Thời điểm giao mùa như hiện nay, nắng – mưa, nóng – ẩm bất thường là nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh, đặc biệt là viêm phổi ở người cao tuổi. Tại sao vậy?

Bình thường có nhiều loại vi khuẩn (phế cầu, liên cầu, tụ cầu, vi nấm…) thường trú ở đường hô hấp trên của người khỏe mạnh mà không gây bệnh. Nhưng khi có bất kỳ một lý do gì làm cho sức đề kháng của cơ thể suy giảm (cảm lạnh, dinh dưỡng kém…), đặc biệt vào mùa mưa, thời tiết ẩm ướt, thuận lợi cho sự phát triển của các vi khuẩn này và gây bệnh, nhất là với người cao tuổi.

­• Người cao tuổi sức yếu, dinh dưỡng kém hoặc có thể bị tai biến nằm lâu một chỗ… Hơn nữa, họ thường có nhiều bệnh lý mạn tính (bệnh xương khớp, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm phế quản mạn, hen suyễn, giãn phế quản, viêm họng mũi mạn), các loại bệnh này về mùa mưa thường tái phát hoặc nặng thêm, càng làm cho sức khỏe người cao tuổi suy giảm dễ mắc viêm phổi.

­• Người cao tuổi nếu ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, tắm rửa bằng nước lạnh, mặc không đủ ấm càng dễ bị viêm phổi. Thêm vào đó, nếu nghiện thuốc lá hoặc sống ở vùng có nhiều khói bụi, vệ sinh môi trường kém thì viêm phổi càng dễ xuất hiện.

­• Người cao tuổi mắc bệnh hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thì vào mùa mưa dễ bị các đợt cấp, cần phải điều trị tích cực hơn hoặc đôi khi phải nhập viện do viêm phổi.

Viêm phổi ở người cao tuổi có một số đặc điểm khác với viêm phổi ở người trẻ

­• Khởi phát ít rầm rộ, biểu hiện thường không rõ ràng, sốt không cao (dưới 38ºC), đặc biệt người bị suy dinh dưỡng, suy kiệt, nằm lâu… Khoảng một phần ba trường hợp có kèm rét run, lạnh đòi mặc thêm áo, đắp chăn.

­• Ho từng tiếng hoặc cơn ho ngắn, không mạnh. Lúc đầu ho khan, sau vài ngày có thể khạc đàm xanh, vàng hoặc đục, đôi khi có ít máu.

­• Kèm theo ho thường có cảm giác tức ngực hoặc đau ngực.

­• Thở nhanh nông, khò khè. Có thể có khó thở khi gắng sức, khi ho hoặc cả khi nghỉ ngơi.

Chẩn đoán viêm phổi

Ngoài các dấu hiệu lâm sàng và tiền sử, cần có:

­• X-quang phổi, trong trường hợp cần thiết có thể chụp cắt lớp vi tính.

­• Xét nghiệm công thức máu, tốc độ máu lắng.

­• Cấy đàm, nhầy họng để xác định vi khuẩn, vi nấm và thực hiện kỹ thuật kháng sinh đồ nhằm giúp lựa chọn kháng sinh thích hợp.

Do sức đề kháng của người cao

tuổi đã suy giảm nên sự biểu hiện của viêm phổi đôi khi không điển hình. Vì vậy, khi thấy mệt mỏi, tức ngực, sốt nhẹ, ho đàm cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt để được xác định bệnh, trên cơ sở đó sẽ được điều trị kịp thời.

Về phòng bệnh

Người cao tuổi cần:

  • Việc tắm rửa hàng ngày nên dùng nước ấm, buồng tắm kín gió, không nên tắm lâu, lau khô và nên mặc quần áo ngay. Cần có người hỗ trợ, nếu người cao tuổi sức yếu không tự làm được. Hạn chế quạt máy và máy lạnh, không uống nước lạnh có đá, không khí luôn cần được thông thoáng.

  • Khi mưa rét, hạn chế đi ra đường, nên giữ ấm cơ thể tránh bị lạnh đột ngột. Nếu cần thiết, phải mặc đủ ấm (áo ấm, khăn quàng cổ, tất, mũ) và đeo khẩu trang.
  • Vệ sinh răng miệng sau ăn, trước và sau ngủ. Nếu có hàm răng giả, cần làm vệ sinh vài ba ngày một lần.
  • Dinh dưỡng hợp lý, bổ sung vitamin từ rau xanh, hoa quả để tăng sức đề kháng.
  • Không hút thuốc lá.
  • Thể dục mỗi ngày và tập hít thở đều (hít sâu, thở ra từ từ).
  • Tiêm vaccine phòng cúm định kỳ hàng năm nhằm tăng sức đề kháng.
  • Tuyệt đối không tự ý mua kháng sinh để điều trị khi có triệu chứng ho, cúm và sốt hoặc sử dụng đơn thuốc cũ nhiều lần khi bệnh tái phát dù không có chỉ định. Vì như thế sẽ làm gia tăng sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn, hoặc sử dụng thuốc không phù hợp khiến người bệnh và các bác sĩ gặp khó khăn trong điều trị hoặc bệnh tiến triển nặng gây biến chứng, làm giảm cơ hội điều trị.

BS CKII Ngô Thế Hoàng

Trưởng khoa Hô hấp BV Thống Nhất

Nguồn: tcsuckhoe.com

 

 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc