Mạng xã hội đang trở thành mảnh đất “dung dưỡng” cái xấu khi sơ hở của người khác trở thành “miếng mồi” ngon để lên án, chỉ trích.
Khi Facebook trở thành diễn đàn công cộng để mọi người bày tỏ, chia sẻ cảm xúc thì nơi đây cũng biến thành địa điểm để nhiều người cùng lúc hùa nhau nói xấu, “ném đá” không thương tiếc người khác dù không rõ sự việc thế nào.
Bỗng dưng thành kẻ độc ác
Từng là nạn nhân bị “ném đá”, Nguyễn Thị Thùy Trang (SN 1995, sinh viên một trường cao đẳng tại TP HCM) kể giữa tháng 10-2016, cô đăng tải một tấm hình đang ăn uống cùng nhóm bạn tại một trung tâm thương mại sang trọng ở quận 1 lên Facebook. Ngay sau đó, Trang nhận được những bình luận chê bai nặng nề.
“Họ nói tôi không có trách nhiệm với xã hội, ác độc, trong lúc người dân miền Trung bị lũ lụt thì lại đi ăn uống xa xỉ. Lúc đó, tôi vừa giận vừa tức. Tôi từng tham gia mùa hè xanh, các câu lạc bộ, đội nhóm tình nguyện, không hề vô cảm, dửng dưng như những gì mà họ quy kết, lên án” – Trang ấm ức.
Chị Đào Thị Ánh (ngụ đường Nguyễn Duy Dương, quận 5, TP HCM) cũng trở thành nạn nhân của hiện tượng “ném đá”. Tháng 3-2016, trên đường đi làm về, chị Ánh nhìn thấy phía trước xảy ra vụ tai nạn giữa xe máy và xe đạp. Do đang ở giữa đường, chị cố gắng chạy tới phía trước, tấp vào lề rồi sau đó quay sang giúp đỡ. Thế nhưng, không biết ai chụp lại khoảnh khắc chị vượt qua vụ tai nạn rồi đăng tải lên diễn đàn mạng với nội dung “Hàng chục con người vô cảm”. Bỗng chốc chị bị nhiều người chửi bới không thương tiếc.
Chị Ánh tâm sự: “Không hiểu sao giờ người ta dễ dàng nhìn vào hiện tượng mà phán xét người này độc ác, người kia vô cảm. Giống như vừa rồi, một khách mời trong chương trình “Ai là triệu phú” vì không trả lời được canh cua nấu với rau đay liền bị chửi không thương tiếc, trong khi trong cuộc sống đâu phải điều gì ta cũng biết hết, hiểu hết?” – chị Ánh bày tỏ.
Cho rằng sự tự do ngôn luận trên mạng xã hội đang trở thành mảnh đất “dung dưỡng” cho cái xấu khi sơ hở của người khác trở thành “miếng mồi” ngon để lên án, chỉ trích, sinh viên Trần Ngọc Thảo Phương (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) nêu ý kiến: “Một số người có thói quen thích đùa cợt, chê bai ác ý. Chắc hẳn khi bình luận một lời cay nghiệt, họ chỉ biết nói cho sướng miệng, không nghĩ tới hậu quả. Tôi vẫn còn ám ảnh vụ cô bé 15 tuổi ở Đồng Nai bị người yêu cũ tung clip sex lên mạng đã uống thuốc tự tử vì bị chỉ trích lăng loàn, ngu si… Người chịu trách nhiệm cho cái chết của em là gã người yêu cũ nhưng theo tôi, hung thủ thật sự chính là sự soi mói, chỉ trích độc ác của cư dân mạng. Một lời chê bai có thể chưa mang lại nhiều tác động tiêu cực nhưng khi một đám đông hung hãn “hùa” vào thì hậu quả thật khó lường. Nó chẳng khác gì một con dao vô hình, có thể lấy đi sự tự tin, niềm vui, cướp đi ước mơ, hoài bão, thậm chí sinh mạng con người”.
Có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự
Theo nhà thơ Dương Kỳ Anh, nguyên Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, dù thông minh, xinh đẹp, tài giỏi đến mấy thì ở một khía cạnh nào đó của cuộc sống, con người vẫn có thể không am hiểu cũng là bình thường, đừng vì vậy mà vội vàng chê bai, chửi mắng người khác.
“Các cụ xưa có câu “lời nói đọi máu”. Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng “ném đá” tập thể, theo tôi, báo chí cũng như những người nổi tiếng phải lên tiếng. Không thể cấm người ta không được chê bai người khác nhưng có thể định hướng cho họ. “Làm người nên chớ cười nhau, cười người hôm trước hôm sau người cười”. Thực tế, có những người đi thóa mạ người khác lại bị những người khác thóa mạ lại vì quan điểm bất đồng. Ngoài ra, gia đình, nhà trường nên gần gũi, trao đổi với con em, giúp các em hiểu được mọi lời khen chê chỉ là bên ngoài” – ông Kỳ Anh nhìn nhận.
Luật sư Nguyễn Anh Minh (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng ít ai nghĩ những dòng tin nhắn trạng thái trên Facebook có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự nếu xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm người khác. Theo Nghị định 174/2014 thì hành vi này sẽ bị phạt tiền 10-20 triệu đồng. Nếu làm ảnh hưởng tâm lý khiến người khác nghĩ quẩn, có thể bị đưa đi cải tạo không giam giữ từ 3 tháng đến 2 năm (điều 121 Bộ Luật Hình sự).
Lơ đi những lời ác ý
Anh Nguyễn Quốc Sang (nhân viên truyền thông) cho rằng trước những lời chê bai, chỉ trích thì không nên cay cú, sợ hãi mà hãy xem chúng như là cơ hội để soi xét lại bản thân.
“Tôi từng bị chế nhạo vì có thân hình mập quá cỡ. Ban đầu rất buồn nhưng sau đó, tôi quyết tâm tập thể dục để giảm cân. Tôi nghĩ, nếu thực sự còn khiếm khuyết thì học cách sửa đổi, hoàn thiện để tốt hơn. Còn với những lời chỉ trích, chê bai ác ý, tôi thường lơ chúng đi, bỏ ngoài tai chứ không đối đầu. Bởi lẽ, càng thanh minh thì càng thêm mệt mỏi, chuốc lấy bực bội, cay đắng vào người. Theo thời gian, những lời chê bai, chỉ trích không đúng rồi cũng được nhiều người nhìn rõ” – anh Sang nêu kinh nghiệm.