Do thói quen sính ngoại, một bộ phận không nhỏ người dân “bỏ mặt” những sản phẩm chất lượng cao được sản xuất trong nước và đặt niềm tin vào những loại hàng hóa nhập khẩu. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế nội địa mà đáng lo ngại hơn là khi những sản phẩm này được nhập vào Việt Nam theo con đường không chính ngạch, không được các cơ quan chức năng kiểm duyệt về chất lượng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm và do vậy luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe người tiêu dùng. Một trong số những mặt hàng nhập lậu vẫn luôn gây “nhức nhối” trong cộng đồng đó là bột ngọt lậu.

Những ngày vừa qua, theo thông tin từ các cơ quan quản lý thị trường tại một số tỉnh miền Trung như Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, tình trạng kinh doanh loại bột ngọt nhập lậu tiếp tục tái diễn.

Nhận diện bột ngọt lậu

Dạo một vòng quanh các chợ lớn nhỏ tại miền Trung, dễ dàng bắt gặp các gói bột ngọt nhập lậu được bày bán công khai tại các sạp hàng gia vị, đồ khô. Loại bột ngọt nhập lậu này thường được biết đến với tên gọi bột ngọt hiệu “Cái Muỗng”, được sản xuất bởi công ty THAI FERMENTATION IND. CO., LTD. tại Thái Lan và được nhập lậu qua các đường biên giới giữa Việt Nam và Lào, sau đó được vận chuyển theo đường bộ đến các chợ trong thị trường nội địa Việt Nam để tiêu thụ. Trên bao bột ngọt nhập lậu hiệu “Cái Muỗng” này không có bất kì thông tin nào bằng Tiếng Việt về nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác hay thành phần sản phẩm cũng như hạn sử dụng…

Bao bì bột ngọt hiệu “Cái Muỗng” hoàn toàn là thông tin bằng tiếng Thái.

Tại chợ Bến Ngự (Huế), tình cờ chúng tôi bắt gặp chị M. H đang mua sản phẩm bột ngọt này. Khi chúng tôi hỏi chị có biết đây là hàng lậu không thì chị “hồn nhiên” trả lời: “Tui đâu biết, thấy là hàng ngoại mà nêm cũng ngon thì mua thôi!”. Có một điều là giá của bột ngọt lậu không hề rẻ hơn, mà lại đắt hơn bột ngọt trong nước khoảng 5.000 đồng/ gói 500g. Vậy tại sao người tiêu dùng vẫn sử dụng? Câu trả lời có lẽ chỉ đơn giản xuất phát từ thói quen sính hàng ngoại của người dân.

Tiềm ẩn nhiều mối nguy cho sức khỏe

Với giá thành còn đắt hơn những loại bột ngọt chính hãng sản xuất trong nước, vậy chất lượng của loại bột ngọt này có đáng tin cậy không?

Bột ngọt lậu hiệu “Cái Muỗng” được bày bán công khai xen lẫn các mặt hàng gia vị.

Theo BS. CKII Trần Thị Kim Chi – Trưởng khoa Dinh dưỡng- Bệnh viện Nhân dân Gia Định, tác hại trước mắt trên sức khỏe người tiêu dùng là những ngộ độc cấp tính hoặc dị ứng từ những thành phần không tinh khiết trong sản phẩm bột ngọt nhập lậu có thể khiến cho người tiêu dùng, trong một khoảng thời gian ngắn sau khi sử dụng, có những triệu chứng như nhức đầu, choáng váng, thậm chí là buồn nôn tiêu chảy, đau bụng… Và nguy hại hơn nữa, phần chìm của tảng băng trôi mà chúng ta không biết được đó là ngộ độc mãn tính lâu dài, có thể gây ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng trong cơ thể, đưa đến tình trạng suy gan, suy thận hoặc thậm chí trong nhiều năm có thể tồn tại những chất độc, hóa chất gây hại là những chất sinh ung, làm tăng nguy cơ ung thư.

Như vậy, có thể thấy chất lượng và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm của bột ngọt nhập lậu nói riêng và các loại hàng hóa nhập khẩu theo đường không chính ngạch nói chung hoàn toàn không được đảm bảo, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, người tiêu dùng nên tránh xa các mặt hàng này. Hành động này cũng sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân và đóng góp cho ngân sách nhà nước.

P.T

Bệnh viện Hạnh Phúc