Chúng ta thường rơi vào trạng thái buồn bã vào thời điểm nào đó trong ngày hoặc trong khoảng thời gian nào đó trong cuộc sống.
Khi cảm thấy “như phải đấu tranh để thức dậy vào buổi sáng”, phải tìm kiếm lý do gì đó để cười – đây có phải là biểu hiện của trầm cảm?
Trầm cảm và nỗi buồn trong cuộc sống hàng ngày
Trải nghiệm nỗi buồn hàng ngày được xem là sự bắt đầu hữu ích giúp mỗi người hiểu rõ hơn về trầm cảm và ảnh hưởng của nỗi buồn đến tinh thần và cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, không giống nỗi buồn thường ngày, trầm cảm làm chúng ta cảm thấy suy kiệt và trạng thái này kéo dài. Trầm cảm không biến mất sau khi ngủ nghỉ, phục hồi cơ thể.
Trầm cảm và nỗi buồn trong cuộc sống hàng ngày khác nhau, sự can thiệp với các bất ổn này cũng khác nhau
Theo thống kê của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (APA) năm 2018, cứ 15 người trưởng thành thì có 1 người bị trầm cảm mỗi năm. Trầm cảm có thể là kết quả của sự mất mát (cái chết của người thân), do sử dụng thuốc (các thuốc điều trị rối loạn tuyến giáp).
Nỗi buồn từ sự mất mát xuất hiện “dưới dạng các cơn sóng” còn cảm xúc buồn bã do trầm cảm biểu hiện liên tục và thường xuyên. Trước nỗi đau của sự mất mát, người ta thường “giữ khư khư lòng tự trọng”; người trầm cảm luôn có cảm giác vô dụng, không có giá trị và chán ghét bản thân.
Các biểu hiện khác của trầm cảm là buồn bã, giảm hứng thú và quan tâm đối với các hoạt động yêu thích, cân nặng bị thay đổi liên tục, khó ngủ hay ngủ li bì, mất năng lượng, cáu gắt trong ứng xử, khó đưa ra quyết định, cực đoan, có ý nghĩ tự sát. Và khi các biểu hiện này kéo dài từ 2 tuần trở lên, có nghĩa là bạn đang bị trầm cảm.
Sự can thiệp cũng khác nhau
Cảm xúc buồn khá phổ biến vì tất cả chúng ta đều đối mặt với các yếu tố gây stress hàng ngày và đều trải nghiệm nỗi buồn. Để chẩn đoán trầm cảm, các chuyên gia tâm thần học sẽ tiến hành một phỏng vấn để xác định các triệu chứng, tìm hiểu về lịch sử gia đình và sử dụng thuốc, đánh giá các yếu tố văn hóa và môi trường; sau đó đi đến kết luận và lên kế hoạch điều trị.
Đó là cuộc đối thoại mở để cá nhân có thể mô tả bằng ngôn ngữ của chính mình về những gì họ đang trải qua. Đôi khi, cần xét nghiệm máu để tìm hiểu các rối loạn thể chất có thể dẫn đến trầm cảm.
Trầm cảm có thể điều trị khỏi. 80 – 90% số người trầm cảm giảm được các biểu hiện trầm cảm trong quá trình can thiệp của chuyên gia, theo APA. Các trị liệu phổ biến đối với người trầm cảm là liệu pháp tinh thần, thuốc chống trầm cảm, điều chỉnh lối sống (cải thiện giấc ngủ và thói quen ngủ nghỉ, thể dục vận động) đều rất hữu ích.
Đối với nỗi buồn trong cuộc sống thường ngày, các chuyên gia sẽ giúp “tái kết nối với những điều tích cực”. Sự hiện diện với nỗi buồn giúp chúng đi qua hoặc dịu lại: “Tôi cố không khích lệ họ rót thêm nỗi buồn hay trốn chạy khỏi nỗi buồn bằng những hoạt động thiếu lành mạnh có thể làm cho tình hình nghiêm trọng hơn” – theo TS.Parvez, Bệnh viện Mayo.
Nguồn: giacngo.vn
https://giacngo.vn/yhocsuckhoe/2020/02/26/3650DB/