[Phụ Nữ Hiện Đại] – “Ken – Ngày mai sống hay chết?” tác phẩm đầu tay của tác giả KINGKHA, viết về hành trình vượt lên nghịch cảnh của một chàng trai trẻ trên con đường tìm lại chính mình, đồng thời mang đến cho người đọc những triết lý sống sâu sắc và các công cụ phát triển bản thân hữu ích.
“Ken – Ngày mai sống hay chết?” là câu chuyện truyền cảm hứng về chàng trai tên Ken – người từng lạc lối giữa những cạm bẫy của xã hội, rơi vào bóng tối của những sai lầm. Tuy nhiên, nhờ sự xuất hiện của “người thầy định mệnh”, Ken đã bước lên hành trình “tái sinh” thông qua hành trình xuyên Việt, tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời và rèn luyện bản thân.
Trên hành trình đó, Ken học hỏi và áp dụng các công cụ quản lý thời gian, quản lý cuộc sống và tư duy phát triển bản thân như:
– Ma trận Eisenhower: Phương pháp ưu tiên công việc và quản lý thời gian.
– Triết lý 5S và Kaizen: Cách sắp xếp không gian sống và cải tiến liên tục.
– Ikigai và phương pháp Yes/No: Xác định sứ mệnh và đưa ra quyết định hiệu quả.
– PDCA, 5 Why, SMART: Phương pháp phát triển bản thân và giải quyết vấn đề.
Không chỉ dừng lại ở những công cụ lý thuyết, cuốn sách còn kể lại các bài học cuộc sống từ những câu chuyện dân gian, những nhân vật lịch sử nổi tiếng như Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Huệ, Lý Công Uẩn, qua đó giúp độc giả dễ dàng hiểu và áp dụng vào thực tế cuộc sống.
Thông điệp truyền cảm hứng:
Cuốn sách gửi gắm thông điệp mạnh mẽ: “Dù hôm nay có khó khăn, ngày mai vẫn có thể là một khởi đầu mới”. Dù rơi vào hoàn cảnh nào, chỉ cần dũng cảm đối mặt và sẵn sàng thay đổi, mỗi người đều có thể viết lại câu chuyện của cuộc đời mình.
Đôi nét về tác giả
Tác giả KINGKHA, tên thật là Trần Thanh Kha, sinh năm 1977 tại Tiền Giang. Với hơn 20 năm kinh nghiệm lãnh đạo trong lĩnh vực ô tô, xe máy và phụ tùng, ông hiện đang là Giám đốc Công ty TNHH Niterra Việt Nam (trước đây là Công ty TNHH NGK Spark Plugs Việt Nam).
Là một diễn giả tâm huyết, ông mong muốn thông qua cuốn sách này, truyền tải những bài học cuộc sống đến thế hệ trẻ, giúp họ xác định sứ mệnh sống và vững bước trên con đường phát triển bản thân.
Trích đoạn sách:
Bài tập SCD, Triết lý 3D, Ma trận Eisenhower
“Dạ thưa thầy, thực ra trước kia con cũng từng lên kế hoạch tập thể dục mỗi sáng và đọc sách mỗi ngày, nhưng chỉ làm được vài ngày, sau đó thì bận rộn việc học quá nên con không thể tiếp tục được. Con biết đó cũng chỉ là lý do lý trấu, nhưng quả thật để duy trì thói quen tập thể dục không phải là một điều dễ dàng. Thầy có bí kíp gì không?”
Ken thành thật nói và cảm thấy hơi xấu hổ nên anh khẽ cúi đầu nhìn xuống.
“Thôi được! Thầy sẽ chỉ con triết lý 3D nhé!”
“Triết lý 3D nghĩa là gì ạ?”
“Triết lý 3D, tức là ‘làm đúng, làm đủ, làm đều’. Đó là một phương pháp quản lý thời gian và công việc nhằm tối ưu hóa hiệu suất và phát triển bản thân bền vững mỗi ngày”.
Ồ, con nghe thì đã hiểu đại khái rồi, nhưng thầy có thể nói rõ ra được không ạ?”
“Ừm. Thế này nhé.
Thứ nhất: Làm đúng! Tức là phải làm đúng việc cần làm, không làm những việc thừa thãi vô bổ. Phải xác định rõ mục tiêu và yêu cầu của công việc, tránh sai sót. Hiểu rõ nhiệm vụ và tiêu chuẩn chất lượng mà con muốn đạt được. Sử dụng các công cụ và phương pháp phù hợp. Áp dụng các kỹ thuật, công nghệ sao cho hiệu quả nhất. Sau khi hoàn thành công việc, hãy kiểm tra lại để đảm bảo rằng nó được thực hiện đúng cách.
Thứ hai: Làm đủ. Tức là làm đầy đủ những việc cần làm, không bỏ sót nhiệm vụ nào, và làm vừa sức, bởi ‘cố quá cũng thành quá cố’. Con phải lên kế hoạch cụ thể. Viết ra danh sách các nhiệm vụ cần hoàn thành trong ngày. Nếu cần, hãy chia nhỏ công việc lớn thành các phần nhỏ hơn, dễ quản lý hơn, như vậy sẽ giúp xử lý công việc nhanh chóng và bớt bị rối. Ngoài ra, con phải biết quản lý thời gian cẩn thận bằng cách áp dụng các công cụ như lịch điện tử, ứng dụng quản lý công việc và sắp xếp các nhiệm vụ cần thực hiện.
Thứ ba: Làm đều. Con phải đảm bảo sự nhất quán. Thiết lập thói quen. Duy trì một lịch trình làm việc cố định, đảm bảo rằng mỗi ngày con đều thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch. Tạo môi trường làm việc ổn định. Xây dựng một không gian làm việc yên tĩnh, không bị gián đoạn để giúp con tập trung hơn. Đặt ra mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Phải có mục tiêu rõ ràng cho từng ngày, từng tuần và từng tháng để theo dõi tiến độ và điều chỉnh kịp thời”.
Ken nghe rồi gật gù. Là người thông minh, anh nhanh chóng hiểu được những gì tiến sĩ Son nói, dù có thể chưa nhớ rõ hết được. Ken hỏi thêm:
“Vậy, cách cụ thể để áp dụng triết lý 3D hiệu quả nhất là gì ạ?” – Ken hỏi sâu.
“Hỏi hay đấy. Các bước cụ thể để áp dụng triết lý 3D hiệu quả nhất chính là:
Thứ nhất, con phải lên kế hoạch hằng ngày. Bắt đầu ngày mới bằng việc lập danh sách các công việc cần làm. Ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng nhất và đảm bảo có thời gian thực hiện chúng.
Thứ hai: Thiết lập thời gian làm việc cố định. Xác định thời gian làm việc cố định trong ngày. Đảm bảo thời gian này không bị gián đoạn bởi các yếu tố ngoại cảnh.
Thứ ba: Tập trung và hạn chế gián đoạn. Tắt thông báo từ điện thoại và máy tính khi làm việc. Sử dụng kỹ thuật Pomodoro (làm việc 25 phút, nghỉ 5 phút) để duy trì tập trung.
Thứ tư: Kiểm tra và đánh giá. Cuối ngày, hãy xem lại các nhiệm vụ đã hoàn thành. Đánh giá hiệu quả công việc và lập kế hoạch cho ngày hôm sau.
Thứ năm: Tạo động lực và phần thưởng. Tự thưởng cho bản thân khi hoàn thành công việc đúng và đủ”.
“Ồ, hay quá! Vậy lợi ích của triết lý 3D là gì ạ?” Ken hào hứng hỏi.
“Lợi ích của Triết Lý 3D thì rất nhiều. Một là tăng hiệu suất làm việc. Hai là xây dựng thói quen làm việc, giúp nâng cao kỷ luật cá nhân. Ba là giảm căng thẳng và áp lực. Khi công việc được thực hiện đều đặn và đúng cách, con sẽ cảm thấy ít căng thẳng hơn. Bốn là phát triển bền vững. Triết lý 3D không chỉ giúp con đạt được mục tiêu ngắn hạn mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển dài hạn”. – Tiến sĩ Son đáp.
Công ty CP Sách Thái Hà trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!