Không thấy được cơ hội thăng tiến, thiếu sự trân trọng, lương không tương xứng, không hợp với lãnh đạo, không hòa nhập được với văn hóa doanh nghiệp, thiếu sự hỗ trợ để hoàn thành công việc… là những lý do khiến nhiều lao động liên tục nhảy việc.

Những lý do nêu trên có được từ kết quả khảo sát 12.600 người về nguyên nhân thay đổi nơi làm việc, do trang dịch vụ tuyển dụng nhân sự trực tuyến VietnamWorks thực hiện trong tháng 1 vừa qua.

 Thiếu cơ hội thăng tiến

Hơn ba năm làm việc tại bộ phận kinh doanh ở tập đoàn sản xuất vật liệu xây dựng SCG (Siam Cement Group) Thái Lan tại Việt Nam, Nguyễn Đình Tân lên kế hoạch tìm một công việc mới. Nguyên nhân nghỉ việc theo giải thích của Tân là do không tìm thấy cơ hội thăng tiến ở vị trí công tác hiện tại.

Lý do Tân đưa ra cũng khá phổ biến với những người chưa có nhiều kinh nghiệm. Theo kết quả khảo sát của VietnamWorks, có đến 57% trên tổng số hơn 12.600 người cho biết lý do nhảy việc là vì họ không thấy có cơ hội thăng tiến, phát triển ở vị trí công tác hiện tại.

Ít có cơ hội thăng tiến có thể thấy qua việc không được giao các thử thách mới, làm những công việc lặp lại nhàm chán, không được đào tạo nâng cao… Tuy nhiên, ở những người có thâm niên, lý do “thiếu cơ hội thăng tiến” để nghỉ việc có tỷ lệ giảm dần, với nhân viên trên 10 năm kinh nghiệm là 48%, trong khi đó nhân viên dưới năm năm kinh nghiệm lên đến 61%.

Với những lao động trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm, khả năng nhảy việc luôn ở mức cao. Ảnh: Thái Ngọc

 Không được trân trọng

Khác với những nhân sự trẻ cần cơ hội thăng tiến, những nhân sự có kinh nghiệm thì sự trân trọng, được đánh giá cao mới là yếu tố quan trọng hàng đầu. Càng có chức vị, kinh nghiệm lâu năm thì tâm lý cần được trân trọng càng lớn.

Nguyễn Gia Bảo quyết định nghỉ việc sau khi công ty nơi anh làm việc được sáp nhập với một công ty khác dù anh vẫn được giữ lại công tác ở vị trí cũ. “Công ty mới chưa biết nhiều về mình, trong khi người ở công ty mẹ không thiếu nên mình chỉ là “nhân sự hạng hai”, xin nghỉ để tìm việc khác sẽ tốt hơn”, Bảo cho biết.

Cảm giác không được trân trọng còn được người lao động cảm nhận qua thành tựu không được công nhận, bị chỉ trích nhiều khi phạm sai lầm, khả năng bị thay thế cao… Không trân trọng còn có thể được đánh giá qua thu nhập chưa tương xứng với sự đóng góp. Trên thực tế dù ở vị trí nào, kinh nghiệm bao nhiêu năm thì mức thu nhập vẫn luôn là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến quyết định nhảy việc. Sẽ rất khó để từ chối một lời mời cho công việc mới ở cùng vị trí, môi trường làm việc chấp nhận được với mức lương cao hơn. Có 54% tổng số người được hỏi cho biết họ sẵn sàng thay đổi công ty khi có mức thu nhập hấp dẫn hơn.

 Không hợp với “sếp”

Nhân sự càng có kinh nghiệm, ở vị trí quản lý trong doanh nghiệp thì việc “hợp cạ” với lãnh đạo luôn được xem là điều quan trọng. “Sếp không phù hợp” là lý do nhảy việc của 33% nhóm người ít hơn hai năm kinh nghiệm, nhưng nhóm người trên 10 năm kinh nghiệm lại chiếm đến 47%. Những người mới đi làm có thể bỏ qua hành vi cản trở sự phát triển nghề nghiệp của cấp trên để lấy kinh nghiệm, nhưng đối với người có nhiều kinh nghiệm việc một lãnh đạo biết dẫn dắt, biết tôn trọng nhân viên lại trở thành nhu cầu thiết yếu.

Đang làm việc ở vị trí quản lý bán hàng cho một công ty đa quốc gia về hóa mỹ phẩm được hơn một năm dù công việc, mức thu nhập chấp nhận được, nhưng Phan Duy Đức vẫn quyết định nghỉ việc. Lý do được anh Đức đưa ra: “Do quản lý mới về luôn ép doanh số, mà lại không đưa ra các chính sách hỗ trợ bán hàng cho địa bàn của mình, hay chú ý đến những cái đáng được bỏ qua và quan niệm về công việc, về cuộc sống không hợp nhau”.

Tuy nhiên trên thực tế có nhiều sếp khi chuyển chỗ làm, thường kéo theo những vị trí chủ chốt cùng về công ty mới. Nhiều nhân sự quản lý cấp cao khi đồng ý đầu quân về một đơn vị mới thì ngoài thu nhập, các chính sách, còn có cả “yêu sách” cho họ được tuyển người vào “ê-kip” của mình.

 Chọn giải pháp an toàn

Dù cảm thấy không còn phù hợp với công việc đang có, nhiều nhân viên vẫn tiếp tục làm việc để chờ đợi một cơ hội khác, thay vì xin nghỉ hẳn để tập trung tìm công việc khác phù hợp hơn. Có đến 40% số người được hỏi cho biết chỉ nghỉ việc khi đã tìm được việc làm mới. Theo giải thích của Nguyễn Thanh Vân, bộ phận nhân sự của một ngân hàng thương mại tại TPHCM, lựa chọn phổ biến này xuất phát từ suy nghĩ cần có việc làm, cần có thu nhập ổn định của đại đa số người lao động Việt Nam.

Thanh Mai đang làm nhân viên môi giới tại một công ty chứng khoán, dù muốn chuyển sang công việc khác nhưng cô vẫn vừa đi làm vừa đi xin việc. Chỉ đến khi được một công ty tuyển dụng cô mới chính thức xin nghỉ việc ở công ty chứng khoán.

Kết quả khảo sát còn chỉ ra hiện tượng rất đông nhân viên chọn thời điểm sau tết để nhảy việc. Theo nhìn nhận của những người này thì sau tết là thời điểm các công ty tăng cường tuyển dụng cho các kế hoạch phát triển trong năm, ra đi vào thời điểm này thì cơ hội có được việc làm mới là cao hơn.

Thái Ngọc

Theo báo Sài Gòn Tiếp Thị 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc