Thị trường mỹ phẩm không khác nào ma trận với đủ loại thật giả lẫn lộn cùng nhiều chiêu trò khi người bán đánh vào tâm lý muốn đẹp hơn của chị em. 

Ngày 9-7 vừa qua, cơ quan chức năng đã bắt giữ hàng trăm thùng mỹ phẩm nhiều nghi vấn giả, lậu từ 4 điểm kinh doanh, chứa trữ trên địa bàn TP HCM.

“Mụn nổi cục cục mà dùng vẫn trắng” (?!)

Chiều 10-7, trong vai một khách hàng có nhu cầu mua kem làm trắng da, chúng tôi ghé sạp mỹ phẩm B. trong chợ Vườn Chuối (quận 3), người chủ cho biết tùy vào túi tiền mà có thể dùng loại 250.000 đồng, 350.000 đồng hoặc hơn 1 triệu đồng/hộp. Khi tư vấn, chủ sạp tập trung ca ngợi hộp kem màu đỏ, có giá 350.000 đồng, hiệu Noni được chiết xuất từ quả nhàu là cực tốt vì là hàng Nhật xách tay. “Loại này da nào xài cũng được, có người mụn nổi cục cục mà dùng vẫn trắng thì em cứ yên tâm!” – bà chủ sạp quả quyết, sau đó lấy một ít bôi thử lên mặt chúng tôi.

Quan sát kỹ, chúng tôi nhận thấy những loại kem mà chủ sạp này đem ra giới thiệu hàng Pháp, Mỹ đều ghi tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt và không có số công bố mỹ phẩm theo thông lệ. Tại sạp còn trưng bày rất nhiều loại mỹ phẩm mang các thương hiệu cao cấp như Chanel, Gucci, Calvin Klein… với giá rẻ bèo.

Mỹ phẩm được bán tại chợ Bình Tây Ảnh: TẤN THẠNH
Mỹ phẩm được bán tại chợ Bình Tây Ảnh: TẤN THẠNH

Trò chuyện được vài phút thì phần da mặt vừa bôi thử kem của chúng tôi phát ngứa khó chịu nhưng chủ sạp vẫn ra sức thuyết phục là kem tốt, khách hàng không biết nâng niu da mặt nên mới bị ngứa (?!).

Ghé tiếp một sạp mỹ phẩm gần đấy, chúng tôi được giới thiệu hộp kem sản xuất trong nước, nhãn hiệu rõ ràng, có giá 130.000 đồng nhưng nhân viên nói thẳng: “Không bao xài”.

Còn tại shop mỹ phẩm A. khá sang trọng trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), kem bôi làm trắng dành cho da nhạy cảm có giá 980.000 đồng/hộp, nhân viên ở đây giới thiệu là được chiết xuất hoàn toàn từ thiên nhiên, không phụ gia, hóa chất. Dù shop bài trí sang trọng, giá bán cao chót vót nhưng các hộp mỹ phẩm tại đây cũng đều không có nhãn phụ và số công bố mỹ phẩm với lý do hàng công ty tự sản xuất và hàng nhập trực tiếp từ Mỹ (!?).

“Lên đời” từ hàng Trung Quốc

Đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) cho biết thời gian qua, đã theo dõi một số đường dây chuyên nhập lậu mỹ phẩm từ Trung Quốc sau đó đóng mác châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản rồi tung ra thị trường. Chúng tổ chức hoạt động chuyên nghiệp trên nhiều tỉnh – thành, từ nơi in bao bì đến đóng gói, phân phối. Hàng từ Trung Quốc được chuyển về Hà Nội, vào TP HCM sau đó lại ngược ra phía Bắc và bán qua mạng.

Ngày 9-6 vừa qua, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phối hợp với Công an TP HCM, Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan đồng loạt kiểm tra 4 điểm kinh doanh, chứa trữ mỹ phẩm tại TP do có nghi vấn mỹ phẩm lậu, giả và thu giữ lượng hàng lên đến cả trăm thùng các loại. Bước đầu, chủ hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc các loại sữa ong chúa, mỹ phẩm trị nám, làm trắng, giảm béo…  trên bao bì ghi nhãn Úc, Hàn Quốc, Pháp… Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng còn ghi nhận một xô hợp chất sánh màu vàng, bên ngoài có chữ “thuốc trị nám” chưa vào hộp, đóng nhãn.

Ngày 10-6, cơ quan chức năng đã mời chủ hàng là Công ty Huyền Trang và Công ty Linh Trang (trụ sở cùng trên đường Trần Đình Xu, quận 1) để tiến hành kiểm đếm, phân loại.

Đây không phải là vụ bắt mỹ phẩm dỏm, giả đầu tiên trong năm trên địa bàn TP. Từ đầu năm 2015 đến nay, Chi cục QLTT TP kiểm tra chuyên đề về mỹ phẩm cũng phát hiện mỹ phẩm dỏm tràn lan với 121 vụ bị lập biên bản. Nơi vi phạm được phát hiện từ chợ, cửa hàng đến các trung tâm thương mại lớn trên địa bàn, nhiều nhất là hàng nhập lậu (93 vụ); còn lại là vi phạm về nhãn hàng hóa, công bố sản phẩm…

Các loại mỹ phẩm bị tạm giữ rất đa dạng, từ kem thoa mặt, kem dưỡng da, thuốc nhuộm tóc, kem tẩy trắng, sữa rửa mặt, sữa tắm, son môi, dầu gội… xuất xứ Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, Nhật, Pháp. Chi cục QLTT TP đã tịch thu 61.425 đơn vị sản phẩm các mặt hàng mỹ phẩm nhập lậu, giả và hết hạn sử dụng; xử phạt số tiền 1,416 tỉ đồng.

Đừng nên lạm dụng

Theo PGS-TS-DS Nguyễn Hữu Đức, Trường ĐH Y Dược TP HCM, mỹ phẩm cũng như thuốc, chỉ sử dụng khi thật sự cần thiết và không được lạm dụng. “Nhu cầu muốn tôn lên vẻ đẹp của phụ nữ là chính đáng nhưng nhiều người đã “trát” quá nhiều son phấn lên mặt, nhìn như đeo mặt nạ. Việc sử dụng mỹ phẩm bừa bãi rất nguy hiểm không chỉ cho da mà còn cho cả tính mạng vì trong một số loại mỹ phẩm có thể có thành phần độc hại” – ông Đức cảnh báo.

Về nguyên tắc chung, chỉ nên mua mỹ phẩm có nguồn gốc rõ ràng từ nhà sản xuất uy tín, tuyệt đối không mua và sử dụng mỹ phẩm tự chế, trôi nổi. “Nhiều mỹ phẩm có chất gây bào mòn làm cho da mỏng, mịn trong thời gian ngắn nhưng vô cùng nguy hại” – ông khuyến cáo.

 

Theo VƯƠNG NGỌC/nld.com.vn 
Bệnh viện Hạnh Phúc