu cụ thể xuyên suốt trong năm, bao gồm nhiều mô-đun. Đó là thư viện miễn phí, với hơn 2.000 đầu sách mỗi ngôi nhà.

Tổ chức dạy bồi dưỡng thêm các môn nhà trường đang dạy. Tăng cường tiếng Anh cho trẻ em nông thôn – đưa tình nguyện viên người bản ngữ về trải nghiệm, khám phá cuộc sống nông thôn, trái lại, học sinh, người dân có cơ hội được tiếp xúc, giao lưu tiếng Anh. Các em được học kỹ năng sống như: Cách ứng xử trong các mối quan hệ, thiết lập mục tiêu, sử dụng thời gian, hướng nghiệp…

Mới đây nhất, dự án triển khai thêm một ngôi nhà nằm trong Trường THCS Quang Thành – thuộc ở xã miền núi khó khăn huyện Yên Thành. Ở đây, ngoài các mô-đun thông thường như những ngôi nhà khác, sẽ trang bị thêm thiết bị, robocon… để dạy học STEM. Qua đó, hướng đến phối hợp với nhà trường xây dựng thư viện mở, thân thiện mở cửa xuyên suốt. Giúp học sinh tích hợp kiến thức và ứng dụng, thực hành, tăng khả năng sáng tạo khoa học kỹ thuật.


Học sinh Trường Tiểu học Nam Trà My (Quảng Nam) được mượn sách về đọc trong hè.

Hành trang cho học sinh tiếp cận chương trình mới

Trước khi học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng nghỉ hè, GV chủ nhiệm các lớp thông báo cho học sinh về chủ trương cho mượn SGK và sách truyện của thư viện nhà trường.

“Thư viện vẫn mở cửa thường xuyên trong dịp hè. Thế nhưng, với những học sinh nhà ở xa trường, không có điều kiện đến trường thường xuyên để đọc hoặc mượn sách. Nhà trường khuyến khích các em mượn về nhà đọc. SGK chủ yếu các em sẽ mượn sách Toán, Tiếng Việt của năm học vừa kết thúc để ôn lại bài trong hè. Riêng sách truyện, chúng tôi không khống chế số lượng” – thầy Tầm chia sẻ.

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam (xã Trà Nam, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) còn bắt buộc học sinh phải mượn SGK và sách truyện để về nhà đọc trong hè.

“Những năm trước, nhà trường chỉ khuyến khích học sinh mượn sách thôi, nhưng năm nay là bắt buộc. Với học sinh lớp Một vừa hoàn thành Chương trình giáo dục phổ thông mới, để không quên mặt chữ, nhà trường cho các em mượn SGK lớp 2 của chương trình hiện hành về nhà đọc trong hè.

Phần thưởng cho những học sinh khá giỏi, thay vì tặng vở như những năm trước, nhà trường vận động các nhà hảo tâm tặng sách truyện. Những bộ sách như Hạt giống tâm hồn, sách khoa học thưởng thức… sẽ được tặng cho HS để các em có thêm một hình thức giải trí trong dịp hè. Vở thì đến đầu năm học, nhà trường sẽ cấp phát cho các em”, thầy Võ Đăng Chín – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Trong buổi họp phụ huynh cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm các lớp, nhất là khối lớp Một hướng dẫn phụ huynh để có thể hỗ trợ học sinh đọc, làm quen với nội dung học của chương trình lớp Hai. “Những học sinh nào không được khen thưởng cuối năm, giáo viên chủ nhiệm sẽ hỗ trợ để các em mượn thêm sách truyện nhằm luyện đọc trong hè.

Dù đợt kiểm tra cuối kỳ vừa qua, 100% học sinh lớp Một của trường đều đọc thành thạo, nhưng chúng tôi sợ thời gian nghỉ hè dài, kỹ năng đọc của các em sẽ hạn chế nếu không thường xuyên rèn đọc. Nếu cách làm này có hiệu quả, năm tới, chúng tôi sẽ duy trì và có những cách thức làm mới, như vận động các đầu sách phong phú hơn” – thầy Chín cho biết.

Những năm gần đây, các trường học tại huyện miền núi Tương Dương, Nghệ An không có khái niệm đóng cửa trong dịp hè. Trái lại, đây là thời gian để nhà trường tăng cường văn hóa học, vốn hiểu biết, đặc biệt là kỹ năng tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.

Theo đó, tất cả trường học đều mở cửa thư viện, đưa sách về từng điểm trường, từng nhà văn hóa mỗi bản làng.

Thầy Nguyễn Đình Mận – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Hợp (Tương Dương) thông tin: Tam Hợp là xã biên giới khó khăn, nên trung tâm vui chơi, giải trí hay kỹ năng cho học sinh là xa xỉ. Việc đọc sách vừa giúp học sinh giải trí, vừa cung cấp thêm hiểu biết, rèn kỹ năng tiếng Việt.

Ngoài ra, hạn chế các em chơi game, chơi điện thoại hoặc trốn đi tắm sông suối nguy hiểm. Cùng với việc đem sách, giáo viên sẽ mang theo bài tính toán, tập đọc, luyện viết tiếng Việt, hướng dẫn phụ huynh cho con em ôn tập thêm ở nhà.

Ông Kha Văn Lập, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương cũng chia sẻ: Một thiệt thòi của học sinh dân tộc thiểu số là kỹ năng tiếng Việt còn hạn chế, nhất là trẻ tiểu học. Khi nghỉ hè, học sinh chủ yếu giao tiếp với bố mẹ, người thân quen trong bản làng bằng tiếng mẹ đẻ. Nếu không được nhắc lại tiếng Việt, nguy cơ trẻ “tái mù” và gặp khó khăn khi học tiếp chương trình mới hoàn toàn có thể xảy ra.

Vì vậy, với học sinh chuẩn bị lên lớp 2, chúng tôi chủ trương cho giáo viên cắm bản hệ thống, ôn tập lại kiến thức SGK lớp 1. Còn với trẻ chuẩn bị vào lớp 1, sẽ được nhà trường phân loại truyện tranh, đồ dùng đồ chơi đưa về thư viện các điểm lẻ hoặc nhà giáo viên để giúp các em làm quen, nhận biết chữ cái, con số.

“Do tình hình dịch Covid-19 phức tạp, chúng tôi đang tạm dừng các hoạt động dạy học, tập trung đông người. Tuy nhiên, ngôi nhà vẫn mở cửa cho học sinh tới mượn sách về nhà đọc và thực hiện đúng 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Đến khi dịch bệnh được khống chế an toàn, chúng tôi sẽ nối lại các hoạt động theo kế hoạch”, chị Nguyễn Mỹ Hằng nói.

 

 

Nguồn: Giáo Dục Thời Đại

https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/nghi-he-thoi-covid-giup-tre-choi-an-toan-bo-ich-CmTMOZ6Gg.html

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc