Đậu Hà Lan, khoai lang ta, mít nghệ, xoài Hòa Lộc, chuối La Ngà… sấy dẻo, sấy khô đang là món “hot” trên thị trường thực phẩm công nghệ. Trông mặt bắt hình dong, món sấy không tươi bề ngoài theo kiểu đẹp phấn son ngon đường mỡ, trên thực tế tốt xấu thế nào cho sức khỏe người tiêu dùng? Trong chuyên mục “Hỏi giùm bạn đọc” tháng này, Kim Ánh (KA) đã nhờ Bác sĩ Lương Lễ Hoàng (BS LLH), góp sức tìm ẩn số.

KA: Món ngọt ảnh hưởng thế nào trên sức khỏe người tiêu dùng?

BS LLH: Theo công bố của Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ, bệnh tim mạch vẫn tiếp tục đứng đầu về tỷ lệ tử vong vì số khách hàng tiềm năng do quá “hảo ngọt” (theo nghĩa đen) không hề giảm! Chuyện gì cũng có lý do. Tuy mạng lưới cảm thụ thần kinh nhạy bén trên đầu lưỡi bao gồm nhiều vị đúng nghĩa “Ngũ Hành tương sinh” với cay, đắng, nhạt, chua, ngọt, nhưng cảm giác vừa miệng khiến thực khách dễ “mạnh miệng” vẫn chịu ảnh hưởng ưu thế của vị ngọt! Hèn gì trong tiếng Việt thâm thúy, ngon ngọt là tiếng kép, cứ như muốn ngon phải ngọt, từ trẻ mới lọt lòng cho đến cụ già đầu bạc răng long ai cũng “không ngọt không về”! Không lạ gì nếu chuyên gia ở đại học Berkeley, California thậm chí cảnh báo là số người “ghiền” bánh, kẹo, mứt, nước ngọt tăng lực… đặc biệt là giới trung niên, cao hơn số đối tượng hảo cà-phê, thuốc lá, bia bọt! Đi xa hơn nữa, chuyên gia về bệnh tâm thể ở đại học Hamburg, CHLB Đức, qua thống kê hẳn hoi, đã quả quyết không dưới 70% quý bà vào tuổi mãn kinh “nghiện” món ngọt hơn mê “chuyện đó”! 30% còn lại tất nhiên thích cả … hai!

KA: Tại sao món ngọt dễ gây nghiện và từ đó dẫn đến nhiều hệ quả khó lường?

BS LLH: “Đá lông nheo chịu đèn” là chuyện cá biệt! Dễ nghiện hay không tùy thuộc “đáp ứng” của hệ thần kinh. Món ngọt dễ ghiền không chỉ vì … ngon! Đã vậy, tác dụng gây lệ thuộc dễ nhân đôi, nhân ba, nếu vị ngọt núp khéo sau vị đắng để như cuộc tình truân chuyên, trước nhân nhẩn sau ngọt lịm. Chocolate là dẫn chứng điền hình. “Hảo ngọt” vốn già không bỏ, nhỏ không tha lại thêm một khi vướng vào khó bỏ là do lượng đường trong món ngọt trấn an hệ thần kinh trong lúc dầu sôi lửa bỏng, từ nhẹ như căng thẳng khi xem phim hình sự éo le, cho đến nặng như nỗi trăn trở ngày đêm vì cuộc sống sao xì-trét qua đi thôi! Kẹt chính ở chỗ thừa đường trong máu, chưa kể đến bệnh tiểu đường một khi tụy tạng kiệt lực, sớm muộn cũng dẫn đến rối loạn chuyển hóa với hệ quả dây chuyền như tăng mỡ máu, béo phì, xơ vữa vi mạch, cao huyết áp, sa sút trí tuệ, suy nhược thần kinh và … rối loạn chức năng sinh lý để đời thành bể khổ triền miên!

KA: Dấu hiệu nào cho thấy món ngọt đã tích lũy thành món … độc?

BS LLH: Triệu chứng báo động sớm cho hội chứng rối loạn chuyển hóa, thậm chí trước khi thầy thuốc phát hiện thay đổi trên xét nghiệm huyết học và sinh hóa, là tình trạng buồn chán khi chào ngày mới dù đang thành đạt, mệt mỏi sau ít giờ làm việc dù cả ngày ngồi chơi xơi nước, giảm trí nhớ khi học tập, thiếu tập trung khi phải động não, mất nhạy bén khi cần phán đoán và nhất là đói cồn cào nhưng tức cành hông vì mới ít miếng bỗng no ngang! Hậu quả là nạn nhân vì ăn ít, vì biếng ăn, nên thường chán rau cải, ngán trái cây khiến gia chủ dễ thiếu hụt sinh – khoáng tố, nhất là nhóm sinh tố B cần thiết cho sức chịu đựng của hệ thần kinh. Chưa hết, táo bón không mời cũng đến do khẩu phần đơn điệu bao giờ cũng thiếu chất xơ. Hậu quả là phản ứng lên men thái quá trong khung ruột ép nạn nhân có gương mặt mỗi sáng chẳng khác nào khỉ kia ăn nhằm … ớt hiểm!

KA: Giải pháp nào khả thi để bọc lót dưỡng chất nếu thiếu rau quả tươi?

BS LLH: Đúng là nên có rau quả tươi trong khẩu phần thường ngày, nếu tìm được nguồn thực phẩm “xanh” không phủ hóa chất trừ sâu, không bón bằng chất tăng trưởng thuộc nhóm sinh… ung thư, không vú ép bằng chất tạo màu công nghệ!  Nhưng sai cả cây số nếu tưởng giải pháp chỉ có thể là rau quả tươi! Vấn đề thực tiển là làm sao có món ngọt vẫn đậm đà hương vị rau quả để nhấm nháp với lượng vừa phải mà không lo sớm đến hạn “hao tài” vì phải tìm thầy, chạy thuốc! May là các nhà nghiên cứu về món ăn phục vụ sức khỏe, thông qua công nghệ chế biến thực phẩm an toàn, đã tìm ra giải pháp rất gần trong tầm tay người tiêu dùng với lợi điểm không cần dùng nhiều, nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu hàng ngày của cơ thể. Đó là rau xanh, củ bùi, quả ngọt dưới dạng sấy dẻo, sấy khô, sấy trong chân không.

KA: Nếu so với rau quả tươi, món sấy có lợi điểm gì?

BS LLH: Sau khi loại bỏ lượng nước không cần thiết và cô đọng dưỡng chất nhờ công đoạn sấy kín trong điều kiện vệ sinh tối ưu với nhiệt độ và ẩm độ ổn định, rau + củ + quả dưới dạng sấy là nguồn cung ứng sinh tố, khoáng tố đại lượng và vi lượng, men thực vật… với chất lượng thuần khiết và hàm lượng dồi dào hơn thực phẩm tươi. Không chỉ bấy nhiêu, món sấy gốc thực vật vừa dễ bảo quản, vừa có thêm lợi điểm:

  • Tăng tuần hoàn trong vùng hầu họng, răng, tai, mũi, xoang… nhờ động tác nhai đều đến nhuyễn khi dùng làm món tráng miệng.
  • Tối ưu hóa khả năng dung nạp dưỡng chất của các món ăn khác nhờ thao tác tăng tiết nước bọt khi dùng làm món khai vị.
  • Cung cấp năng lượng hòa hoãn, thay vì lửa rơm của đường cát, bột ngọt, khi có nhu cầu tăng lực, chẳng hạn để hoàn tất tiểu luận, phỏng vấn xin việc, học thi, sáng tác…

KA: Rau củ quả sấy nên là món nhấm nháp của đối tượng nào?

BS LLH: Rau, củ, quả sau khi sấy tuy là thực phẩm nhưng hơn viên thuốc đắng vì vừa ngon ngọt lại thêm nên thuốc cho đối tượng:

  • Buồn chán, lo sợ khi chào ngày mới (hội chứng mệt mỏi kinh niên CFS).
  • Mỏi gáy, mỏi mắt vì rối loạn điều tiết trước màn hình (hội chứng ánh sáng xanh).
  • Dễ bội nhiễm đường hô hấp vì lao tâm trong văn phòng máy lạnh rét run (hội chứng văn phòng cao ốc building sickness syndrom).
  • Suy nhược do lao lực trong dây chuyền thiếu giờ nghỉ (hội chứng cháy sạch burnout vì kiệt sức).
  • Lao động nặng, tài xế đường xa, vận động viên, thai phụ.
  • Bệnh nhân cần hồi phục sau bệnh mãn tính, chấn thương, phẫu thuật, hóa xạ trị.
  • Người cao tuổi lừ nhừ suốt ngày vì khó vào giấc ngủ đúng nhịp sinh học.
  • Trẻ suy dinh dưỡng, trẻ thiếu tập trung trong giờ học, trẻ ứng xử thiên về vị kỷ.
  • Chóng mặt khi đổi tư thế, tê đầu khi dùng bàn phím, ớn lạnh dù trời nóng vì huyết áp thấp.
  • Thường xuyên táo bón với hệ quả khó tránh là viêm da, dị ứng thừa nước đục thả câu.

KA: Được độc giả trong và ngoài nước biết đến như chuyên gia ứng dụng thực phẩm trong phòng và chữa bệnh qua các ấn phẩm đã lưu hành với số phiên bản kỷ lục, như “Dinh dưỡng để phòng bệnh”, “Dinh dưỡng để trị bệnh”, “Chén cơm nên thuốc”… bác sĩ có nhận xét nào tâm đắc sau quá trình phối hợp rau, củ, quả sấy trong phác đồ điều trị bệnh mãn tính?

BS LLH: Tương tự như bài thuốc, khó có hiệu quả như mong muốn nếu khi bốc thuốc lại trúng nhằm dược liệu … dỏm! Thầy thuốc vững tay nghề thế nào cũng toi công thầy, tốn tiền trò, nếu biên toa đúng bệnh nhưng thiếu … thuốc tốt! Sấy khô hay sấy dẻo cũng thế, khó có sản phẩm vừa ngon, vừa lành nếu rau, củ, quả đầu vào không bảo đảm chất lượng. An toàn hơn nữa nếu nhà sản xuất thu mua trực tiếp từ nông trường sinh thái. Bước kế tiếp là nguyên liệu sạch phải qua dây chuyền công nghệ chế biến hiện đại khép kín để trở thành sản phẩm đóng gói hoàn tất đúng nghĩa “An toàn trên hết”. Chưa xong! Tương tự như bào chế thuốc, để đừng phụ lòng “khách hàng là thượng đế”, mỗi lô hàng xuất xưởng phải được kiểm định ngẫu nhiên với số lượng đúng nghĩa thống kê, thay vì cưởi ngựa xem hoa … giả, trước khi đến tay người tiêu dùng. Sau hết, trọng trách của nhà sản xuất là làm sao để giá thành hợp lý với túi tiền của người tiêu dùng có thu nhập không cao. Nếu y học, muốn đúng nghĩa phục vụ sức khỏe cộng đồng, không thể xa rời yếu tố kinh tế, thì thực phẩm cũng thế mà thôi, thậm chí hơn thế! Đó chính là những tiêu chí không thể dời đổi, không thể tiết giảm nếu muốn đáp ứng mục tiêu thực tiển đã được y sứ Hippocrates nhiều lần nhấn mạnh “Hãy dùng thực phẩm như dùng thuốc”. Với người tiêu dùng, nếu muốn dùng hoài nhưng không … tiêu, cách đơn giản, tất nhiên dù chỉ có giá trị tương đối, là chọn thương hiệu có bề dày lịch sử vì hàng nếu là của rẻ của ôi, hàng khó lòng đi sâu vào lòng người để hàng trường thọ!

Xin cám ơn BS.

BS Lương Lễ Hoàng

Khoa Điều Trị Kết Hợp Đông Tây Y

Trung Tâm Oxy Cao Áp TP.HCM

 

Theo Tạp chí sức khỏe

Bệnh viện Hạnh Phúc