Game nói chung và Pokémon Go nói riêng là “thực đơn” luôn khiến ai chơi cũng bị… ghiền, sau đó phải dành nhiều thời gian “chăm sóc” nhằm tăng cấp độ. Tuy cấp độ người chơi trong game là ảo nhưng nó lại khiến game thủ cảm thấy tự hào thật, nhất là khi khai thứ bậc, thành tích của mình với người trong giới.

Bên cạnh đó, tác động khó lường từ game online ngoài việc chiếm thời gian khiến người chơi không còn tập trung cao vào công việc chính thường ngày, trong những mối quan hệ xung quanh thì hành vi lặp lại và ngày càng tăng khi cứ dán mắt vào màn hình điện thoại/vi tính… sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe.

Anh PGTT 2.jpg
Trò chơi Pokémon Go gây chú ý ở nhiều nước – Ảnh: Rueters

Riêng với Pokémon Go thì ngay khi nó du nhập vào VN gần đây đã ghi nhận nhiều thông tin xấu – có thể nói bắt nguồn từ trò chơi này – như mải mê chơi game bị giật điện thoại, bị tai nạn trong lúc “săn” Pokémon…

Sự nguy hiểm của trò chơi này ở mức báo động, cho nên ngày 18-8 vừa qua, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã phê duyệt công văn về việc tuyên truyền người dân không chơi trò chơi Pokémon Go khi lái xe trên đường.

Qua đó, cho biết, sẽ cho hiển thị nội dung cảnh báo trên bảng thông tin giao thông điện tử. Nội dung trên bảng thông tin điện tử ghi rõ “không Pokémon Go khi tham gia giao thông”, thông báo được hiển thị trong thời lượng 20 giây vào những giờ thấp điểm trên toàn bộ 44 bảng thông tin giao thông điện tử (14 bảng nhỏ, 30 bảng lớn) trên địa bàn TP do sở này quản lý.

Ngày 17-8, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đưa ra 5 khuyến nghị đối với người chơi Pokémon Go nhằm giảm thiểu những tai nạn, rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tham gia trò chơi này như: người chơi không chơi game Pokémon Go khi đang tham gia giao thông; không chơi ở các khu vực nguy hiểm như đường sắt, đường cao tốc, sân bay, sông, hồ, đồi, núi…; cẩn thận trước khi cài đặt Pokémon Go, tránh cài đặt phải những ứng dụng giả và lừa đảo; không chơi gần hoặc trong khu vực các cơ quan của Đảng và Nhà nước, các khu vực quân sự, an ninh quốc phòng và các khu vực cấm…

Thiết nghĩ, trò chơi gì hay loại hình giải trí nào mà có quá nhiều hệ lụy có thể xảy ra, khiến bản thân người tham gia ít nhiều bị chi phối, ảnh hưởng đến cuộc sống, sự bình an của tự thân, khiến mình vật vờ, không có chánh niệm, tỉnh thức; ngược lại còn khiến mình mê muội thêm, tổn hại sức khỏe thì người Phật tử nên nói KHÔNG!

Tự bảo hộ bản thân để không bị kẹt trong những trò chơi, trò giải trí chứa “độc tố” chính là cái thấy và hành động chân chánh, tích cực, cần làm mỗi ngày…

Nguồn: An Lạc/ Giác Ngộ online 

Bệnh viện Hạnh Phúc