Sau một năm học vất vả cùng những đợt thi căng thẳng, các em học sinh bắt đầu bước vào kỳ nghỉ hè để thư giãn và phục hồi năng lượng. Thế nhưng, đây cũng là khoảng thời gian làm không ít phụ huynh lo lắng. Việc trẻ không đến trường, có nhiều thời gian ở nhà sẽ tạo cơ hội cho các em tham gia các hình thức giải trí khác nhau. Một trong số đó là sử dụng mạng Internet, tham gia các game online. Khi việc sử dụng Internet kéo dài với thời lượng không hợp lý, dễ có nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của trẻ.

Câu chuyện của thời đại số

Internet chính thức ra đời vào năm 1991 và dần đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong đời sống của con người thời đại hôm nay. Nhờ vào mạng internet mà chúng ta có thể liên lạc, tìm kiếm thông tin và gia tăng cơ hội học hỏi, làm việc một cách dễ dàng. Thế nhưng, nếu không chủ động kiểm soát, công cụ này dễ gây nên tình trạng lệ thuộc và chi phối cuộc sống của con người.

Cho đến thời điểm hiện nay, trong các sổ tay thống kê và chẩn đoán các rối loạn tâm thần, người ta vẫn chưa đưa ra khái niệm chính thức về tình trạng “nghiện internet” hay “nghiện game”. Tuy nhiên, từ năm 1996, nhà tâm lý học Kimberly S.Young tại Hoa Kỳ đã tiến hành nghiên cứu đầu tiên và đưa ra khái niệm “nghiện internet” (Internet Addiction). Theo bà đề xuất, tình trạng ‘nghiện internet’ có thể được xác định dựa trên 8 tiêu chí sau đây:

  1. Bận tâm với internet khi luôn nghĩ về hoạt động online của mình ở lần trước hay các lần sắp tới.
  2. Nhu cầu gia tăng thời gian sử dụng internet.
  3. Nhiều lần thất bại khi cố gắng kiểm soát, giảm bớt hoặc ngưng sử dụng internet.
  4. Bồn chồn, ủ rũ, buồn phiền hoặc dễ cáu kỉnh khi cố gắng giảm hoặc ngưng sử dụng internet.
  5. Online trên mạng internet trong thời gian nhiều hơn so với dự định ban đầu.
  6. Hủy hoại hoặc nguy cơ mất mối quan hệ quan trọng, mất việc làm, mất cơ hội học tập hoặc đề bạt vì internet.
  7. Nói dối những người trong gia đình, nhà trị liêu hoặc những người khác để che giấu mức độ bị cuốn hút vào internet.
  8. Sử dụng internet như một cách thức để tạm tránh đối diện với những vấn đề khó khăn trong cuộc sống hay những cảm xúc khó chịu như lo lắng, thất vọng, mặc cảm…

Nếu một người có từ 5/8 dấu hiệu kể trên trở lên, có thể họ đang cần sự hỗ trợ từ gia đình, nhà chuyên môn cho vấn đề nghiện internet của mình. Tuy lệ thuộc internet không có cơ chế giống nghiện chất gây nghiện, nhưng nơi người nghiện vẫn xuất hiện các dấu hiệu hết sức đặc trưng tình trạng “nghiện”. Đó là việc gia tăng thời lượng sử dụng ngày càng nhiều (dung nạp), có sự trăn trở bận tâm và tìm kiếm xoay quanh chủ đề internet và những phản ứng khó chịu khi tìm cách giảm sử dụng (triệu chứng cai).

Thông thường, những người “nghiện Internet” sẽ có thời gian sử dụng quá 38 giờ/ tuần cho mục đích không liên quan đến học tập hay làm việc và gây ra ra những hậu quả tiêu cực cho bản thân.

Nguyên nhân của nghiện internet

Có rất nhiều lý do để một người rơi vào tình trạng nghiện internet. Bắt đầu bằng việc sử dụng nhiều, lạm dụng, dẫn đến kết quả là lệ thuộc vào internet và làm ảnh hưởng đến cuộc sống, các mối quan hệ, công việc. Ở mỗi độ tuổi, internet lại thu hút các đối tượng ở những khía cạnh khác nhau.

Trẻ tuổi mẫu giáo, tiểu học thường tìm đến các chương trình hoạt hình, video thiếu nhi có nhiều hình ảnh trực quan sinh động, âm thanh, chuyển động hấp dẫn. Ở tuổi vị thành niên và dậy thì, nhiều bạn trẻ tìm đến internet như một kênh thông tin để khám phá thế giới. Ngoài ra, ở giai đoạn này, vị thành niên có nhu cầu lớn về khẳng định hình ảnh bản thân và xây dựng căn tính (identity), trẻ hay bắt chước theo những hình mẫu và phát sinh ra tình trạng văn hóa thần tượng, nhưng có khi lại là lệch lạc.

Những trò chơi online, đặc biệt là game nhập vai cho phép người chơi cơ hội để thể hiện mình qua các nhân vật anh hùng, hiệp sĩ với chiến công lừng lẫy. Có thể, những “chiến tích” trên game cũng là một cách bù đắp lại những thất bại trong học tập, cuộc sống mà trẻ đang gặp phải.

Một yếu tố khác cũng cần được quan tâm là áp lực đồng đẳng (peer pressure) thúc đẩy các trẻ em vị thành niên tham gia trò chơi, mạng xã hội để gia nhập vào các hội, nhóm bạn và tham gia tương tác, thảo luận cùng nhau.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng tìm đến internet như một cách giải toả quen thuộc trước những áp lực cuộc sống, căng thẳng trong công việc hay các cảm xúc lo âu, cô đơn, buồn phiền. Điều này tương tự với cơ chế tìm đến những hình thức giải toả khác như “nghiện” mua sắm, đánh bạc, tình dục…

Những hậu quả khôn lường

Sử dụng internet không hợp lý có thể là nguyên nhân gây ra các rối loạn tâm lý như trầm cảm, lo âu (Choi và cộng sự, 2013); Rối loạn giấc ngủ (Choi & Kwisook, 2009). Việc dành quá nhiều thời gian cho việc sử dụng internet và chơi game sẽ làm đảo lộn thời gian biểu sinh hoạt trong ngày. Từ đó, trẻ có thể đối mặt với việc sa sút trong học tập, khó khăn trong các mối quan hệ gia đình, bạn bè và xã hội.

Sử dụng mạng internet một cách không an toàn còn dẫn đến nguy cơ của tình trạng bị bắt nạt trực tuyến (cyberbullying) và nguy cơ bị tiết lộ thông tin, hình ảnh cá nhân. Nghiên cứu của nhóm tác giả Tấn Đạt, Thành Trung và Minh Thúy công bố 2018 trên đối tượng sinh viên đại học tại TP.HCM đã chỉ ra việc bị bắt nạt trực tuyến có mối tương quan tỷ lệ thuận với ý định tự sát. Trên phương tiện truyền thông, nhiều vụ án mạng đau lòng trong đó thủ phạm có tình trạng nghiện game được thông tin đã làm chấn động dư luận trong thời gian qua.

Vai trò của gia đình

Từ đó, việc phụ huynh kiểm soát và điều tiết thời lượng sử dụng internet của con em mình là điều hết sức cần thiết. Kimberly S.Young  cho rằng điều quan trọng nhất là cha mẹ phải thiết lập các quy tắc gia đình về việc sử dụng internet để giúp con cái họ tránh nghiện internet.

Ngoài ra, khi muốn giảm bớt một hành vi tiêu cực, phụ huynh cần tìm cách củng cố gia tăng một hành vi tích cực khác nơi trẻ như tham gia các sinh hoạt cộng đồng, thiện nguyện, thể thao hay thậm chí là làm việc nhà. Thay vì cấm đoán một cách căng thẳng, cha mẹ nên cần cùng trẻ thảo luận để xây dựng bảng thời gian biểu hợp lý để cân bằng giữa việc nghỉ ngơi, giải trí và học tập kỹ năng… đặc biệt là trong dịp nghỉ hè hiện nay.

Xin cám ơn CG Tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện

Đơn vị Tâm lý – BV Nhi đồng Thành phố

Nguồn: tcsuckhoe.com

 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc