Cholesterol là một trong các thành phần mỡ máu của cơ thể, đến từ hai nguồn: Thức ăn (chiếm 40%) và do cơ thể sản xuất trực tiếp (chiếm 60%).

phunuhiendai.mautangXây dựng chế độ ăn hợp lý giúp giảm cholesterol xấu trong máu

Tất cả các tế bào cơ thể đều có thể sản xuất cholesterol mà gan là “nhà máy” chính. Cholesterol được đào thải tự nhiên một phần qua gan (dưới dạng sản xuất mật), một phần qua phân. Hầu như ai cũng biết đến sự dư thừa của cholesterol trong cơ thể có hại cho sức khỏe, cụ thể là nguy cơ bị các bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim…

Theo BS chuyên khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bà Nguyễn Thị Nga, thì chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến lượng cholesterol máu. Thừa cân có khuynh hướng làm tăng cholesterol máu, là một yếu tố nguy cơ của bệnh lý tim mạch.

Cholesterol của nữ (trước thời kỳ mãn kinh) thường thấp hơn nam ở cùng độ tuổi. Sau giai đoạn mãn kinh, cholesterol “xấu” ở phụ nữ có xu hướng gia tăng. Trong giai đoạn thai nghén, do estrogen tăng làm cho cholesterol và triglyceride tăng nhưng không gây hại đến cơ thể. Tuổi càng tăng, cholesterol càng tăng.

Di truyền cũng là yếu tố ảnh hưởng đến lượng cholesterol máu. Chế độ ăn uống đóng vai trò trung tâm trong điều trị hạ LDL-C (cholesterol tỷ trọng thấp) giúp ngăn ngừa xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành. Vì vậy, cần xây dựng chế độ ăn và một số biện pháp phối hợp điều trị phù hợp.

Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn

– Ưu tiên dùng các loại “thịt trắng” (đậu phụ, cá…) hơn là các “thịt đỏ” (thịt lợn, bò…). Giảm ăn thực phẩm giàu cholesterol như các loại đồ lòng, phủ tạng, da… động vật, lòng đỏ trứng…

– Giảm tối đa chất béo, chất bột đường. Ưu tiên dầu thực vật (nhưng tránh dầu dừa), hạn chế tối đa mỡ động vật (trừ mỡ cá).

– Nên chế biến thức ăn một cách đơn giản theo xu hướng hấp, luộc, xào nhanh…, tránh tối đa thức ăn quay, rán, xào nhiều dầu mỡ.

– Tăng cường ăn rau củ, trái cây, ngũ cốc còn nguyên (mỗi ngày, mỗi người nên ăn tối thiểu 300g rau xanh, 200g quả chín tươi theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia).

– Một số thức ăn được xem là “thuốc” trong Đông y có tác dụng giảm mỡ tốt như: Dầu nành, đậu nành, đậu xanh, đậu Hà Lan, cà chua tươi chín, ớt vàng, nấm hương, nấm rơm, tỏi, rau ngót, rau cần tây, diếp cá, bắp chuối …; hoa quả nên lưu ý chanh, cam, quýt, bưởi, táo chín…; trà xanh, chè xanh…

– Nên tạo thói quen đọc nhãn hiệu bao bì để chọn lựa thực phẩm phù hợp (không hoặc ít béo, ít cholesterol, không đường).

Một số biện pháp phối hợp điều trị

+ Kiểm soát cân nặng:

– Nên duy trì cân nặng lý tưởng bằng cách áp dụng chỉ số khối cơ thể BMI (Body Mass Index) để tự theo dõi tình trạng dư cân của bản thân. Công thức tính BMI = Cân nặng bản thân (tính bằng đơn vị kg) đem chia cho chiều cao bản thân bình phương (tính bằng mét). Chỉ số này nên duy trì từ 22 – 23, không nên vượt quá 25.

– Luôn theo dõi cân nặng thường xuyên mỗi tuần một lần trên cùng một bàn cân vào buổi sáng sớm sau khi vệ sinh cá nhân, chưa ăn sáng và mặc áo quần tối thiểu nhất, để phát hiện sớm chiều hướng tăng cân hoặc tốc độ giảm cân nhằm điều chỉnh kịp thời.

+ Hoạt động thể lực:

– Hạn chế ngồi lâu một chỗ, chơi game, internet, xem tivi… Hãy tranh thủ thời gian để làm việc nhà (lau dọn nhà cửa, tưới cây…), sử dụng thang bộ thay cho thang máy.

– Nên tăng cường tập luyện với bất cứ môn thể thao nào mà chúng ta thích và phù hợp, đều đặn mỗi ngày từ 45-60 phút, ít nhất bốn ngày trong tuần.

– Ngưng hoặc giảm thiểu uống rượu, hút thuốc lá. Điều trị bằng thuốc làm giảm cholesterol máu cần phải có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Nguồn: giacngo.vn

Bệnh viện Hạnh Phúc