Đã đến lúc các cháu tập trung cật lực cho con. Đừng tranh luận với bà nữa, đừng tìm nguyên do, cũng đừng đổ lỗi. Phải có chế độ ăn nghiêm ngặt cho con lúc ở nhà: chỉ ăn một một món nó thích…
Cô kính mến! Cháu cần cô là để tâm sự và xin tư vấn một vài giải pháp.
Cháu rất bế tắc đó cô. Thưa cô, vợ chồng cháu sống chung với mẹ chồng, bà góa trước khi cháu và anh gặp nhau. Bà chỉ có hai người con, anh là con đầu, dưới anh còn một em trai đang du học ở nước ngoài. Chúng cháu sống chung với bà là trách nhiệm, cũng là nhu cầu tình cảm của hai bên, đúng không cô?
Nhưng khi cháu nội của bà, tức con trai của chúng cháu vào tuổi mẫu giáo thì nó thành con của bà. Chúng cháu đi làm về muộn, bà đón cháu về, bà rất thích công việc này dù mưa hay nắng. Có mẹ chồng làm hết cho thì còn gì bằng. Nhà có người giúp việc, sáng bà đi chợ, chị bếp chuẩn bị, bà nấu nướng, xế chiều ngủ dậy chỉ chờ để được đón cháu nội. Từ đó đến giờ đi ngủ, hai bà cháu ríu rít như bạn, các cháu thành người thừa. Nhưng chế độ ăn bà lên lịch cho cháu nội thì thật kinh khủng cô ơi.
Mì gói ăn đêm, bánh ngọt thỏa mãn, cơm ăn bằng dĩa thịt nướng thịt khìa thịt kho nước dừa. Năm thằng nhỏ vô lớp một thì nó thừa chừng 10 ký so với tỷ lệ chiều cao. Chồng cháu thương mẹ nể mẹ không làm cứng. Cháu là dâu, nhà cửa cơ ngơi công xá mẹ chồng hàm ơn không hết thì phản ứng gì.
Cháu sinh đứa thứ hai, con gái. Lần này bà mê cháu gái, bà nhả con trai của cháu ra để nó “trở về” với chúng cháu. Nhưng muộn quá rồi cô. Mới lớp ba mà nó ăn như đứa thiếu niên, cân nặng khiếp đảm. Bây giờ chồng cháu mới hốt hoảng, sáng dựng con đi chạy, tối về đi bộ cùng con. Nhưng không ăn thua cô ơi. Nó bắt đầu mê game, thức khuya, ăn một lần hai gói mì. Vô phương! Cháu sợ bà làm hư vóc dáng con gái của cháu. Nhưng bà bắt đầu dằn dỗi, nói xa nói gần, bà đổi tính rồi. Con gái cháu cũng đã vào mẫu giáo, bà nội lại đi đón, vẫn công thức cũ, muốn ăn gì bà đáp ứng ngay. Cháu làm sao “cứu” được con mình đây cô?
——————– Cháu thân mến!
Bây giờ câu chuyện trẻ con béo phì không riêng của gia tộc nào nữa. Cô đi thể dục, cô thấy có những đứa bé khổ sở vì bị người lớn kèm đi thể dục. Mà chúng đã tự giác gì đâu, chúng chưa đủ tuổi để ý thức về hình thể, sức khỏe, tương lai của mình. Cô cũng nhìn thấy những cậu cấp II phục phịch ba lô đi bộ đến trường, chúng buồn thảm cô độc hơn bạn, vì chúng chậm chạp, học hành không vô, trong đầu mơ toàn tức ăn ngon, chẳng qua cơ thể chúng đòi hỏi lượng calo khác thường.
Nếu chúng ta lơ là một thời gian thì con cái tuột khỏi tay mình ngay. Không riêng gì chuyện ăn, mà chuyện dạy dỗ rèn rặp nữa. Có câu “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, hư ở đây có thể hiểu là hư ăn, nó lỡ béo lên nên nó “tham” ăn hơn đứa bé khác. Và từ đó đến buông xuôi không xa, càng buông nó càng béo. Vừa rồi cô xem chương trình Bước nhảy ngàn cân, một cô gái rất xinh buông xuôi nhiều năm do tuyệt vọng, cô ta nặng 90 ký, tập luyện 11 tuần, giảm được 30 ký, trở lại vóc dáng bình thường, rất đáng nể.
Đã đến lúc các cháu tập trung cật lực cho con. Đừng tranh luận với bà nữa, đừng tìm nguyên do, cũng đừng đổ lỗi. Phải có chế độ ăn nghiêm ngặt cho con lúc ở nhà: chỉ ăn một một món nó thích (để mình kiểm soát), xào chiên ít dầu mỡ, uống nước ép trái cây, cai sữa có đường, hạn chế tối đa bánh ngọt để nó quên dần, ăn thật ít cơm, thay vào phở, miến, bún, không đụng đến mì gói vì mì nhiều dầu, mì dễ béo còn hơn cơm và bánh mì.
Đứa nhỏ mê game cũng là nguy cơ. Vì mê thì ngồi lì với máy móc, ít vận động, bị từ trường của máy đầu độc, không ra nắng nên thiếu vitamin… tất cả bao vây đứa bé biến nó thành một cục bột nhão nhoét. Cháu là mẹ, cháu cầm trịch về việc ăn, chồng cháu là cha, lo cho con việc cai game, kéo nó đi thể dục, cả nhà cùng kiên trì vài năm sẽ có kết quả.
Phải vài năm đó cháu. Một bài học sâu sắc để các cháu nuôi và dạy đứa con gái. Cô tin bà nội sĩ diện nên không thừa nhận sai lầm và thất bại đó thôi. Mềm dẻo với bà và kiên quyết một cách dễ chịu để giành lấy quyền chăm sóc tinh thần, miếng ăn giấc ngủ của con, nhá.
DẠ HƯƠNG…
Theo http://nongnghiep.vn/neu-chung-ta-lo-la-mot-thoi-gian-thi-con-cai-tuot-khoi-tay-minh-ngay-post181933.html | NongNghiep.vn