Những ngày sau năm 1975, những người ở miền Bắc vào Nam hết sức ngạc nhiên thấy trẻ em trong này lễ phép khác hẳn ngoài Bắc. Có cả các thanh niên cao to đẹp trai, học cao hiểu rộng mà khi về nhà khoanh tay cúi đầu chào ông bà cha mẹ, bà con họ hàng. Họ xưng “con” nghe lạ tai và dễ thương. Lúc đó có người “sĩ diện” không chịu “văn hóa đế quốc” để lại nên chê: “Làm gì mà phong kiến khúm núm quá, phải “tự chủ, đàng hoàng tư thế” của văn minh tiến bộ chứ”.

Đó, bây giờ thì biến mất luôn cái truyền thống lễ phép đó rồi nhé, mà có bao nhiêu năm đâu, thổi bay một nét đẹp.

Bây giờ thì nhiều thanh niên chăm chỉ, thông minh, nhưng cũng chẳng thiếu những “quái thai” về mặt ứng xử xã hội. Ngay đối xử với bậc sinh thành hoặc người thân yêu của mình cũng còn tàn ác. Ai mà chẳng phát mệt với các vụ án ghê rợn ngay đối với người trong gia đình. Người ta nói đạo đức xã hội suy đồi nhanh quá, không biết rồi còn tiến đến đâu nữa.

Bà xã tôi kể những lần đi “tám” với bạn bè, các bà các cô thi nhau kể. Lúc hứng thì thi nhau khoe con cái ngoan ngoãn, tài giỏi, nhưng nếu có ai kêu ca gì đó là lại tuôn ra rào rào những mặt tiêu cực. Mà hình như cái xu hướng lễ phép kiểu ấy cũng ngấm vào cả con nít. Thường chúng cứ phải để nhắc, chào ông, chào bà chưa, lúc đó mới chào hoặc có đứa nhất định không chịu làm theo. Nhưng lúc hứng lên chúng chào lia lịa không kịp trả lời, lúc thì ai nói cũng không chịu mở miệng.

Nói lễ phép ra khỏi từ điển thì các nhà soạn thảo từ điển chẳng thèm chấp. Từ điển ở đây nghĩa là vốn liếng từ ngữ trong đầu không có chuyện lễ phép, vậy thôi. Giống như bà vợ kia nói, trong từ điển của ông xã không có từ “để dành”, là bởi ông hoang phí lắm, làm gì còn mà nói chuyện để dành.

Ngay đến cả kỹ thuật làm ăn, dịch vụ, đòi hỏi chữ lễ phép lịch sự lên hàng đầu, vậy mà xem đó, những người Hà Nội coi chuyện miến chửi, phở chửi là “vui tai” kệ họ, miễn là miến, phở của họ ngon, họ chửi ai chứ có chửi ta đâu. Còn cái câu quát “Rách việc, không ăn thì biến” nghe còn lịch sự hơn so với nhiều câu khác. Bà xã tôi không chạm tự ái vì mình là người Hà Nội từ xưa, sau này mới vào Sài Gòn, lại còn nói thêm: “Ngoài đó mới có chuyện đi đường bị trẻ con ném đá, ném pháo vào người chứ trong này, hư gì thì hư, không có kiểu ấy. Còn các cơ quan công sở trong này có thể gọi nhau theo kiểu đùa cợt nhưng không nói tục chửi bậy sỗ sàng. Không như ngoài kia, có những phụ nữ mặc váy đẹp môi son má phấn mà mở miệng ra là nói tục chửi thề. Khi có người góp ý họ còn cười nhăn nhở: “Khiếp, nói ra được một câu như thế, cứ nhẹ cả người”. Làm như nói tục chửi thề là phương tiện để xả stress vậy”.

Có người giải thích, sống ở một xã hội suy đồi đạo đức, mình không dữ dằn bặm trợn thì để cho kẻ khác bắt nạt à! Tôi nói: “Bây giờ toàn cầu hóa, Hà Nội, Sài Gòn cũng như nhau cả thôi, là bởi vì những thành phố lớn toàn dân nhập cư cả. Như bọn mình dù có ở Sài Gòn đến mấy chục năm vẫn chỉ là dân nhập cư sớm hơn mà thôi”. Bà xã tranh luận lại: Nói gì thì nói, có giống nhau chăng nữa, vẫn có đặc điểm riêng. Như ở Sài Gòn, kinh tế thị trường sớm, cứ nhìn dịch vụ hàng quán chuyên nghiệp mà xem. Mình ngồi ăn, người phục vụ còn quan sát xem khách cần gì là đến liền, chứ không gọi ời ời chẳng ai thèm nghe như người ta chê dịch vụ ở Hà Nội. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng kể chuyện ăn phở Hà Nội: “Ngon thì đã đành, nhưng dặn cho ít bánh thôi nhé. Vâng. Không cho mì chính nhé, cũng vâng. Nhưng khi bưng bát phở lên thì vẫn không khác gì bình thường, chứng tỏ họ không làm theo lời dặn. Họ vâng cho qua chuyện, cho mình đừng có nói nhiều hay sao đó”. Vậy là ông còn may, chứ nhiều nơi thấy yêu cầu nhiều như thế, họ nói: “Không ăn thì biến. Lão già lắm chuyện, lặn đi cho nước nó trong”.

Lễ phép ra khỏi từ điển thật rồi. Ngay ở những nhà tử tế, người ta cũng ngượng hay sao ấy khi phải cúi chào. Con cái đi đâu chẳng phải chào, chỉ nói “Con đi đây” là đã may lắm, cũng là một cách chào. Nói thì chúng cười: “Không nhớ dạo xưa có bác Cả ở quê ra chơi, bác lễ phép, thấy ai cũng hỏi “Bác xơi cơm chưa ạ” thay cho lời chào. Gặp ở đâu cũng hỏi câu đó, có người đang trên đường ra nhà vệ sinh mà gặp, bác cũng chào câu đó. Còn ông thầy của chúng con, hơi chút là xin lỗi liền, đến nỗi học trò bịa ra giai thoại, ông muốn so giờ đồng hồ nên hỏi giờ một người, không may đồng hồ của ông kia chạy nhanh, ông thầy liền kính cẩn: Xin lỗi cái đồng hồ của bác”.

Đó, lễ phép quá là chết.

Theo Quảng Yên (DNSGCT)

Bệnh viện Hạnh Phúc