Trò chuyện với phóng viên tạp chí Thời Trang Trẻ vào một ngày sắp vào xuân, chuyên gia ngành Làm đẹp Phạm Hải Anh – một trong những lãnh đạo kỳ cựu của Liên hiệp Spa Thẩm mỹ Việt Nam, Hội đào tạo – phát triển nghề làm đẹp, trở đi trở lại nhiều lần về chủ đề nâng cao các hoạt động đào tạo trong ngành thẩm mỹ Việt…
Chào chị, chuẩn bị đón Xuân Canh Tý, chắc hẳn chị sẽ chọn một chủ đề thật “hot” của ngành để trò chuyện phải không ạ?
Đương nhiên rồi, những ngày xuân mới, chắc chắn ai cũng muốn nói về những đam mê, hoài bão, ấp ủ và cả thành tựu của mình…
“Nhiệt huyết và tràn đầy năng lượng” là những nhận xét mà các bạn học viên nói về chị mỗi khi đứng trên bục giảng
Sản phẩm mới, kỹ thuật mới, thiết bị mới, hay là điều gì, chị có thể bật mí?
Tôi chọn điều giản dị thôi, tuy hơi khô, cứng chút nhưng chắc chắn rất nhiều người quan tâm, đó là việc đào tạo nâng cao tay nghề trong ngành. Gần đây thì với tốc độ “sát sao” của giới truyền thông Việt thì các tín đồ của lĩnh vực làm đẹp chắc hẳn cũng đã đủ đầy các thông tin về công nghệ, xu hướng… Bên cạnh đó thì việc phát triển của mạng xã hội cũng giúp các lớp khách hàng được tiếp cận trực tiếp hơn với các tình huống làm đẹp. Tuy nhiên, qua đó cũng bật ra một số yếu điểm. Đó là kỹ thuật tay nghề của nhiều chuyên viên đến từ một số spa, thẩm mỹ chưa cao (nếu không muốn nói là thực hiện các thủ thuật, thao tác khá tự phát, không qua các khóa học chuyên môn cơ bản tại các cơ sở đào tạo nghề uy tín có cấp phép của cơ quan chức năng hoặc không có giấy phép hoạt động theo Nghị định 109/2016 của Chính phủ …). Điều này rất nguy hiểm. Bởi vì, nghề làm đẹp, nhẹ thì là chăm sóc cơ thể con người, mạnh hơn chút nữa là tác động vào bề mặt da, huyệt đạo… Và, mạnh hơn nữa là can thiệp vào cấu trúc, cơ thể con người, liên quan trực tiếp đến sinh mạng, vận mệnh, diện mạo của con người. Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, sai môt ly, đi một dặm. Đã hơn hai mươi năm trong nghề cũng ngót nửa thập kỷ tham gia vào đội ngũ lãnh đạo của các Liên hiệp, Hội về ngành làm đẹp tại Việt Nam, tôi tâm niệm rằng, nghề làm đẹp hướng về con người nên cần lấy yếu tố nhân văn làm gốc…
Chị có thể chia sẻ chi tiết hơn về việc đào tạo và bồi dưỡng tay nghề cho các kỹ thuật viên trong ngành thẩm mỹ, spa?
Hiện nay, các bạn trẻ vào nghề rất có lợi thế bởi vì có rất nhiều trung tâm đào tạo nghề có uy tín, các cấp độ từ học nghề – kỹ thuật viên ở trình độ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng, cao hơn nữa còn có một số chuyên ngành có liên quan trong các trường đại học, mang tính nghiên cứu, quản lý rất bài bản. Chưa kể, có nhiều khoá học ở nước ngoài liên tục được giới thiệu về Việt Nam. Ngoài ra, nhiều hãng thiết bị, sản phẩm của ngành làm đẹp cũng quan tâm và tạo ra các chương trình học riêng biệt, do các chuyên gia đầu ngành đứng lớp để chuyển giao công nghệ, đào tạo tay nghề, tập huấn sản phẩm, kỹ thuật… Để học, không thiếu song mỗi người làm nghề, như tôi đã chia sẻ, chỉ cần lấy tâm làm gốc thì sẽ lựa chọn được cho mình một hướng phát triển chuyên môn. Tôi biết có nhiều bạn trẻ có tài nhưng hơi vội vàng, điều đó có nhiều hệ quả khôn lường. Thực tế, bạn làm báo chí cũng đã biết, mạng xã hội đợt vừa rồi cũng xảy ra một số trường hợp “tố” các ca làm đẹp… hỏng, nhìn rất xót xa. Nhìn mới thấy sợ, các bạn không có tay nghề nhưng lại rất “bạo dạn” can thiệp thẳng lên cơ thể khách hàng, kiểm tra ra thì không có giấy phép, chưa qua trường lớp đào tạo. Tất nhiêu, các bạn làm như vậy thì chính sự nghiệp của các bạn hỏng trước. Thế nhưng, những tổ chức hội nghề làm đẹp như chúng tôi thì rất trăn trở, chỉ mong làm sao truyền thông ngày càng mạnh về tầm quan trọng trong việc học bồi dưỡng nâng cao tay nghề trong các hội viên thì càng tốt…
Vậy, kinh nghiệm rút ra của chị là gì? Sau nhiều năm trong nghề?
Không ngừng trau dồi và nâng cao tay nghề. Chứng chỉ, bằng cấp, chứng nhận rất quan trọng, nó là tấm thẻ, là “card visit” danh dự cho mỗi người làm nghề. Tôi thì không muốn nói gì nhiều về những điều quá lớn lao, vĩ đại. Hơn hai mươi năm làm nghề, điều tôi tự tin, hành trang tôi hãnh diện nhất là hơn hai mươi tấm bằng, chứng chỉ về nghề, từ trình độ sơ cấp, trung cấp đến cử nhân. Những năm đầu của thập kỷ này, tôi cũng đã phấn đấu mang về được cho mình Bằng đỏ về thành tích và quá trình học. Ngoài ra còn rất nhiều các bằng cấp, chứng chỉ khác, gồm cả các bằng cấp, chứng chỉ nghiệp vụ về sư phạm (cơ sở để tôi tự hào đứng lớp, truyền, sẻ lại kiến thức mình đã có, đã học, đã tích luỹ cho các bạn trẻ). Mỗi ngày qua là mỗi ngày tôi vẫn vận động để học hỏi và chia sẻ. Tôi cũng cảm thấy mình có duyên với nghề khi nỗ lực học hành qua bao nhiêu năm tháng, tôi được ghi nhận bằng chính những lời mời tham gia giảng dạy tại các trường cao đẳng, trung cấp về nghề làm đẹp ở Việt Nam và quốc tế. Tôi chỉ muốn khẳng định rằng, ngành thẩm mỹ là một ngành tôn vinh cái đẹp, chăm sóc con người, có tài là quá tốt rồi, hãy đề cao sự học, không ngừng vận động học hỏi, tìm tòi tích luỹ, kiến thức, bạn sẽ thành công…
Cảm ơn chị về buổi trò chuyện trước thềm năm mới. Tin rằng với tâm nguyện và nhiệt huyết của chị và với vị trí chị đang giữ trong các tổ chức xã hội về nghề làm đẹp hiện nay, những mong muốn của chị cũng như các lãnh đạo khác trong hội, ngành sẽ được lan tỏa và nhân rộng…
Nguồn: tapchithoitrangtre.com.vn
http://tapchithoitrangtre.com.vn/chan-dung/tro-chuyen-cung-sao/nghe-lam-dep-tham-my-hay-lay-nhan-van-lam-goc.html