Hiện nay, khi dịch vụ thám tử nở rộ, nhiều cá nhân và doanh nghiệp than thở rằng họ cảm thấy bất an khi có thể bị theo dõi bất cứ lúc nào. Không thể phủ nhận những mặt tích cực mà dịch vụ này đem lại nhưng cũng phải khẳng định rằng pháp luật Việt Nam không cho phép hoạt động thám tử tư dưới mọi hình thức. Thế nên, hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi sử dụng dịch vụ này.
Nở rộ dịch vụ
Tìm cụm từ “thám tử tư”, trên trang Google sẽ hiện lên hàng ngàn địa chỉ, thông tin của các công ty kinh doanh loại hình dịch vụ này. Cùng với đó là những bài PR kêu như chông đồng như: “Đẳng cấp – Chuyên nghiệp – Uy tín”, “Tín nhiệm nhất Việt Nam” hay “Không hài lòng, không mất tiền”…
Hơn 10 năm làm nghề, anh Nguyễn Hưng Nguyên (thám tử một văn phòng trên phố Chùa Bộc, Hà Nội) cho biết, do nhu cầu cả Hà Nội và TP HCM số các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này mọc lên như nấm sau mưa. Khách hàng đến ồ ạt không những ở trong nước mà còn ở nước ngoài.
Anh Nguyên cho rằng, có đến 80% các hợp đồng thám tử anh nhận được là theo dõi chồng hoặc vợ nghi ngoại tình. Công việc này anh làm đã nhiều năm và trình tự cụ thể.
Đầu tiên là theo dõi nắm được lịch sinh hoạt, đi lại, giờ giấc cố định của đối tượng. Kế đến là phân tích những tình tiết bất thường để rồi từ đó áp sát những khoảnh khắc bất thường đó để ghi hình. Những ông chồng có bồ nhí thường bị chụp ảnh khi dẫn nhau vào nhà nghỉ và đây chính là bằng chứng “không thể chối cãi” trước mặt vợ.
Thám tư tư là dịch vụ chưa được công nhận ở Việt Nam.
Ngoài những vụ “kỳ án ngoại tình” là những vụ đối thủ cạnh tranh trong kinh doanh muốn theo dõi để tìm cách triệt hạ nhau hay bố mẹ muốn theo dõi con cái hoặc điều tra các vụ trộm cắp trong công ty.
Đặc biệt hơn, gần đây lại đang có xu hướng người chuẩn bị lấy vợ, lấy chồng muốn tìm hiểu lý lịch của người bạn đời trong tương lai cũng như các mối quan hệ hiện tại.
Phí thuê thám tử khoảng 1 triệu đồng một ngày. Với những vụ theo dõi ngoại tình, tìm con cái… mất nhiều ngày thì khách phải trả vài chục triệu đồng cho một hợp đồng là bình thường.
Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay nhu cầu về thám tử tại Việt Nam rất lớn, lợi dụng điều này, nhiều công ty dịch vụ thám tử tư nở rộ nhưng chưa qua trường lớp đào tạo bài bản, thiếu đạo đức nghề nghiệp cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của các công ty thám tử đang hành nghề chân chính.
Có thể tố giác
Rõ ràng, nhiều người trong những trường hợp bất khả kháng mới buộc phải tìm đến dịch vụ này để giải quyết vấn đề của mình. Và trong chừng mực nào đó, dịch vụ thám tử tư cũng phát huy được tác dụng. Tuy nhiên, không nhiều người sử dụng dịch vụ này biết rằng hoạt động thám tử tư là hoạt động pháp luật Việt Nam không cho phép. Nghĩa là, sử dụng các biện pháp theo dõi người khác là phạm pháp.
Khoản 1 Điều 30 Luật Đầu tư và Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 đều quy định “thám tử tư”, “điều tra” là lĩnh vực cấm đầu tư, chưa được công nhận tại Việt Nam. Tại điểm k khoản 1 Điều 7 Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 1/10/2010 cũng quy định “kinh doanh dịch vụ điều tra bí mật xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” là ngành, nghề cấm kinh doanh.
Có nghĩa là, pháp luật không cho phép các tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ điều tra, hoạt động thám tử tư dưới mọi hình thức. Hành vi một số người lấy danh nghĩa thám tử tư để theo dõi, điều tra chị là phạm luật. Hành vi theo dõi, thu thập thông tin về đời tư của chị là vi phạm quyền bí mật đời tư được quy định tại Điều 38 Bộ luật Dân sự. Theo đó, việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Bên cạnh đó, kinh doanh dịch vụ thám tử không có trong hệ thống mã ngành kinh tế. Điều đó cũng có nghĩa không có chức danh “thám tử viên”, hay gọi là thám tử. Đây chỉ là thuật ngữ tồn tại trong đời sống xã hội, không phải là thuật ngữ pháp lý.
Thế nên, hiện rất nhiều công ty thám tử đang hành nghề thám tử núp dưới hình thức công ty “dịch vụ cung cấp thông tin”. Tuy nhiên, hiểu theo đúng nghĩa thì thám tử là đi lấy thông tin của người khác chứ không phải cung cấp thông tin. Cung cấp thông tin chỉ là bước sau khi họ làm “thám tử” mà thôi.
Khi dịch vụ thám tử nở rộ, nhiều cá nhân và doanh nghiệp than thở rằng họ cảm thấy bất an khi có thể bị theo dõi bất cứ lúc nào. Cũng bởi mảnh đất màu mỡ này nên nhiều doanh nghiệp đã vì lợi nhuận, can thiệp thô bạo vào đời sống của người khác.
Thế nên, để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, những người bị thám tử tư ảnh hưởng quá sâu đến đời sống của mình có thể thu thập bằng chứng, gửi đơn tố giác vi phạm pháp luật của người xưng là thám tử tư đến cơ quan công an để đề nghị xử lý.
Nguồn: Petrotimes.vn